Xuất hiện nhiều kỹ năng, công nghệ mới
Mới đây, Bộ Khoa học - Công nghệ đưa ra dự thảo về các công nghệ chủ chốt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn, chuỗi khối, thiết bị nano, tế bào nhiên liệu, năng lượng hydrogen, xe tự lái, thiết bị tự bay, công nghệ ánh sáng và quang tử, công nghệ thần kinh, tin sinh học, nông nghiệp chính xác, y học cá thể hóa, y học tái tạo và kỹ thuật tạo mô...
PGS-TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, nhìn nhận đây đều là những công nghệ xu thế và được ưu tiên phát triển ở các quốc gia lớn trên thế giới. “Tuy nhiên, ở Việt Nam đa số vẫn là những lĩnh vực mới mẻ. Các trường ĐH mới chỉ đang tiếp cận một số công nghệ vì để đưa vào đào tạo như một ngành học hay một môn học thì không đơn giản. Phải xây dựng được đội ngũ giảng viên, xây dựng chương trình, đầu tư cơ sở vật chất”, ông Thuận nói.
Một khi công nghệ mới xuất hiện thì kéo theo các kỹ năng mới để người lao động có thể làm chủ được công nghệ đó. Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới tổ chức năm 2019 cũng đã đưa vào 24 nghề về “kỹ năng tương lai”, là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học và doanh nghiệp trên thế giới liên quan đến các công nghệ mới, tư duy mới đang được ưu tiên phát triển ở nhiều quốc gia.
Cần thay đổi để thích ứng
Theo ông Nguyễn Chí Trường, để đáp ứng xu hướng phát triển của thế giới, giáo dục phải thay đổi tư duy, lấy kỹ năng làm mục tiêu và động lực để có những chương trình đào tạo phù hợp và đổi mới theo hướng tiếp cận linh hoạt.
“Điều này đòi hỏi phải có quá trình và thay đổi rất nhiều thứ. Các cơ quan hoạch định chính sách cũng nên lấy kỹ năng lao động làm mục tiêu, thước đo để có những chính sách phát triển phù hợp trong tương lai. Trước mắt phải đầu tư vào các kỹ năng nền tảng cơ bản nhưng cũng phải đảm bảo tính đa dạng, tính liên ngành liên nghề để sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi”, ông Trường chia sẻ thêm.
Theo ông Trường, do trường ĐH ở Việt Nam chưa đào tạo các kỹ năng, công nghệ mới, nhân lực rất hạn chế nên một số doanh nghiệp lớn phải bỏ ra rất nhiều tiền để nhập công nghệ nước ngoài về và thuê đội ngũ có kỹ năng từ nước ngoài để vận hành công nghệ. Ông Trường cho rằng hệ thống các trường ĐH, trường nghề cần nhanh chóng xây dựng các kế hoạch đào tạo theo xu thế này, nếu không sẽ thua thiệt.
Ông Trương Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty Festo Việt Nam, cũng cho rằng: “Công việc thay đổi, cơ sở đào tạo cũng phải thay đổi và người học cũng phải thay đổi. Các trường ĐH, CĐ, trung cấp phải nhanh chóng nghiên cứu và xây dựng chương trình đáp ứng các yêu cầu mới về kỹ năng, công nghệ. Các công ty nước ngoài đang đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều, nếu chúng ta không đào tạo đáp ứng được nguồn nhân lực cả chất và lượng thì tất yếu lao động nước khác sẽ vào thay thế”.
Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2, cũng cho rằng kỹ năng mà công dân thế kỷ 21 cần có là khả năng thích ứng với những thay đổi đang diễn ra hằng ngày, điều mà tại trường ĐH, CĐ, trung cấp chưa thực sự chú trọng đưa vào dạy.
Bình luận (0)