Kỷ niệm Cứu quốc quân: Gặp cụ Thu Sơn

21/12/2021 06:50 GMT+7

Mới hôm nào tới Pác Bó, hôm nay đã sắp rời Pác Bó rồi! Tôi được chỉ thị chuẩn bị đưa các đồng chí T.Ư và mang tài liệu, phương tiện, súng đạn trở về chiến khu Bắc Sơn.

Lúc đi còn non nớt, nay về đã cứng cáp hơn, thêm lông thêm cánh, thêm sức bay cao. Được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc, lãnh tụ của Đảng, người mà mình hằng tôn kính, mong đợi, tin tưởng, tôi sướng vui vô hạn.

Lúc đi, chúng tôi chỉ có khẩu súng Dóp 5 tháo bỏ báng cho gọn, nay về có đủ súng ngắn, súng dài, lựu đạn. Hơn nữa, chúng tôi còn có những của cải, tài liệu vô giá: Đó là Nghị quyết T.Ư lần thứ 8.

Lúc đi, chúng tôi chỉ có 3 anh em Cứu quốc quân, nay về có thêm nhiều cán bộ nữa bổ sung cho đội ngũ. Trong số cán bộ Đảng tăng cường cho chiến khu Bắc Sơn có anh Phùng Chí Kiên. Anh là ủy viên T.Ư Đảng, một đồng chí tuổi đời còn trẻ mà tài năng phát triển rất sớm. Từ lúc gặp anh ở khe núi đất hôm đầu tiên đến những ngày được tiếp xúc với anh ở lớp học, được nghe anh nói chuyện, tôi vừa thấy mến vừa khâm phục. Dần dà tôi được biết anh Phùng Chí Kiên quê ở Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, xuất ngoại đã mười mấy năm. Anh vào Thanh niên kháng địch hậu viện hội, là một tổ chức của Đảng ta ở nước ngoài để tập hợp những thanh niên yêu nước. Anh đã ở khu du kích Sán Đầu, học ở trường đại học của Hồng quân tại khu Xô Viết, quân sự giỏi, tiếng Hoa giỏi. Năm 1939, khi còn ở Trung Quốc, anh giữ chức liên trưởng Hồng quân Trung Hoa (như đại đội trưởng). Hình ảnh người chỉ huy trẻ tuổi Phùng Chí Kiên ở một khu du kích Trung Quốc làm tôi càng thêm tin tưởng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thượng tướng Chu Văn Tấn

Tư liệu gia đình

Được anh Phùng Chí Kiên về với Bắc Sơn, với Cứu quốc quân, thật là vinh dự và càng biết ơn sự chú ý chăm sóc của T.Ư Đảng đối với chiến khu này, càng biết ơn ông cụ Thu Sơn. Nghĩ đến ông cụ, tôi càng bồi hồi xúc động...

Bao nhiêu sự việc đã qua, bao nhiêu kỷ niệm về ông cụ Thu Sơn, về Già Thu, người có đôi mắt dịu hiền và rất sáng, có chòm râu đen lơ thơ, dáng dấp nhanh nhẹn ấy, lại như hiện ra trước mắt tôi.

Trong suốt thời gian các đồng chí T.Ư tiến hành hội nghị, tôi và mấy đồng chí xứ ủy khác được ông cụ thu xếp cho học tập về chủ nghĩa Mác - Lênin. Trình độ văn hóa của tôi còn kém lắm. Nhưng tôi cặm cụi để hết tâm trí vào tài liệu, gắng tìm hiểu những điều nói trong đó. Được gần ông cụ, tôi vừa mừng vừa cảm động. Ông cụ đã nói cho chúng tôi nghe nhiều chuyện từ Á sang Âu. Tôi bỗng nhớ lại hồi đi học nghe bạn bè kháo nhau: “Nước ta có mấy nhà cách mạng đi ra ngoại quốc”. Tôi muốn hỏi, nhưng nhớ lời anh Chính dặn dò về công tác bí mật, nghĩ mình chẳng nên tò mò...

Ngoài giờ học, ông cụ thường đến chỗ tôi bày việc cho làm, hoặc hỏi tỉ mỉ về phong trào Bắc Sơn - Võ Nhai. Một lần, ông cụ bước tới gần tôi, nhẹ nhàng hỏi:

- Chú viết được không?

- Thưa được ạ.

- Chú lấy giấy mực lại đây. Qua lời chú nói về Bắc Sơn, tôi sẽ đọc cho chú viết bài thơ này.

Tôi đã ghi bài thơ đó đem về Bắc Sơn, nhưng tiếc rằng đến nay đã thất lạc, chỉ còn nhớ được đại ý là ông cụ khen phong trào cách mạng ở địa phương.

Không phải một ngày, một buổi, mà là nhiều lần, ông cụ đã gọi tôi đến dặn những điều chung, điều riêng cho Bắc Sơn, lấy phong trào cách mạng quốc tế động viên tôi, làm cho tôi thấy rõ và tin tưởng sức mạnh của cách mạng trong nước và thế giới, thấy rõ tầm vĩ đại của Cách mạng Nga, thấy rõ sự lớn mạnh của các chiến khu Trung Quốc kháng Nhật...

Một bữa, tôi vào khe tìm một hòn đá làm chỗ ngồi đọc sách. Lưng tựa vào cây, tôi suy nghĩ nhưng hai mắt cứ lim dim muốn ngủ. Chợt có tiếng động. Ông cụ đã đến gần:

- Này, cố gắng chứ, mới ngồi học mà chú Ba đã muốn ngủ ư?

Tôi bừng tỉnh, nhìn lại chỉ thấy lưng áo vải chàm của ông cụ. Ông cụ nhắc thế thôi rồi đã lại quay về làm việc. Hình dáng, cử chỉ, lời nói của ông cụ làm tôi ngẫm nghĩ mãi. Ông cụ đang bận họp mà vẫn chú ý tới tôi ngồi học bên khe này? Tôi được ông cụ săn sóc, nhưng liệu hết thảy những anh em khác có được săn sóc như tôi không? Có lần tôi đi hỏi, các đồng chí trong đoàn đều cho biết là luôn được ông cụ đến tận nơi nhắc nhở học tập. Ông cụ chỉ nhắc khẽ mấy lời như vậy mà trong lúc nghiên cứu, tôi không buồn ngủ nữa. Vì nghĩ ông cụ làm việc mệt nhọc hơn mà còn luôn quan tâm đến mình, phải làm sao xứng đáng với lòng thương yêu săn sóc đó.

Hằng ngày, được sống gần ông cụ, tôi thấy thoải mái, lại được ông cụ kể cho nghe nhiều chuyện bổ ích. Tôi nhận thấy ông cụ biết rất rộng và rất sâu. Tôi nghĩ: Mình thật là may, được lên đây học tập. Anh Giáo và anh em Cứu quốc quân ở nhà chẳng được cái may mắn như mình. Thế thì mình phải học tập cho tốt để về nói lại cho anh em những điều ông cụ đã dạy bảo, dặn dò.

Một lần cùng đồng chí Lê ra thăm các làng ở Pác Bó, tôi hỏi dò đồng chí Lê về ông cụ. Đồng chí Lê hé cho biết ông cụ chính là Nguyễn Ái Quốc. Tôi càng kính trọng ông cụ và tin rằng cuộc cách mạng càng đi gần tới thắng lợi.(còn tiếp)

(Trích hồi ký Kỷ niệm Cứu quốc quân, NXB Lao động 2010)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.