Kỷ niệm Cứu quốc quân: Khơi lại ngọn lửa cách mạng

02/01/2022 10:00 GMT+7

Khoảng gần cuối tháng 5 năm 1942, bỗng nhiên hai anh Khoa và Hãn Sinh về Bó Cục để tìm gặp chúng tôi.

Hãn Sinh là người ở biên giới hoạt động từ lâu. Khoa là Cứu quốc quân I, đã từng tham gia khởi nghĩa Bắc Sơn, sau theo tiểu đội của ông Cáp và anh An rút sang Bằng Tường hồi tháng 7.1941 khi địch khủng bố Bắc Sơn. Hà Khai Lạc cho tôi biết là cả hai anh hiện đều làm việc cho chính quyền Quốc dân đảng ở Tĩnh Tây, có lẽ cũng chỉ là một cách mưu sinh tạm bợ chứ không có ý định gì phản trắc. Nhưng từ lâu không gặp hai anh, biết đâu họ đã chẳng có những thay đổi? Mục đích của họ đến gặp Cứu quốc quân để làm gì? Chúng tôi cần có dự kiến trước để chủ động đối phó.

Nhân có chuyện hai anh Khoa và Hãn Sinh đến tìm gặp chúng tôi, tôi vụt nhớ đến câu chuyện Hà Khai Lạc kể cho tôi nghe. Chuyện đã xảy ra ngót một năm trời...

Tốp thứ nhất do anh Phùng Chí Kiên và anh Giáo chỉ huy đi rồi thì tốp thứ hai do đồng chí Đặng Văn Cáp dẫn đầu cũng lên đường.

Thượng tướng Chu Văn Tấn (thứ 2 từ phải qua) tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngoài cùng bên phải)

TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Theo sự phân công của Ban chỉ huy Chiến khu Bắc Sơn, đồng chí Cáp (lúc này đã 48 tuổi) đưa một số đồng chí đi học nước ngoài. Tốp này có anh An (Hoàng Văn Thái), anh Minh (tức Bình), anh Khoa, anh Lạng (tức Hoàng Như Ý) và anh X. (anh X. bị bắt đi lính khố xanh ở Thất Khê đã đi theo cách mạng). Tất cả định qua Lũng Nghịu (Mục Nam Quan), rồi sang Long Châu, chờ một số học sinh ở trong nước giới thiệu ra. Trừ anh X. và anh Lạng là người mới, còn hầu hết đều là cán bộ Bắc Sơn.

Anh Bình là người thuộc đường, dẫn anh em đi xuyên rừng. Hơn một chục ngày đêm leo dốc vượt đèo, mỗi người chỉ có một túi lương khô. Mưa ướt cả ngày, cả đêm: quần áo ướt, lương khô cũng ướt. Một hôm, vào khoảng chín, mười giờ đêm, qua châu Điềm He, anh em định đi lén qua cầu Khánh Khê, không may gặp bọn buôn thuốc phiện lậu ở giữa cầu. Chúng kêu toáng lên. Sợ lộ, anh em phải chạy trở lại, không dám qua cầu nữa. Con sông chắn lối rồi, phải vượt nó mới tiếp tục đi được. Lần mò mãi mới tìm được chỗ người ta ngăn sông để đơm cá. Theo đường ngắn mà đi, đoạn lội, đoạn bơi. Đêm đó, lóp ngóp, lên tới nhà một người quen của anh Bình. Nhà này trước cũng buôn thuốc phiện: người ta làm cho một bữa cơm, thức ăn chỉ có đu đủ muối. Anh em đều mệt và đói nên ăn rất ngon lành. Ăn xong, lên một quả đồi ở trong rừng mà ngủ, không dám ngủ trong nhà dù là người quen. Lúc này tên tuổi và hình ảnh của những người Cộng sản đã được yết bảng ở mọi nơi rồi. Họ bị lính khố xanh, khố đỏ và dõng săn đuổi; ngay cả đến bọn buôn thuốc phiện lậu cũng đồng tình với bọn lính, tiếp tay cho chúng lùng bắt khi cần thiết. Rời khỏi cái nôi của mình là cơ sở nhân dân, cơ sở quần chúng, anh em cảm thấy bơ vơ.

Tối hôm sau, anh em đi lên Đồng Đăng. Đến gần Đồng Đăng thì bị lính đuổi. Anh em chạy vào rừng, đi thành hai tốp: Một tốp gồm đồng chí Đặng Văn Cáp, anh Lạng và anh X, có một khẩu súng Mút và một quả lựu đạn Ý; tốp kia chỉ có mấy con dao. Tốp ông Cáp tới Lũng Nghịu trước. Còn các anh kia, tối hôm sau mới sang được.

Sau đó, một số lên trường quân sự ở Điền Đông, còn bao nhiêu ở lại Tĩnh Tây để học bộc phá. Còn sau đó Khoa ra sao, đi làm cho chính quyền Tưởng như thế nào thì tôi không rõ. Hãn Sinh cũng là người chúng tôi quen biết. Tin vào bản chất của hai anh căn bản là tốt, ban lãnh đạo bàn nhau cần thuyết phục hai anh, khêu gợi lại ngọn lửa cách mạng, kéo các anh trở về phục vụ Cứu quốc quân. Cán bộ của ta còn rất thiếu, có thêm một người là quý. Chúng tôi đã có tiến hành điều tra nghiên cứu từng người hoạt động ở vùng biên giới. Qua lần tiếp xúc này, nếu họ tỏ ra là những người hư hỏng, thì chúng tôi đành phải giữ họ lại. Cứu quốc quân lúc đó đã có thế đứng vững chắc rồi, khi cần thiết có thể dùng vũ lực để đối phó với địch.

Tôi ra tiếp Hãn Sinh và Khoa. Hai anh có vẻ lúng túng, thiếu tự nhiên. Nhất là Khoa càng dè dặt, ít nói. Tôi vui vẻ hỏi thăm các anh về sức khỏe, gợi chuyện gia đình. Khi nhắc đến những kỷ niệm vui buồn của thời kỳ đấu tranh sôi nổi quyết liệt ở Bắc Sơn, không khí chuyện trò đã trở nên thân mật. Tôi kể lại tám tháng đấu tranh vũ trang ở Võ Nhai. Hai anh lắng nghe, vẻ suy nghĩ, xúc động. Tôi nói :

- Kẻ địch tuy khủng bố rất dã man nhân dân Bắc Sơn - Võ Nhai nhưng phong trào không thể mất được đâu. Trái lại, cả cán bộ lẫn quần chúng đều được rèn luyện dày dạn thêm. Tất nhiên, nếu ta làm ăn vụng, không nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, thì phong trào có thể tạm thời thất bại. Nhưng không nên vì gặp phải một số khó khăn trước mắt mà đâm ra chán nản...

Anh Khoa nói:

- Gia đình tôi hiện nay cũng đang còn ở cả trong nước. Thực tâm tôi cũng không bao giờ quên các anh, quên Tổ quốc, quên cách mạng. Có điều chấp kinh thì phải tòng quyền. Vì khó khăn về sinh sống, tôi cũng phải đi làm việc cho chính quyền ở đây... Kể ra đến nay tôi cũng chưa làm việc gì. (còn tiếp)

(Trích hồi ký Kỷ niệm Cứu quốc quân, NXB Lao động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.