Kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ có các bài thi riêng?

Hà Ánh
Hà Ánh
19/11/2021 19:40 GMT+7

ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ nghiên cứu phương án cải tiến kỳ thi đánh giá năng lực, trong đó xây dựng các bài thi riêng để phù hợp với những ngành đào tạo chuyên biệt như y khoa.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2021

ĐÀO NGỌC THẠCH

Nhiều điểm mới về kỳ thi đánh giá năng lực

Kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tiến tới có bài thi riêng theo ngành đào tạo là một nội dung được đề cập đến trong hội thảo “Kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM: Quá trình xây dựng, kết quả thực hiện và định hướng phát triển” do ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) tổ chức ngày 18.11.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP.HCM, cho biết ĐHQG TP.HCM sẽ tiếp tục cải tiến kỳ thi để nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và các cơ sở giáo dục tiếp cận và sử dụng kết quả kỳ thi.

Tiến sĩ Chính nhấn mạnh: “Trong tương lai, ĐHQG TP.HCM sẽ nghiên cứu xây dựng bài thi riêng, phù hợp những ngành đào tạo chuyên biệt như y khoa. Đây cũng là những ý kiến đóng góp, phản hồi của các trường ĐH y về kỳ thi đánh giá năng lực trong thời gian qua. Nhưng trước mắt, trong năm 2022 kỳ thi này vẫn giữ ổn định với một bài thi duy nhất”.

Ông Chính cho biết thêm ĐHQG TP.HCM sẽ phối hợp với các trường ĐH và CĐ để thành lập nhóm tuyển sinh chung, sử dụng chung hệ thống đăng ký, lọc ảo, xét tuyển bằng phương thức đánh giá năng lực.

“Cách làm này phù hợp định hướng đổi mới tuyển sinh của toàn ngành giáo dục, góp phần giúp các trường ĐH, CĐ thực hiện tự chủ tuyển sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, đồng thời giúp giảm chi phí chung của xã hội”, ông Chính chia sẻ.

Ngoài ra, từ năm 2022, kỳ thi này sẽ được mở rộng thêm các địa điểm thi mới ngoài 7 địa phương như năm 2021 để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh cả nước tham gia kỳ thi này.

ĐHQG TP.HCM đã đưa ra phương án dự kiến về thời gian tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 là chia thành 2 đợt: đợt 1 vào ngày 27.3.2022 và đợt 2 vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 7.2022.

Học sinh đề xuất gì về nội dung đề thi?

Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ học sinh, trong đó có yếu tố đề thi.

Tại hội thảo, tiến sĩ Phùng Kim Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Diệu (tỉnh Sóc Trăng), cho biết ông đã thực hiện khảo sát với các học sinh Trường THPT Hoàng Diệu và Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai từng tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021.

Kết quả cho thấy, hơn 50% học sinh mong muốn kỳ thi này được tổ chức 3 đợt hằng năm vào cuối tháng 12 (kết thúc học kỳ 1), cuối tháng 3 (kết thúc học kỳ 2) và cuối tháng 6 (sau khi hoàn tất việc ôn tập kỳ thi THPT).

Đánh giá về cấu trúc đề thi và nội dung thi, gần 90% học sinh đều mong muốn giữ nguyên cấu trúc 3 phần với 120 câu hỏi trong thời gian làm bài 150 phút. Tuy nhiên, hơn 68% học sinh muốn có thêm nội dung về công nghệ thông tin và gần 66% đề xuất tăng số câu liên quan toán phổ thông trong đề thi.

Kiến nghị về cải tiến kỳ thi thời gian tới, tiến sĩ Phùng Kim Phú cho rằng nên tổ chức nhiều điểm thi tại các tỉnh để tạo thuận lợi hơn cho thí sinh. Đồng thời từng bước xây dựng cơ chế để kết quả thi đánh giá năng lực là tiêu chí đánh giá chất lượng đầu ra của các trường THPT, từ đó làm căn cứ xây dựng các chính sách tuyển sinh ĐH.

Ông Phú lưu ý hiện các trường ĐH ngày càng sử dụng phổ biến phương thức tuyển sinh bằng xét điểm học bạ. Nếu tổ chức thi đánh giá năng lực cho học sinh khối 10, 11 và 12 thì kết quả điểm thi này có thể thay thế điểm học bạ trong xét tuyển đầu vào ĐH, CĐ. Điều này có thể giúp hạn chế hiện tượng tiêu cực trong kiểm tra, đánh giá thiếu thực chất có thể xảy ra tại các trường phổ thông, theo tiến sĩ Phú.

Sau 4 năm thực hiện, kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP.HCM tổ chức được mở rộng về quy mô và số trường ĐH, CĐ tham gia sử dụng kết quả.

Năm 2018, ĐHQG TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực ở 3 tỉnh, thành phố với 5 điểm thi và 5.000 thí sinh đăng ký dự thi. Năm 2021, kỳ thi đánh giá năng lực đã được tổ chức ở 7 tỉnh, thành phố với 65 điểm thi, gần 70.000 thí sinh đăng ký dự thi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.