Nhắc đến U.21 ở Đà Nẵng là phải nói đến Vòng chung kết lần thứ 10 diễn ra ngay thời điểm bão ập vào. Buổi tối 30.9 rạng sáng 1.10.2006 trước ngày U.21 đá bán kết, tổng hành dinh của U.21 gồm đầy đủ các lực lượng từ Ban tổ chức, giám sát, trọng tài, báo chí..khi đó đặt ở khách sạn Saigon Tourane ở đường Đống Đa, mọi người đang ngũ ngon thì cơn bão ầm ầm kéo tới. Bão mạnh đến mức xô đổ tất cả từ cây cối, mái tôn, mái ngói, cột điện, nóc nhà, xe cộ đang đậu ngoài đường cho đến cả những cây cần cẩu cũng bị ‘thổi bay” với mức tàn phá khủng khiếp.
Ê kíp livestream VCK U.21 Quốc gia làm việc thế nào?
|
Thật ra trước đó dự báo khí tượng thời tiết đã cho biết bão sẽ vào, mọi người cũng đã đề phòng trước và cũng đã dặn nhau tập trung về một nơi tránh chuyện bị phân tán do bão “tràn vào”. Nhưng ít ai nghĩ mức độ tàn khốc mà cơn bão mang lại ghê gớm đến như vậy.
4 giờ sáng điện cúp, mọi người nháo nhào đánh thức giấc ngũ để cùng nhau chống bão, Ai nấy cũng đều lo lắng vì sức gió cực mạnh thổi tung tất cả. Trước sân khách sạn Sài Gòn Tourane cây đổ nằm la liệt, bên ngoài đường tờ mờ sáng đợi cho cơn bão “giảm nhiệt”, một vài anh em phóng viên chúng tôi rũ nhau ra đường thi cảnh tượng thật hoang tàn, thê lương. Hầu hết các con đường chính của Đà Nẵng cây ngã bung gốc nằm chắn ngang. Cả thành phố nhiều nơi cúp điện, mọi hoạt động sinh hoạt trở nên bí bách. Khi đó làm gì có facebook hay viber, zalo nên moị người chỉ liên lạc với nhau bằng điện thoại nhưng nhà mạng cũng sập luôn khiến mọi thứ trở nên tê liệt.
Cây đổ trước Khách sạn Sài Gòn Tourane
|
Sân Chi Lăng tan tác với nhiều mãnh kính rơi
|
Cây đổ bung cả gốc vì sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão
|
Mảnh vỡ thủy tinh hốt trên sân
|
Trưởng BTC Nguyên Công Khế (đứng), Phó BTC Ngô Tử Hà (ngồi cạnh) thống nhất chỉ đạo toàn bộ lực lượng làm nhiệm vụ tại giải U.21 tham gia cứu trợ và khắc phục khó khăn đưa giải kết thúc suôn sẻ
|
Tổng biên tập báo Thanh Niên, nhà báo Nguyễn Công Khế, trưởng Ban tổ chức giải khi đó chỉ đạo Ban tổ chức và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại giải U.21 cùng với anh em văn phòng báo Thanh Niên tại Đà Nẵng chia làm 2 tốp. Một tốp tỏa xuống đường chia nhau đi đến nhà dân, các công sở giúp người dân khắc phục hậu quả. Tốp khác do Phó Tổng biên tập Đặng Thanh Tịnh cùng phó ban tổ chức Dương Nghiệp Khôi dẫn đầu phối hợp cùng Lãnh đạo Sở Thể dục Thể thao Đà Nẵng mang nhiều phần quà vật chất lẫn hiện kim đi vào các hang cùng ngõ hẻm, đến gặp trực tiếp các gia định bị thiệt hại nặng nề để trao cứu trợ, giúp mọi người ổn định đời sống.
Xuân Tú cố gắng ở U.21 Quốc tế để lên tuyển U.22 Việt Nam
|
Trưa hôm đó, Ban tổ chức cũng đã thị sát sân Chi Lăng và ai nấy cũng “hết hồn” khi sân bóng như một bãi chiến trường. Mảnh vỡ thủy tinh từ mái che bị bão tấn công rơi lã chã trên sân. Cột đèn thì xiêu vẹo, nhiều phòng chức năng rớt cả máy điều hòa và gạch ngói văng tung tóe. Tình hình này mà tổ chức đá bán kết ở sân Chi Lăng thì cầu thủ không chỉ bị chấn thương do các mảnh vỡ mà trận đấu cũng không thể diễn ra vì ai đâu mà đi xem trong bối cảnh mọi người phải lo chống bão.
Mọi phương án đã đặt ra từ việc dời sang sân Quân Khu 5 (nhưng cũng trong tình trạng mặt sân cũng không thể đá được do trên sân vung vãi đủ thứ vật dụng ) thậm chí có ý kiến dời đến sân Quy Nhơn. Cuối cùng, Ban tổ chức cho hoãn giải 2 ngày để khắc phục hậu quả. Ông Lê Nguyên Hồng, Giám đốc Sở TDTT Đà Nẵng đã quyết liệt chỉ đạo, chạy đôn chạy đáo huy động hết mọi nhân viên dọn dẹp cấp tốc sân Chi Lăng để quyết định 2 trận bán kết và trận chung kết vẫn tiến hành tại đây.
Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên Đặng Thanh Tịnh, Giám đốc Sở TDTT Lê Nguyên Hồng, Phó Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá VN Dương Nghiệp Khôi đi thăm đồng bào bị nạn
|
Bằng sự quyết tâm, đồng lòng cuối cùng cơn bão cũng đi qua, mọi khó khăn cũng đã giải quyết êm xui. Ban tổ chức cũng đã có nhiều nghĩa cử đẹp tiếp tục quyên góp, vận động và tổ chức đi trao tiền, quà cho các gia đình cổ động viên bóng đá Đà Nẵng bị nạn. Thay vì gậm nhấm nỗi buồn do mất mát, mọi người đã siết chặt tay nhau nhìn về phía trước, đồng lòng vượt khó để chỉ hơn 1 ngày sau đó, 2 trận bán kết đã diễn ra một cách tốt đẹp.
Những thành viên làm nhiệm vụ của giải còn bày tỏ tấm lòng hướng về đồng bào Đà Nẵng bị hoạn nạn, mất mát, đau thương bằng trận đấu từ thiện quyên góp được số tiền kha khá. Đó là trận đấu với những cái tên lẫy lừng trong màu áo cựu tuyển thủ Đà Nẵng vô địch giải Trường Sơn và từng vô địch quốc gia năm 1992 như Trần Vũ, Trần Minh Toàn, Phan Thanh Hùng, Bùi Thông Tuân, Bùi Thông Tân, Trương Văn Lợi, Nguyễn Phương Trung, Lê Văn Sinh, Hà Xá, Phạm Phú Hùng, Nguyễn Trọng Thao, Bùi Xuân Hòa, Nguyễn Đình Hòa, Đào Quang Hùng..với đội liên quân HLV- Phóng viên với Nguyễn Hưng Thái, Nguyễn Văn Sỹ (Nam Định), Đinh Hồng Vinh (Hoàng Anh Gia Lai), Nguyễn Ngọc Thiện (Bình Định), Đỗ Văn Minh (Tiền Giang).. cùng nhiều nhà báo thể thao như Tất Đạt, Thái Hoàng, Trần Hải, Tường Thế, Lê Tuấn ,Nguyễn Nhân, Minh Tuấn, Tấn Phước, Tuấn Tú, Nguyễn Tuấn..đã cống hiến một trận hay góp phần “hâm nóng” trở lại tình yêu của người Đà Nẵng với bóng đá sau cơn bão.
Nhà báo Trần Hải và Cựu danh thủ Trần Minh Toàn quyên góp
|
Cựu danh thủ, phó giám đốc Sở TDTT Nam Định Nguyễn Hưng Thái và phóng viên Nguyễn Nhân quyên góp
|
Báo chí tác nghiệp trận chung kết U.21 trên sân Chi Lăng
|
Bằng chứng là trận chung kết giữa Tiền Giang và Hoàng Anh Gia Lai, khán giả đã đến sân khá đông, 2 đội chơi rượt đuổi tỉ số kịch tính với nhiều bàn thắng đẹp mắt khi có đến 5 pha lập công trong trận chung kết. Đó cũng là lần đầu tiên mà một đội bóng miền Nam lên ngôi vô địch U.21 và đã giới thiệu một thế hệ tài năng như Nguyễn Thành Long Giang, Huỳnh Phúc Hiệp, Võ Nhật Tân, Trần Quốc Anh, Đậu Hoàng Tú, Nguyễn Thanh Hải, Mã Anh Duy, Lư Võ Như Quang, Võ Công Tôn Chiêu. Phía đội bóng phố Núi dù thua nhưng cũng đã cho ra lò nhưng cái tên xuất sắc không kém như Nguyễn Tăng Tuấn, Bùi Văn Long, Khuất Hữu Long, Thái Dương, Hồ Văn Thuận, Rơ Lan Dem, Khổng Tam Cường..
HLV Đỗ Văn Minh được tung hô sau khi giành ngôi vô địch cùng Tiền Giang
|
Bộ trưởng chủ nhiệm Ủy ban TDTT Nguyễn Danh Thái trao Cúp vô địch
|
Niêm vui giành á quân của Hoàng Anh Gia Lai, Người ở giữa số 2 bây giờ là trong tài Khổng Tam Cường vừa thổi VCK U.21
|
Vinh dự cho giải U.21 lần thứ 10 chính là ngay sau cơn bão chưa đầy 1 ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã bay vào Đà Nẵng đến thăm và động viên các lực lượng làm nhiệm vụ tại giải. Chủ tich đã dành nhiều tình cảm ân cần, thăm hỏi toàn bộ các đội bóng và các thành viên của giải, khen ngợi nỗ lực vượt khó, khắc phục nhanh các khó khăn, đã cùng nhau đưa vòng chung kết U.21 đến thành công. Chủ tịch cũng mong muốn qua giải U.21 lần thứ 10 này, Ban tổ chức nên nâng tầm cho các cầu thủ được thi đấu quốc tế như cách mà báo Thanh Niên từng làm ở những năm đầu như năm 1997 đưa U.21 tuyển chọn sang Perak (Malaysia) thi đấu, năm 1998 đi Cúp thế giời đoàn kết tại Pháp, năm 1999 đi dự Cúp mùa Đông tranh vào đầu năm 2000 tại Norcia (Ý) hay năm 2001 đi Argentina thi đấu..
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (thứ 2 từ phải sang) đến Đà Nẵng động viên toàn thể các lực lượng tham dự U.21
|
Chủ tịch nước biểu dương nỗ lực vượt khó của cả tập thể U.21
|
Cũng chính lời động viên, khích lệ đó mà báo Thanh Niên và Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã quyết định mời đội U.21 Thái Lan sang Đà Nẵng thi đấu giao hữu chỉ 01 ngày sau khi vòng chung kết U.21 kết thúc. Trận đấu này không chỉ là cơ hội cọ xát cho các cầu thủ trẻ va chạm với các đội quốc tế, mà chính tình yếu cuồng nhiệt của người Đà Nẵng với bóng đá trẻ đã khơi nguồn cho việc chỉ 1 năm sau đó, Báo Thanh Niên và sau này có sự tham gia của Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên đã cho ra đời giải U.21 quốc tế tại Khánh Hòa.
Vài ngày nữa, giải U.21 quốc tế tuổi 13 sẽ trở lại nơi khơi nguồn là thành phố biển xinh đẹp, hiền hoà Đà Nẵng . Những ký ức vui vẻ của 13 năm trước đã ùa về với chúng tôi khi bồi hồi nghĩ về những ngày lịch sử “chống bão” và tham gia tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa của U.21. Bây giờ U.21 không còn tổ chức ở sân Chi Lăng mà dời đến sân mới Hòa Xuân, bây giờ mọi thứ đã khác xưa khi đời sống của người dân Đà Nẵng đã thay đổi rõ rệt, mọi nhu cầu cũng đã khác nhiều . Nhưng có một thứ vẫn bất di bất dịch. Đó chính là tình yêu bóng đá của người dân Sông Hàn vẫn mạnh mẽ, vẫn cuồng nhiệt, vẫn tràn đầy sự đam mê và lạc quan. Hy vọng với U.21 quốc tế 2019, sân chơi lần đầu tiên diễn ra ở Đà Nẵng, người hâm mộ sẽ dành cho những tình cảm nồng hậu, góp phần thúc đẩy hình ảnh bóng đá Việt Nam bay cao và bay xa hơn.
Bình luận (0)