Nằm trong nhóm phát triển nhanh
Trong cuốn sách mới mang tên “Năng suất toàn cầu: Xu hướng, động lực và chính sách” dựa trên năng suất của 97 nền kinh tế kể từ năm 2000, WB xác định 5 nhóm nước, trong đó có ba nhóm “buồn nhất” rơi vào các nước khá nghèo, nhóm thứ tư gồm một số nền kinh tế lớn có tiềm năng như Argentina, Brazil, Indonesia, Mexico và Nam Phi. Nhóm thứ năm là nhóm thành công nhất bao gồm tất cả các nền kinh tế phát triển cũng như 16 thị trường mới nổi hiện nay, chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam... Thậm chí trong nhóm thứ năm, các tác giả của cuốn sách trên nhận định những nước nghèo hơn có xu hướng phát triển nhanh hơn những thành viên giàu có, với tốc độ có thể làm khoảng cách năng suất giảm một nửa sau mỗi 48 năm. Đại dịch Covid-19 sẽ kìm hãm đầu tư, rút ngắn chuỗi cung ứng nhưng cũng có thể kích thích cải cách cơ cấu, thúc đẩy sự thay thế các máy móc đó bằng các công nghệ mới hơn trong quá trình phục hồi...
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chính sách công Trường ĐH Fulbright, nhận định, nhìn xuyên suốt trong nhiều thập niên qua, nhất là gần 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được thành công trên nhiều phương diện. Đặc biệt khi đại dịch Covid-19 bùng nổ thì Việt Nam vẫn là nền kinh tế duy trì tăng trưởng dương (GDP) 1,81% trong 6 tháng đầu năm 2020, trong khi nhiều nước trên thế giới suy giảm nghiêm trọng, thậm chí tụt sâu. Kể cả về phương diện chống dịch, Việt Nam đã ngăn chặn được ảnh hưởng lớn với chi phí thấp. Hơn nữa, việc duy trì được đà tăng trưởng GDP trên 7%/năm trong nhiều năm qua khiến Việt Nam có được “của để dành”. Không gian tài khóa của Việt Nam được cải thiện đáng kể như bội chi ngân sách năm 2019 kéo giảm còn dưới 3,5% GDP hay quy mô nợ công giảm còn 54 - 55% GDP... Bản thân các doanh nghiệp (DN) và người dân đều có hoạt động, công việc làm ổn định và nguồn tích lũy qua nhiều năm cao hơn. Nhờ đó, Việt Nam có nguồn lực vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay. Mặc dù sụt giảm nhưng sức cầu của nền kinh tế vẫn được duy trì, người dân từ mua sắm truyền thống chuyển sang thương mại trực tuyến, đầu tư công được thúc đẩy mạnh và kỳ vọng những tháng cuối năm sẽ tăng tốc để hoàn thành kế hoạch.
Ông Tuấn nhấn mạnh: Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU nhưng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn được duy trì dù thấp hơn những năm trước. Đó là nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, quyết tâm của cả hệ thống từ Chính phủ đến DN. Vì vậy không có lý do gì mà không kỳ vọng vào một sự phát triển tốt hơn cho Việt Nam ở những năm sau.
Thúc đẩy thành nền kinh tế có thu nhập cao
Trước đó cuối tháng 5, WB cũng có báo cáo “Việt Nam năng động: Tạo nền tảng cho nền kinh tế thu nhập cao”. Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển, nhưng hiện nay đất nước đang ở một ngã ba đường khi các động lực tăng trưởng truyền thống đang dần suy yếu. Để đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, tăng trưởng năng suất phải giữ vị trí then chốt trong mô hình phát triển kinh tế thập niên tới. Nói cách khác, Việt Nam cần có quyết sách để không chỉ phát triển nhanh hơn mà còn chất lượng hơn.
“Trong giai đoạn mới, Việt Nam cần đặt trọng tâm tạo ra động lực phát triển vừa với sức vươn lên của nền kinh tế và các DN, chuyển sang giai đoạn sản xuất công nghiệp phụ trợ với giá trị gia tăng cao hơn lắp ráp gia công. Không thể một bước chuyển sang ngay giai đoạn thiết kế nghiên cứu như nhiều nước đã có nền tảng cao hơn. Nhưng dư địa trong các hoạt động cải cách thể chế, cơ sở hạ tầng và giáo dục của Việt Nam là rất lớn, sẽ tạo ra những bước phát triển mạnh hơn”.
TS Vũ Tiến Lộc |
Đồng quan điểm, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh để tạo ra động lực tăng trưởng mới, tiếp tục duy trì tốc độ tăng GDP cao từ 7 - 8%/năm sau này, Việt Nam không thể tư duy như cách đây 20 năm như lao động giá rẻ, cần cù hay đất đai phì nhiêu. Thay vào đó, phải lấy khoa học công nghệ làm động lực, thay đổi thể chế, tạo ra môi trường khuyến khích sáng tạo cho lực lượng lao động trẻ. Không để những DN khởi nghiệp phải sang Singapore hay Ấn Độ mở công ty... Cần có sự quyết tâm cao để tiến đến hoàn thành mục tiêu đã đặt ra là quốc gia thịnh vượng vào năm 2045.
Bình luận (0)