Cạnh tranh với Changi, Suvarnahbumi
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), cho biết theo mục tiêu đặt ra, Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1 sẽ được khánh thành và đưa vào khai thác chào mừng Quốc khánh 2.9.2025.
Thi công thử nghiệm phần cọc móng nhà ga hành khách |
Lê Lâm |
"Giai đoạn 1 sân bay Long Thành sẽ có công suất 25 triệu khách, sau đó nâng lên 50 triệu khách vào giai đoạn 2 và lên 100 triệu khách sau năm 2030. Kỳ vọng đặt ra khi xây dựng dự án sân bay Long Thành là thành cảng hàng không trung chuyển lớn trong khu vực, cạnh tranh với các sân bay lớn như Changi của Singapore, Suvarnahbumi của Thái Lan...", ông Thanh nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo ACV, siêu sân bay Long Thành được quy hoạch là sân bay lớn nhất cả nước. Các hãng hàng không lớn sẽ xây dựng theo chiến lược kinh doanh của từng hãng, biến Long Thành thành sân bay trung chuyển. "Khi đó, Long Thành không phải là 1 nan hoa nữa mà biến thành trục bánh xe, từ Long Thành sẽ trung chuyển đi các sân bay lớn trên thế giới. Nói cách khác, Long Thành sẽ thành hub (điểm kết nối chung) của khu vực và thế giới. Chiến lược được kỳ vọng của ngành hàng không trong tương lai là VN sẽ có 2 trung tâm cạnh tranh khu vực và quốc tế, gồm Cảng HKQT Long Thành và Nội Bài (mở rộng công suất lên 80 - 100 triệu khách/năm)", Chủ tịch ACV chia sẻ.
Bên cạnh đó, Long Thành sẽ thay thế vai trò, vị trí của sân bay Tân Sơn Nhất trong mạng lưới sân bay cả nước. Tân Sơn Nhất đang đóng vai trò là sân bay quan trọng và lớn nhất cả nước, phục vụ TP.HCM và nền kinh tế trọng điểm phía nam. Tuy nhiên, sau khi khai thác, Long Thành sẽ thay thế trở thành cảng hàng không chính của khu vực, cùng với sự hỗ trợ của Tân Sơn Nhất và Cần Thơ. Sân bay Tân Sơn Nhất khi đó sẽ đóng vai trò thứ yếu, chủ yếu phục vụ mạng bay nội địa và đường quốc tế ngắn.
Theo liên danh tư vấn JFV, Long Thành sẽ được trang bị các hệ thống hiện đại, áp dụng công nghệ mới nhất hiện nay như hệ thống làm thủ tục hành khách tự động (selfkios), hệ thống làm thủ tục ký gửi hành lý tự động (self baggage drop), hệ thống làm thủ tục xuất nhập cảnh tự động, cửa ra máy bay tự động… Những công nghệ này dự kiến hiện đại không kém sân bay lớn trong khu vực là Changi (Singapore).
"Hệ kinh tế sân bay"
Về đường kết nối cho siêu sân bay Long Thành, theo quy hoạch sẽ có 3 tuyến đường bộ và 2 tuyến đường sắt nhẹ, gồm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành; các tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Phan Thiết - Dầu Giây.
Theo ông Lại Xuân Thanh, hiện tuyến số 1, 2 nối Long Thành với các tuyến đường quốc gia đã được Quốc hội đồng ý cho phép đưa vào phần đất thuộc dự án sân bay Long Thành. ACV cũng đã trình dự án đường kết nối với UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh này đang kiểm đếm mặt bằng, dự kiến cuối năm nay bắt đầu triển khai.
Tổng vốn đầu tư hơn 16 tỉ USD
Dự án Cảng HKQT Long Thành gồm 3 giai đoạn, tổng vốn đầu tư hơn 16 tỉ USD (tương đương hơn 336.000 tỉ đồng).
Trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư là hơn 5,4 tỉ USD, đầu tư xây dựng 1 đường cất, hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.
Giai đoạn 2, sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất, hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn 3, hoàn thành các hạng mục để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Hai tuyến đường trên sẽ nối từ cảng vào QL51, cao tốc Long Thành - Dầu Giây... Để tạo hành lang kết nối cho Long Thành sau khi đi vào vận hành khai thác, dự kiến cao tốc Long Thành - Dầu Giây sẽ mở rộng từ 4 lên 8 - 10 làn, ngoài ra có cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đang được xúc tiến xây dựng, nối sân bay Long Thành với TP.HCM và khu vực Đông Nam bộ.
Những tuyến đường này khi hình thành cùng với sân bay Long Thành sẽ mở ra không gian phát triển mới cho vùng kết nối, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy cơ cấu kinh tế mới thiên về sản xuất dịch vụ, tạo ra năng lực cạnh tranh mới cho vùng Đông Nam bộ và cả nền kinh tế.
Không chỉ đóng vai trò quan trọng phát triển ngành hàng không, Long Thành còn được kỳ vọng mở ra không gian phát triển mới, tạo ra "hệ kinh tế sân bay" cho khu vực.
Trên thực tế, các sân bay quốc tế lớn trên thế giới đều được quy hoạch theo hướng tạo hệ sinh thái đồng bộ cho khu vực. Không chỉ khu biệt trong ngành hàng không và dịch vụ phi hàng không, việc quy hoạch các vùng phụ trợ sân bay sẽ tạo ra hệ kinh tế sân bay đa dạng bao gồm các khu đô thị sân bay, khu dịch vụ thương mại giải trí, nhóm ngành logistics, kho bãi, công nghiệp phụ trợ...
Trong đó, xung quanh sân bay Incheon (Hàn Quốc) tập trung rất nhiều doanh nghiệp logistics và kho bãi và khu vực thương mại tự do Incheon FEZ (cách sân bay 20 km) rất phát triển.
Tương tự, sân bay quốc tế Long Thành với diện tích hơn 5.000 ha cũng được quy hoạch dựa theo mô hình này. Trong đó, vùng 1 có bán kính 5 - 10 km quy hoạch thành khu chức năng hỗ trợ, các kho trung chuyển, dịch vụ logistics. Lợi thế kinh tế đến từ sân bay sẽ được tận dụng tối đa bởi H.Long Thành đang có 5 khu công nghiệp, ngoài ra còn hàng chục khu công nghiệp giáp ranh ở khu vực TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương.
Tỉnh Đồng Nai cũng như H.Long Thành cũng đang triển khai xây dựng mô hình thành phố sân bay Long Thành nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của sân bay này, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương nói riêng và cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Bình luận (0)