Kỳ vọng sự đổi ngôi FDI từ các địa phương

Nguyên Nga
Nguyên Nga
01/01/2022 06:55 GMT+7

Bất chấp Covid-19 , vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm nay đạt trên 31 tỉ USD, tăng hơn 9% so cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã có sự đổi ngôi giữa các địa phương, không tập trung vào các địa phương vốn đã có thế mạnh trong thu hút vốn ngoại như truyền thống trước đây.

Các địa phương cần thu hút đầu tư đa dạng hơn

Nguyên Nga

Thay đổi từ ngành nghề đầu tư kinh doanh

Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cập nhật, tính đến ngày 20.12.2021, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỉ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, trong năm 2021, Hải Phòng đã vươn lên vị trí dẫn đầu về thu hút FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,26 tỉ USD (chiếm 16,9%). Thứ 2 là tỉnh Long An với 3,84 tỉ USD, chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư cả nước. TP.HCM đứng vị trí thứ 3 với gần 3,74 tỉ USD, chiếm gần 12% tổng vốn đầu tư, giảm 14,2% so với cùng kỳ. Kế đó là Bình Dương, Bắc Ninh, Hà Nội… Năm 2020, TP.HCM dẫn đầu cả nước thu hút FDI với 4,4 tỉ USD, thứ 2 là Bạc Liêu với 4 tỉ USD, thứ 3 là Hà Nội với 3,6 tỉ USD…

Thực tế, nhìn vào bảng thống kê cho thấy, trong năm thường có những địa phương chỉ cần có 1 dự án FDI lớn đầu tư lĩnh vực năng lượng hay sản xuất điện tử… thì vốn FDI của địa phương đó sẽ tăng vọt và có thể vươn lên vị trí tốp đầu như với tỉnh Bạc Liêu năm 2020 có dự án điện gió; Long An năm nay có dự án điện khí hơn 3 tỉ USD, Hải Phòng có dự án điều chỉnh tăng vốn của nhà đầu tư từ Hàn Quốc LG, tăng hơn 2 tỉ USD; dự án giấy của Nhật Bản… Tất nhiên, con số FDI năm nay với hơn 31 tỉ USD so với mức hơn 38 tỉ USD vào Việt Nam năm 2019 còn chênh lệch lớn, song trong bối cảnh 2 năm liên tiếp đại dịch Covid-19 bùng phát, đặc biệt, năm 2021 với loạt tỉnh thành phía nam giãn cách kéo dài, ảnh hưởng lớn hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài, song thu hút FDI vẫn tăng, trong đó vốn điều chỉnh mở rộng đầu tư tăng hơn 40%, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài.

Bộ KH-ĐT đánh giá về kết quả thu hút FDI năm 2021: Với chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, giảm số lượng, tăng về chất lượng, chúng ta đã loại bỏ các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng. Sự cạnh tranh trong thu hút FDI giữa các quốc gia ngày càng gia tăng cũng là thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nếu xét về số dự án, các nhà đầu tư vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP.HCM, Hà Nội và Bắc Ninh. Đặc biệt, TP.HCM tuy có 4 tháng ảnh hưởng nặng nề vì giãn cách chống dịch, song số dự án đăng ký mới tại TP.HCM vẫn chiếm số nhiều so với các địa phương khác.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, cho rằng thu hút FDI có chiều hướng thay đổi do có sự thay đổi về ngành nghề đầu tư kinh doanh. Vài năm trở lại đây, FDI liên quan lĩnh vực năng lượng tăng mạnh, bao gồm điện gió, điện than, điện khí, điện mặt trời. Bên cạnh đó, là những nhà sản xuất công nghệ phụ trợ lớn đi theo các tập đoàn điện tử lớn cũng tăng mạnh. Nơi nào có nhà máy lớn làm điện tử, nơi đó sẽ có những nhà sản xuất công nghiệp phụ trợ đi theo.

Ông Tùng phân tích: “Chẳng hạn, Bắc Ninh mới đây cũng thu hút được một dự án đầu tư sản xuất vi mạch lớn từ Hàn Quốc theo chuỗi công nghiệp phụ trợ của Samsung. Các địa phương lớn như TP.HCM, Hà Nội… tuy có lợi thế về thị trường lao động chất lượng cao, dịch vụ tài chính, công nghệ và hậu cần tốt, lại có Intel, Samsung… song lại hạn chế về đất đai tài nguyên, nên các thành phố lớn chưa hẳn là thế mạnh, xu hướng là dịch chuyển đầu tư sang các địa phương lân cận. Các nhà đầu tư theo chuỗi cung ứng vào sau sẽ chọn Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Bình Dương, hoặc Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… Đó là lý do khiến dự án kêu gọi FDI tại TP.HCM vẫn tăng, nhưng xếp sau các tỉnh khác do quy mô vốn giảm dần và thiên về dịch vụ cần ít vốn hơn”.

Cần năng động hơn để lấy dự án về

“Nhưng đây là xu hướng tích cực!”, vị này khẳng định và phân tích thêm: Sau 2 năm dịch bệnh, đã xuất hiện làn sóng “ta về ta tắm ao ta” trong tâm lý người lao động xa quê. Nhiều người còn không thiết tha với việc quay trở lại TP.HCM hay Bình Dương, Đồng Nai nữa, dù nơi ấy đã cưu mang, cho họ việc làm để mưu sinh. Họ chọn ở lại quê kiếm việc làm tuy lương có thể phân nửa, nhưng đổi lại họ tìm thấy sự an toàn, có chỗ dựa vững chắc là gia đình tại quê nhà.

“Nếu các địa phương nắm bắt được xu hướng này và nó đã xảy ra, nên nỗ lực thu hút, kêu gọi đầu tư tại quê nhà và tạo công ăn việc làm cho giới trẻ ngay tại địa phương mình. Điều này cực kỳ quan trọng”, ông Tùng nhấn mạnh.

GS Hà Tôn Vinh, Chủ tịch Tổ hợp giáo dục và tư vấn quốc tế Stellar Management, phân tích nếu làm việc tại các thành phố lớn có thể kiếm được 10 đồng, chi phí thuê nhà, vật giá đắt đỏ thì mỗi tháng, họ cũng chỉ dành dụm được 1 - 2 đồng. Trong khi ở quê nhà, thu nhập có thể chỉ 5 - 6 đồng, nhưng khoản tiền dành dụm cũng tương đương, thậm chí cao hơn và quan trọng hơn là họ cảm thấy an toàn trong đại dịch. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có khả năng tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân.

Dự báo Việt Nam thu hút FDI bứt phá trong năm 2022

Theo nhận định trong báo cáo mới công bố từ HSBC Global Research, vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục là trụ cột vững chắc của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam vẫn có nhiều lý do để lạc quan về khả năng thu hút FDI của quốc gia Đông Nam Á này. Báo cáo nêu, dù hiện tại vẫn còn những băn khoăn liên quan đến những gián đoạn về chuỗi cung ứng, sự thiếu hụt lao động do Covid-19, tuy nhiên, hoàn toàn có cơ sở để lạc quan về thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam. Đặc biệt, trong năm nay 2022, Việt Nam vẫn có những lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công hợp lý, hạ tầng ngày càng được cải thiện, chính sách mở cửa, tạo điều kiện hỗ trợ các nhà đầu tư và đặc biệt là hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết như EVFTA, CPTPP…

“Thế nên, thời gian tới, các tỉnh thành cần có sự năng động, chủ động nhiều hơn để lấy dự án về cho con em mình. Kết quả thu hút FDI trong năm qua cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam còn dư địa rất lớn. Việt Nam vẫn được các tổ chức nghiên cứu trên thế giới đánh giá cao trong thu hút đầu tư. Thực tế, dịch bệnh có nhiều thay đổi hơn, giá mua bán doanh nghiệp cũng rẻ hơn, thế nên ngoài thu hút đầu tư trực tiếp, cơ hội hút vốn ngoại từ làn sóng mua bán sáp nhập cũng rất lớn. Các tỉnh thành ngoài hạ tầng tốt, cần có những lãnh đạo năng động hơn. Phía bắc có nhiều tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên… thu hút FDI tốt, nhưng Hưng Yên, Hải Dương lại không phát triển bằng. Hay tại miền Trung, Đà Nẵng thu hút FDI lĩnh vực công nghệ thông tin cũng tốt, nhưng các tỉnh lân cận không bằng. Quan trọng ngoài lợi thế về logistics, hạ tầng, các nhà lãnh đạo cần có sự chủ động và thậm chí đột phá trong mời gọi đầu tư, tránh tối đa tập trung vào thu hút một lĩnh vực thế mạnh”, ông Vinh khuyến nghị.

Cũng liên quan vấn đề trên, TS Phùng Đức Tùng cho rằng một số địa phương phụ thuộc quá lớn vào ngành công nghiệp không khói, trong đại dịch và thiên tai xảy ra triền miên thì nó trở thành “chiến lược rủi ro”. Phải đa dạng hóa mời gọi thu hút đầu tư. Các tỉnh muốn đưa dự án đầu tư về mình, phải đẩy mạnh truyền thông, quảng bá và chủ động tiếp cận nhà đầu tư. Ông nói tiếp: “Bắc Ninh hút được nhà máy Samsung lớn nhất thế giới nhờ chính lãnh đạo địa phương này gặp trực tiếp lãnh đạo cao cấp của tập đoàn. Địa phương này phải chủ động mang quy hoạch “bán” cho nhà đầu tư, thậm chí mời nhà đầu tư vào làm quy hoạch để cùng phát triển”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.