[Kỳ7] Ra trường làm bao lâu 'lấy lại' học phí?: 5 điều cần thiết để lấy vốn

Thanh Nam
Thanh Nam
06/11/2022 06:00 GMT+7

Tiến sĩ Hà Thanh Vân, Viện Khoa học văn hóa và giáo dục - Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, giảng viên Trường ĐH Hùng Vương cho rằng có cách để lấy lại học phí một cách nhanh nhất...

“Lấy lại” học phí một cách nhanh nhất

Theo bà, đâu là cách để "lấy lại" học phí một cách nhanh nhất? Hay nói cách khác, những điều kiện cần và đủ để có mức lương cao?

Để người trẻ “lấy lại” học phí một cách nhanh nhất, đồng thời nuôi sống được bản thân và gia đình, thì tôi nghĩ đến những điều sau:

Thứ nhất, là cần phải có định hướng nghề nghiệp trước khi học. Sự định hướng nghề nghiệp này dựa trên các yếu tố: khả năng (năng lực, điểm số khi ứng tuyển vào đại học) và sở thích của bản thân để quyết định xem chọn nghề gì là phù hợp với mình. Học một nghề mà bản thân mình có sự say mê, có khả năng học tốt thì sẽ là ưu thế cho mình khi ra trường, đặc biệt là với tấm bằng đại học loại khá, giỏi. Ngoài ra còn phải xem thử trường đại học và ngành mình học nữa. Trường dạy như thế nào, có uy tín, có chất lượng không, ngành học của mình có phải là ngành mà xã hội đang có nhu cầu không. Người trẻ phải tự đi tìm những câu trả lời đó.

Thứ hai, trong quá trình học, người trẻ không chỉ là học tốt kiến thức trong nhà trường mà phải học thêm nhiều kỹ năng bổ trợ cho công việc như: ngoại ngữ, tin học, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lập dự án, phân bổ thời gian làm việc… để sau này ra trường khỏi bỡ ngỡ.

Thứ ba, nên tận dụng tối đa quãng thời gian đi thực tập, thực tế ở các công ty, doanh nghiệp, cơ quan… trước khi ra trường để thu thập kinh nghiệm làm việc, tạo dựng các mối quan hệ nhằm thuận lợi cho công việc sau này.

Thứ tư, trong quá trình đi học, nên cố gắng đi tìm việc làm thêm, có thể là những việc thời vụ hay việc bán thời gian (part time) để học hỏi thêm kiến thức, làm quen với môi trường làm việc thực tế và thậm chí sau này khi ra trường có thể trở thành nhân viên chính thức ở nơi đấy. Đồng thời đi làm thêm ngay từ thời sinh viên cũng là để có thêm thu nhập trang trải cho học phí và làm cho lý lịch xin việc (CV) sau này thêm dày dặn, chất lượng, thì có thể có mức lương cao ngay từ khi mới ra trường.

Thứ năm, đó là sự chăm chỉ, chuyên cần, hòa nhập được với môi trường làm việc, khẳng định được năng lực bản thân và đáp ứng được nhu cầu công việc khi đi làm.

TS Hà Thanh Vân

XUÂN PHƯƠNG

Bà có cho rằng các doanh nghiệp nên thay đổi cách tính lương hay không?

Tôi nghĩ các doanh nghiệp nên thay đổi cách tính lương theo hướng trả lương theo năng lực cụ thể của từng cá nhân, chứ không nhất thiết phải đánh đồng mức lương chung như nhiều doanh nghiệp hiện nay thực hiện.

Ngoài ra việc chấm điểm, đánh giá công việc cũng cần được thực hiện nghiêm minh. Như vậy thì sẽ tránh được tình trạng cào bằng mức lương, mới ra trường ai cũng như ai. Tất nhiên cũng có những doanh nghiệp trả lương theo năng lực cá nhân, nhưng hiện nay chưa nhiều những doanh nghiệp làm như vậy, đặc biệt là những doanh nghiệp nhà nước.

Cho nên tôi nghĩ trong tương lai, nhà nước cũng phải cân đối chính sách, điều chỉnh mức lương tối thiếu cho phù hợp với thực tế cuộc sống, đồng thời giao quyền tự chủ về chính sách tiền lương nhiều hơn cho các doanh nghiệp, dù thuộc loại hình kinh doanh gì. Việc nhà nước hoàn thiện thể chế thị trường lao động, cung ứng lao động cùng với những khung pháp lý phù hợp thì sẽ hạn chế được rất nhiều tình trạng học phí cao, lương thấp như hiện nay.

Người trẻ không chỉ là học tốt kiến thức trong nhà trường mà phải học thêm nhiều kỹ bổ trợ cho công việc như ngoại ngữ, tin học, kỹ năng làm việc nhóm...

lê thanh

"Nếu tôi là quản lý trường đại học, lãnh đạo doanh nghiệp..."

Nếu bà là người quản lý, lãnh đạo của trường đại học, hoặc của doanh nghiệp, bà sẽ làm gì để giải bài toán học phí cao lương thấp như hiện nay?

Nếu tôi là người quản lý của trường đại học, hoặc là lãnh đạo doanh nghiệp thì ngoài những giải pháp “ngồi lại với nhau”, tôi nghĩ có thể thêm một số giải pháp khác như: Lập các quỹ. Chẳng hạn như ở đại học thì lập Quỹ Phát triển, ở doanh nghiệp thì lập Quỹ Đầu tư giáo dục. Số tiền này ở đại học dùng để chi phí cho việc giảng dạy cung cấp học bổng, nhằm tạo ra môi trường giáo dục tốt. Còn doanh nghiệp thì khi hỗ trợ kinh phí cho các trường đại học, họ sẽ có quyền và có cơ hội được ưu tiên chọn lựa những sinh viên khá, giỏi đi làm việc cho họ.

Ngoài ra các trường đại học nên có sự vận động kinh phí từ các cựu sinh viên, các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước để giúp cho việc đào tạo, giảm học phí cho sinh viên trong nhà trường. Cũng nên nghĩ đến hình thức cho các trường đại học vay tiền của ngân hàng để làm quỹ phát triển. Còn bản thân các trường đại học cũng cần cấu trúc lại tổ chức nhân sự, cơ sở vật chất, nội dung, chương trình học… nhằm đạt hiệu quả tốt nhất, thiết thực nhất cho chất lượng đào tạo, giảm bớt gánh nặng chi phí. Hàng năm cần thực hiện việc lấy phiếu khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp, cơ quan đối với chất lượng đào tạo sinh viên của nhà trường khi đi làm việc để điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp.

Xoay quanh câu chuyện “học phí cao, lương thấp”, cũng như qua chia sẻ của nhiều trường đại học, doanh nghiệp... hình như “trăm dâu đổ đầu... người trẻ đi làm”. Bà có thấy thế không?

Tôi cho rằng chuyện đổ lỗi giữa nhà trường và doanh nghiệp thì đã quá rõ ràng. Chỉ tiếc là hiện nay chủ yếu vẫn chỉ là hai bên đổ lỗi cho nhau mà chưa có thể ngồi lại với nhau để tìm cách tháo gỡ, cho nên người thiệt thòi vẫn là người trẻ.

Theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì hàng năm, chỉ số hài lòng của doanh nghiệp đối với người lao động đều sụt giảm dần đều trên cả nước. Từ khoảng 90% năm 2016, mỗi năm con số này trung bình sụt giảm thêm 5%. Vì vậy chuyện đổ lỗi cho nhau là đương nhiên. Nhưng tôi cho rằng bản thân không chỉ trường đại học và doanh nghiệp đổ lỗi cho nhau, mà các bên đều đổ lỗi. Sinh viên ra trường đổ lỗi cho nhà trường đào tạo kém và thầy cô giảng dạy chưa tốt, nên họ tiếp thu kiến thức không được. Và thầy cô đại học đổ lỗi cho thầy cô phổ thông là không cung cấp những kiến thức nền tảng cho người trẻ nên vào đại học bỡ ngỡ.

Trường đại học và các doanh nghiệp, cơ quan còn đổ lỗi cho Bộ GD-ĐT đồng ý cho mở quá nhiều trường đại học khác, nên lượng sinh viên tuyển sinh bị dàn trải, không như ý muốn, kém chất lượng. Rồi còn đổ lỗi cho cơ chế, chính sách tiền lương, chính sách giáo dục của nhà nước…

Đồng ý là nếu suy xét kỹ, thì bên nào cũng có một phần lỗi, làm nên tình trạng học phí cao, lương thấp như hiện nay. Nhưng việc đổ lỗi cho nhau không bao giờ giải quyết được vấn đề, mà chỉ làm cho dư luận xã hội thêm căng thẳng, lòng người thêm bức xúc.

Tôi nghĩ điều quan trọng nhất lúc này để giải quyết vấn đề trước mắt là các bên đều cần ngồi lại với nhau, bàn bạc, lắng nghe, lấy ý kiến của nhau để cùng đưa ra những giải pháp, chủ trương, chính sách cho phù hợp nhất. Làm sao phải đảm bảo được quyền lợi của các bên dựa trên cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ của chính bản thân và gắn kết lại với nhau, hợp tác để cùng phát triển, sao cho bên nào cũng có được lợi ích, từ nhà nước đến trường đại học, từ doanh nghiệp, cơ quan đến người đi làm.

Trường đại học phải đầu tư tương xứng với học phí

Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, học phí đại học được quy định bởi sự đầu tư cho chất lượng giảng dạy của chương trình, cụ thể hóa qua những yếu tố như: đầu tư thu hút nhân tài cho đội ngũ giảng dạy, đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, đầu tư cho môi trường phát triển kỹ năng thực hành chuyên môn, kỹ năng ngoại ngữ và kỹ năng mềm của sinh viên... Người học ngày nay là những “người thụ hưởng” thông minh, họ có rất nhiều lựa chọn học tập và rất nhạy bén với thông tin. Chính điều này tạo nên sự cạnh tranh vô hình giữa các trường đại học, mỗi trường phải liên tục có những sự đầu tư ngày càng cao và theo đó là sự đảm bảo chất lượng đào tạo tương xứng với học phí để thu hút người học cũng như giữ vững thương hiệu, uy tín của mình.

“Còn mức lương sau khi tốt nghiệp của sinh viên gắn liền với nhu cầu ngành nghề, nhu cầu xã hội tại thời điểm hiện tại, nhất là năng lực đáp ứng của chính sinh viên đó. Có thể cùng học một trường đại học, chi trả mức học phí tương đương và tốt nghiệp đồng thời, nhưng mức lương khởi điểm của một sinh viên học ngành truyền thông đa phương tiện hay digital marketing, thiết kế đồ họa, công nghệ thông tin... là những ngành đang có nhu cầu nhân lực cao và phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội; có thể cao hơn hẳn so với một số ngành mang tính chất truyền thống như: kỹ thuật môi trường, chăn nuôi… Thêm vào đó, với thực tế số lượng cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp đại học rất cao hằng năm, các nhà tuyển dụng ngày nay cũng rất khắt khe, đưa ra nhiều tiêu chí tuyển dụng khác nhau để chọn được ứng viên thực sự phù hợp từ nguồn tuyển dồi dào này", ông Quốc Anh nói.

Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lương cao cho những ứng viên giỏi, nhưng chỉ chi trả mức lương thấp hoặc vừa phải cho những nhân sự cần được đào tạo thêm mới phù hợp với vị trí tuyển dụng của họ. Đó cũng là lý do chính khiến đa phần sinh viên khi vừa tốt nghiệp thường nhận được mức lương khiêm tốn, trừ những bạn có năng lực giỏi và đã có kinh nghiệm tích lũy ngay từ quá trình học, thực hành, thực tập, đi làm sớm. Sau đó, tùy năng lực cá nhân thể hiện qua quá trình làm việc, các bạn sẽ được điều chỉnh mức lương cũng như vị trí làm việc ở những giai đoạn tiếp theo”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.