Tết là dịp để mọi người hỏi thăm nhau sau một năm. Về quê ăn tết là điều mà những người trẻ xa quê luôn chờ đợi mỗi dịp năm cũ trôi qua, năm mới đang đến. Vào những ngày đầu năm mới, trong những lúc đi thăm họ hàng, gặp gỡ bạn bè, người trẻ thường xuyên phải đối mặt với những câu hỏi về việc làm, lương bổng.
Vào mỗi dịp tết đến xuân về, anh Nguyễn Minh Tâm (28 tuổi), đang làm việc tại công ty Pouyuen (Q. Bình Tân, TP.HCM) "sợ" bị "chất vấn" về tiền bạc, đến nỗi không dám ra khỏi nhà.
Anh Tâm nói: “Tết sắp đến, mình vừa mong, vừa sợ. Mong vì được về nhà sum họp gia đình sau một năm đi làm xa nhà. Còn sợ phải gặp họ hàng, hàng xóm và nhận “mưa” câu hỏi về lương, thưởng tết. Mình bị tra hỏi giống như bị cáo đứng trước phiên tòa. Thậm chí, nhiều người có nói sao mình không kiếm việc gì mới mà làm chứ làm công nhân biết khi nào giàu. Mình nghe riết cảm thấy “ớn lạnh””.
Vừa mới tốt nghiệp đại học, đang trong thời gian chờ đợi tìm kiếm việc làm phù hợp với chuyên môn, Lê Đức Huy, cựu sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết tết năm nay anh không muốn gặp gỡ bạn bè, thầy cô, thậm chí là người thân trong gia đình vì sợ bị hỏi về việc làm, lương bổng, thưởng tết…
Đọc thêm
[Kỳ 1] Tết cận kề lo nhất điều gì?: 'Vượt vũ môn' không thành là… hết tết
[Kỳ 2] Tết cận kề lo nhất điều gì?: Áp lực lần đầu làm rể, làm dâu
[Kỳ 3] Tết cận kề lo nhất điều gì?: Ám ảnh những cuộc 'ép uống' không lối về
[Kỳ 4] Tết cận kề lo nhất điều gì?: Tổng dọn vệ sinh muốn 'xây xẩm mặt mày'
[Kỳ 5] Tết cận kề lo nhất điều gì: Đầu tiên là tiền đâu?
[Kỳ 6] Tết cận kề lo nhất điều gì?: Áp lực câu hỏi 'khi nào cưới ?'
Đức Huy nói: "Cứ vào dịp tết mỗi năm, mình được nghe "điệp khúc" là chừng nào đi làm có lương, học xong rồi ra trường có việc làm không? Một số người còn nói với mình là con họ học cùng lúc với mình, bây giờ đã đi làm tháng hơn chục triệu, gửi tiền về phụ gia đình, còn mình sao không thấy đi làm, suốt ngày cứ xin tiền cha mẹ. Mình nghe xong chỉ biết mỉm cười cho qua, không muốn giải thích thêm".
Người trẻ sợ những câu hỏi về lương bổng, việc làm trong kỳ nghỉ tết |
duy mạnh |
Cũng sợ những câu hỏi về việc làm khi về nhà nghỉ tết, Trần Thị Huyền (26 tuổi), đang làm việc ở khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM), cho biết khi về nhà, chị chỉ muốn ở nhà, không muốn bạn bè cũ để tránh chuyện bị hỏi về tiền lương. Chị Huyền bộc bạch: “Có một năm, bạn bè học cùng cấp 3, hẹn nhau đi ăn uống. Vào bàn ăn, họ chỉ nói đến chủ đề lương bổng. Có người khoe con họ làm lương vài chục triệu, người khoe mới lên chức, sắp được đi du lịch nước ngoài… Khi hỏi đến mình mình chỉ trả lời là lương tháng đủ chi tiêu cho cuộc sống độc thân”.
Rồi chị Huyền nói thêm, mình đi làm công nhân may mặc, lương tháng gần 10 triệu đồng. Tiền lương hàng tháng đủ để trang trải cuộc sống, gửi về phụ gia đình, dư dả không có bao nhiêu, có tháng còn phải đi mượn tiền bạn bè để xoay sở. Những lúc đó, chị cảm thấy rất áp lực, tủi thân.
Vào dịp tết, những câu hỏi lương bổng thường khiến người trẻ cảm thấy áp lực khi về nhà ăn tết. Đối với những bạn đang thành công trong sự nghiệp thì họ sẽ xem như đây là cơ hội để họ thể hiện bản thân, còn những bạn đang gặp khó khăn hoặc không hài lòng với công việc của mình thì chắc chắn sẽ cảm thấy không thoải mái.
Nguyễn Trung Khải (22 tuổi), đang làm việc tại Nhà văn hóa sinh viên TP.HCM chia sẻ: “Mình sẽ cảm giác khó chịu nếu bị hỏi về vấn đề lương, thưởng khi về nhà ăn tết. Đây là một vấn đề nhạy cảm, nếu trả lời không khéo léo sẽ làm cho người hỏi suy diễn ra nhiều điều khác. Ở tâm thế của một sinh viên mới tốt nghiệp và đi làm, mình sẽ trả lời một cách trung hòa nhất có thể và không cung cấp một con số nào cụ thể về lương cả. Mình sẽ nói là con mới tốt nghiệp và đi làm được 6 tháng, công việc phù hợp với ngành học và mức lương tạm ổn để trang trải sinh hoạt cho bản thân”.
Bình luận (0)