Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 40 km về hướng đông nam, có một ngôi làng đặc biệt, nơi người dân nói chất giọng kiểu xứ Quảng “bí ẩn” lạ lùng. Người dân nơi đây cho biết: "Tiếng nói là không thay đổi, như vậy là giọng nói này gói gọn trong làng này, cứ sinh con đẻ cháu ra là nói giọng này, truyền mãi cho đến bây giờ".
Làng Mỹ Lợi nằm ở xã miền biển Giang Hải thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế là ngôi làng có bề dày truyền thống văn hóa lâu đời, nơi đang giữ những bí ẩn về chất “giọng Quảng” đặc biệt.
Bởi lẽ, nếu tình cờ gặp người làng Mỹ Lợi trên đường, nghe họ nói chuyện với chất giọng kiểu xứ Quảng, không ai nghĩ rằng họ là người ở làng xứ Huế. Giọng nói của những người làng nơi đây có âm điệu trầm bổng, du dương. Nhiều người khi nghe xong đều quả quyết cho rằng họ giống giọng Quảng.
Có người lý giải do những người khai canh vùng đất này đã vào Quảng Nam một thời gian, sau đó vì quá khó khăn nên quay lại, nên giọng nói "lai" với giọng Quảng. Tuy nhiên, sự thật về ngôi làng đặc biệt này sẽ được các bô lão trong làng lý giải.
Ông Nguyễn Hải (76 tuổi), cựu trưởng Ban nghi lễ của làng, cho hay con cháu dân làng Mỹ Lợi nguyên gốc là làng Lương Niệm, H.Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa. "Giọng nói của con dân làng Mỹ Lợi gói gọn ở trong làng và cứ sinh con đẻ cháu ra tiếp tục nói giọng nói này rồi truyền mãi cho đến bây giờ. Giọng nói của người làng Mỹ Lợi đặc trưng và hiện nay tiếng nói ở đây cũng không phải Quảng Nam hay Đà Nẵng, đặc biệt là không phải giọng Huế. Thậm chí con cháu của làng khi đi xa vẫn nói giọng này, không đổi giọng. Cha mẹ nói tiếng Mỹ Lợi thì con nói tiếng Mỹ Lợi. Chúng tôi đã ra Thanh Hóa, ở Sầm Sơn thì thấy cũng nói giọng giống làng Mỹ Lợi", ông Hải chia sẻ.
Đình làng Mỹ Lợi được xây dựng cách đây 200 năm, là nơi hội họp, sinh hoạt của bà con nhân dân trong các dịp lễ, tết và là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá, giá trị lịch sử quan trọng của đất nước. Người Mỹ Lợi lưu giữ trong đình làng của mình một văn bản bằng chữ Hán, được lập cách đây 250 năm, khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Năm 2009, dân làng cùng chính quyền địa phương đã giao văn bản quý này cho Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Ngày nay, tiếp nối công lao của cha ông khai phá, trên vùng đất này, dân làng Mỹ Lợi chăm chỉ, để lại cho đời những sản phẩm thành thương hiệu như cau Mỹ Lợi, nghề tằm tơ có các sản phẩm lụa, thao, vải Mỹ Lợi… nổi tiếng khắp vùng.
Bình luận (0)