Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cao gấp đôi ngân hàng

Thanh Xuân
Thanh Xuân
12/06/2019 07:25 GMT+7

Các doanh nghiệp đua nhau phát hành trái phiếu với lãi suất cao gấp 2 - 3 lãi suất huy động của các nhà băng, khiến lãi suất ngân hàng khó có thể giảm trong thời gian tới.

Lãi suất trái phiếu lên 14,5%/năm

Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) công bố phát hành trái phiếu 4 đợt với lãi suất cao nhất lên đến 14,45%/năm. Trái phiếu PDR là trái phiếu không chuyển đổi, có bảo đảm bằng tài sản và không kèm chứng quyền. Tương tự, Công ty CP đầu tư kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) vừa phát hành 450 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm, lãi suất 12%/năm, trả lãi 6 tháng/lần. Công ty CP đầu tư Văn Phú (VPI) phát hành 800 tỉ đồng trái phiếu, kỳ hạn từ 9.5.2019 - 9.12.2021, lãi suất áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên 12%/năm, các kỳ sau lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng của VPBank cộng biên độ 4,3%, trả lãi 6 tháng/lần. Công ty CP chứng khoán VNDirect (VNDirect) dẫn đầu lượng phát hành với 1.460 tỉ đồng trái phiếu, kỳ hạn từ 1 - 3 năm và lãi suất 9,5 - 11,3%/năm.
Theo Quyết định 1191 của Thủ tướng, mục tiêu quy mô thị trường trái phiếu sẽ đạt 45% GDP năm 2020 và 65% GDP năm 2030; trong đó, dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 7% GDP năm 2020 và 20% vào năm 2030.
Theo Công ty chứng khoán MBS, từ đầu năm đến nay, có trên 60.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp (DN) được phát hành, trong đó nhóm ngân hàng (NH), chứng khoán, bất động sản chiếm tỷ trọng đến 82%. Cụ thể, ngành NH phát hành trái phiếu 17.600 tỉ đồng, trong đó VPBank phát hành 5.600 tỉ đồng, kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định từ 6,4 - 6,9%. Nhóm ngành bất động sản, xây dựng, hạ tầng đứng phát hành 16.200 tỉ đồng trái phiếu, lãi suất trên 10%/năm, cao nhất lên đến 14,5%/năm. Các DN chứng khoán huy động 15.800 tỉ đồng thông qua hình thức trái phiếu, lãi suất từ 8 - 11,3%...
So với lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm của các NH hiện nay từ 4 - 8,9%/năm, lãi suất trái phiếu DN cao hơn từ 2 - 3 lần và cao hơn lãi suất vay vốn NH khoảng 2 - 3%/năm.

Nên mua trái phiếu có ngân hàng bảo lãnh

Theo TS Bùi Quang Tín (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM), đối với người có nguồn tiền nhàn rỗi, lãi suất cao là quan tâm hàng đầu. Vì thế, trái phiếu DN cũng là một kênh đầu tư hấp dẫn bởi lãi suất cao hơn. Hiện quy mô thị trường trái phiếu DN còn nhỏ, nên một vài đợt phát hành trái phiếu với lãi suất 12 - 14,5%/năm vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến nguồn vốn huy động của các nhà băng. Thế nhưng, trong bối cảnh NH đang hạn chế tín dụng, đặc biệt đối với lĩnh vực bất động sản, chứng khoán thì khả năng phát hành trái phiếu để huy động vốn trong cộng đồng DN sẽ ngày càng nhiều hơn. Khi đó sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn huy động.
Ông Bùi Quang Tín cũng khuyến cáo: Lãi suất cao là rủi ro cao, những kênh có mức sinh lời trên 10% thì độ rủi ro sẽ càng lớn. Người mua trái phiếu cũng khó có thể cập nhật thông tin liên tục sau khi trái phiếu phát hành. Vì vậy, trái phiếu DN sau phát hành cần phải được niêm yết trên thị trường chứng khoán mới minh bạch thông tin. Ngoài ra, theo quy định hiện nay dù không bắt buộc, nhưng DN phải công bố đánh giá xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành trái phiếu. Điều này rất quan trọng mà hầu hết các đợt phát hành trái phiếu DN đều bỏ qua.
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lại cho rằng lãi suất trái phiếu DN ở mức này là không cao. Ông Nghĩa phân tích tỷ lệ cho vay của các NH với bất động sản đang hạn chế, trong khi DN muốn thúc đẩy nhanh các dự án nên buộc phải phát hành trái phiếu huy động vốn. Muốn thành công, lãi suất phải hấp dẫn là điều tất yếu.
Thực tế, các DN cũng đang phải vay lãi suất cho vay trung dài hạn của các NH từ 12 - 12,5%/năm nên việc phát hành trái phiếu với lãi suất 14% thực ra không cao. Hơn nữa, DN phát hành trái phiếu không bị giám sát về giải ngân, sử dụng vốn... Nhà đầu tư mua trái phiếu DN phải tự đánh giá mức độ rủi ro nên lãi suất 14%/năm là không cao.
Đứng dưới góc độ người mua trái phiếu, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng cần phải đọc bản cáo bạch phát hành trái phiếu những thông tin như trái phiếu DN có được bảo lãnh bởi NH hay không, có tài sản đảm bảo là bất động sản hay không... Trường hợp có bảo lãnh của NH, thông tin phát hành trái phiếu minh bạch, tài sản bảo đảm được công chứng... thì người mua có thể an tâm.
“Gần đây tôi cũng được mời chào tham gia vào các đợt phát hành trái phiếu DN nhưng đối với những DN có NH bảo lãnh phát hành, tôi mới yên tâm chứ cũng không có thời gian để nghiên cứu bản cáo bạch DN”, ông Nghĩa nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.