Lợi nhuận tăng vọt trong đại dịch Covid-19
Đứng đầu bảng phải kể đến nhà đầu tư đến từ Thái Lan là C.P Việt Nam. Năm 2020, báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này cho thấy lợi nhuận đã tăng 125% so với năm 2019. Riêng mảng nông nghiệp của tập đoàn đã đạt doanh thu 3,477 tỉ USD, tăng trưởng 25% so với năm 2019. Theo đó, lợi nhuận trước thuế thu về 966,7 triệu USD, tăng 125%. Hoạt động của doanh nghiệp này theo mô hình 3F (Feed, Farm, Food) khép kín từ trang trại đến bàn ăn, từ sản xuất thức ăn chăn nuôi đến nuôi và chế biến thành thực phẩm. Trong đó, mảng thức ăn chăn nuôi đem về 898,5 triệu USD doanh thu, tăng nhẹ 1%; mảng chăn nuôi có kết quả tăng vượt trội với 2,42 tỉ USD, tăng 36% và mảng sản xuất kinh doanh thực phẩm đạt 155,4 triệu USD, tăng 41%. Với những con số biết nói trên, kết quả kinh doanh năm qua của tập đoàn người Thái này cho thấy biên lợi nhuận gộp các mảng sản xuất kinh doanh của C.P Việt Nam tăng gần 36% so với năm 2019, còn năm 2019 tăng hơn 20% so với năm trước đó.
Tương tự, một doanh nghiệp chăn nuôi lớn khác trong nước là Tập đoàn Dabaco cũng đang có mô hình kinh doanh 3F tương đối giống C.P Việt Nam. Năm 2020, Dabaco đạt doanh thu 10.022 tỉ đồng, tăng trưởng 39%. Lợi nhuận ròng 1.400 tỉ đồng, gấp 4,6 lần năm 2019. Cũng theo cơ cấu 3F, doanh thu trong năm qua của doanh nghiệp mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt 3.105 tỉ đồng, tăng 35%; mảng sản xuất con giống và chăn nuôi đạt 5.941 tỉ đồng, tăng 27%... Lợi nhuận sau thuế của 2 mảng nói trên của Dabaco đạt lần lượt 996 tỉ đồng và 1.045 tỉ đồng, cao lần lượt gấp 4,6 lần và 13,7 lần so với năm 2019.
Một “tân binh” trong ngành chăn nuôi là Masan MEATLife (MML - thuộc Masan Group). Năm 2020, doanh thu của công ty này đạt 16.119 tỉ đồng, tăng 17%, trong đó có phần hợp nhất từ kết quả kinh doanh của Công ty 3F Việt, ước khoảng trên 1.000 tỉ đồng năm qua, Masan MEATLife đã hoàn tất việc sở hữu 51% cổ phần từ 3F Việt - doanh nghiệp nội địa hàng đầu cung cấp các sản phẩm thịt gia cầm. Với con số trên 16.000 tỉ đồng, doanh thu của MML phần lớn vẫn tập trung từ mảng thức ăn chăn nuôi với 13.871 tỉ đồng, tăng nhẹ 3%; lợi nhuận sau thuế mảng này 949 tỉ đồng, tăng 5%. Bên cạnh đó, mảng sản xuất kinh doanh thịt và trang trại của MML đạt 2.379 tỉ đồng, cao gấp 5,7 lần so với năm 2019 song vẫn đang lỗ khoảng 307 tỉ đồng.
Chăn nuôi nhỏ lẻ “chết” vì giá thức ăn tăng vọt
Ngược lại, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và đặc biệt là dịch tả heo châu Phi kéo dài khiến không ít trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ bị phá sản, khó khăn thậm chí không dám tái đàn khi vắc xin ngừa dịch tả heo châu Phi chưa có. Đặc biệt thức ăn chăn nuôi tăng mạnh đang "ăn" vào giá thành khiến họ chỉ từ hòa đến lỗ.
Ngày 16.4, giá heo hơi trên thị trường vẫn tiếp tục giảm nhẹ, giá chung toàn quốc dao động từ 72.000 - 76.000 đồng/kg. Theo phản ánh trên diễn đàn của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh đang “ăn dày” vào lợi nhuận của nhà nông, thậm chí, nuôi nhưng không có lãi. Theo tính toán của một chủ trại ở Đồng Nai, giá thức ăn chăn nuôi tăng gần 400.000 đồng/bao 25kg, hơn 35% so với cách đây 5 tháng, khiến giá thành chăn nuôi heo nay phải lên 70.000 đồng/kg, không còn mức 50.000 - 60.000 đồng/kg như trước nữa. Trong khi đó, rủi ro trong chăn nuôi vẫn luôn chực chờ do trại nhỏ lẻ, khả năng heo gà bị nhiễm bệnh rất cao, vắc xin phòng ngừa dịch tả heo châu Phi vẫn chưa có…
Một chủ trang trại khác trong Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai lại than phiền năm qua chăn nuôi gà “lỗ chổng vó” vì đại dịch, không có khách du lịch, gà nuôi ra không ai mua. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng mỗi tuần khiến nhiều trại bỏ cuộc. Với chăn nuôi heo, trong dịp cuối năm 2019 và mấy tháng đầu năm 2020, người nuôi heo vẫn “sống khỏe” vì nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng, giá heo hơi tăng liên tục... Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 đến nay, chi phí đầu vào quá cao khiến các nhà chăn nuôi nhỏ lẻ lao đao. Vị này nói: “75% nguyên liệu thức ăn phải nhập khẩu, đây là điều gây bất lợi lớn cho ngành khi quá phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu đã và đang tăng theo giá thế giới. Sở dĩ các doanh nghiệp lớn thành công, có lợi nhuận khủng nhờ họ chủ động được nguồn thức ăn. Họ sản xuất được thức ăn và lấy đó để nuôi rồi chế biến vật nuôi đưa ra thị trường. Một chuỗi sản xuất khép kín từ trang trại đến bàn ăn thì không thể không thành công. Mô hình này ai cũng biết nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Thế nên, nói một cách sòng phẳng, bất luận thế nào, thành công của một ngành đều nhờ vào mô hình sản xuất kinh doanh hiện đại, vốn lớn và chiếm lĩnh thị phần. C.P Việt Nam hay MML sau này không là ngoại lệ”.
Xem xét chống chuyển giá với mảng thức ăn chăn nuôi
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định: “Thật mâu thuẫn khi sản xuất nhỏ lẻ chỉ vì giá thức ăn cao quá mà “treo máng” trong khi doanh nghiệp lớn lại “xông xênh” lợi nhuận tăng hơn gấp đôi. Điều này là phi lý mà cốt lõi của nó không phải là câu chuyện thành công từ mô hình 3F hay chuỗi sản xuất khép kín thôi mà là dấu hiệu chuyển giá trong nhập khẩu và sản xuất thức ăn chăn nuôi, đẩy giá thành thức ăn chăn nuôi trong nước quá cao”.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh kể: “Trong lần làm việc với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, khi nói đến vấn đề thức ăn chăn nuôi tăng vọt vì giá nhập khẩu nguyên liệu, đại diện một công ty nước ngoài chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết 100% bột cá được nhập khẩu từ nước ngoài”. Đáng nói, Việt Nam là quốc gia có nguồn thủy hải sản dồi dào, giá bột cá (một trong những thành phần quan trọng để làm thức ăn chăn nuôi - PV) đang thấp hơn giá doanh nghiệp này nhập khẩu đến 80%. Có nghĩa là giá bán nguyên liệu bột cá trong nước chỉ bằng 2/10 giá doanh nghiệp nhập. “Công ty ngoại giải thích là họ phải mua nguyên liệu từ công ty mẹ ở nước ngoài nhằm bảo đảm chất lượng, chuẩn này nọ… Tôi nói thẳng đó là hành vi chuyển giá, là bắt chẹt nhà chăn nuôi trong nước và gây khó cho nhà chăn nuôi. Không thể giá mua trong nước cùng phẩm cấp lại chỉ bằng 2/10 giá nhập. Đó là chưa nói với mức giá bán chỉ bằng 20% so với giá bột cá, bột tôm nhập, chính doanh nghiệp trong nước cho tôi hay họ đã có lãi “như mơ” rồi”, vị này chia sẻ. Ông nhấn mạnh thêm giá heo hơi trong nước từ cuối năm 2019 và năm 2020 đã có lúc tiến lên gần mốc 100.000 đồng/kg. Tại thời điểm đó, chăn nuôi bằng phương pháp sinh học của doanh nghiệp vẫn tốt, giá thức ăn chưa tăng, nên lợi nhuận của doanh nghiệp mạnh là phải. Quan trọng với ngành chăn nuôi là ai làm chủ được mảng thức ăn đã là thắng. Các “ông lớn” nói trên không chỉ làm chủ mảng thức ăn, làm chủ cả thị trường khi họ nắm phần lớn thị phần, chắc chắn sân chơi của ngành chăn nuôi thuộc về các doanh nghiệp này.
Ngành nông nghiệp phải tồn tại mô hình chăn nuôi nhỏ hơn bên cạnh những ông lớn. Muốn vậy, phải hạn chế tối đa tình trạng “bắt chẹt” giá thức ăn, đấu tranh chống chuyển giá. Trong đó, ngành hải quan đóng vai trò quan trọng trong việc nhà nhập khẩu khai báo giá, việc tham vấn giá nguyên liệu đầu vào đối với thức ăn chăn nuôi cần phải làm quyết liệt hơn.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh
|
Bình luận (0)