Liên tục ở mức báo động
Theo Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên - Môi trường, trong tuần đầu tháng 11, chất lượng không khí tại Hà Nội có xu hướng đi xuống, nồng độ bụi PM2.5 tăng dần qua các ngày.
Từ đầu tháng 11 đến nay, chất lượng không khí tại TP.HCM cũng phủ “đỏ quạch” màn hình hiển thị chỉ số từ các trạm đo. Chỉ số AQI liên tục xấu và kém, ở ngưỡng trên 160 (mức xấu, có hại cho sức khỏe) ở đa số điểm quan trắc. Sương mù bao phủ nhiều khu vực, nhiều tòa cao ốc thuộc khu vực trung tâm thành phố bị sương mù dày che phủ, tầm nhìn bị hạn chế còn 6 km.
Bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo và phục vụ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết TP.HCM đang bước vào mùa khô, trời quang mây khiến bức xạ mặt trời xuất hiện nhiều hơn, mạnh hơn, tia cực tím làm cho cơ thể con người dễ mệt mỏi. Cuối năm, lượng giao thông đổ ra đường tăng cao, các công trình hối hả thi công khiến ô nhiễm không khí tăng lên. Càng đông đúc, kẹt xe, lượng khí thải phát ra càng nhiều. Mưa ít, lượng bụi mịn không thoát được, tích tụ trong bầu khí quyển càng khiến con người yếu đi, dễ nhiễm các loại vi rút gây bệnh. Trong khi đó, Hà Nội nói riêng và các tỉnh miền Bắc nói chung bắt đầu bước vào mùa đông, khô, ẩm thấp, những ngày có sương mù thì bụi mịn bay lơ lửng giữ lại trong sương, không làm cay mắt nhưng thực chất vẫn là ô nhiễm. Dự báo tình trạng ô nhiễm không khí như thế này sẽ kéo dài đến hết năm.
Ô nhiễm không còn mang tính nhất thời
Cách đây khoảng 2 tháng, do chịu ảnh hưởng bởi hoạt động của rãnh áp thấp đi ngang qua khu vực Nam Trung bộ kết hợp với vùng nhiễu động trên cao ngay tại khu vực, TP.HCM đón những ngày thời tiết se lạnh như sang thu. Mưa rào nhiều nơi, rải rác mưa vừa và giông, có nơi mưa to, cục bộ, có nơi mưa rất to nhưng vẫn không đủ sức làm tan đi lớp bụi mịn dày đặc.
Trên ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí (chỉ số AQI) toàn cầu Air Visual hiển thị kết quả không khí tại TP.HCM ở mức xấu. Hầu hết các điểm đo đều cho ra chỉ số màu đỏ - không tốt cho sức khỏe con người. AQI dao động từ trên 150 - 190, chỉ có 1 - 2 điểm có chất lượng không khí ở mức màu cam - không tốt cho nhóm đối tượng nhạy cảm. Điểm có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất là khu vực Trường đại học RMIT (Q.7), AQI lên tới 197, gần chuyển sang màu tím - nguy hại cho sức khỏe con người. Với kết quả đo lường trên, TP.HCM xếp thứ 4 trong bảng xếp hạng 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất toàn cầu.
Chưa kể, giao thông luôn được nhận định là 1 trong những nguyên nhân quan trọng gây ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội. Thế nhưng thực tế, đã có nhiều giai đoạn cả xã hội thực hiện giãn cách xã hội vì dịch bệnh, lượng phương tiện lưu thông trên đường giảm rất nhiều nhưng chỉ số ô nhiễm không khí vẫn ở mức màu cam, có khi lên tới màu đỏ.
Có thể thấy, ô nhiễm không khí không còn mang tính cục bộ, nhất thời do ảnh hưởng của thời tiết hay một vài sự cố, một vài tác nhân mà chủ yếu vẫn là do các nguồn phát thải nội tại chưa được kiểm soát.
Theo bà Lê Thị Xuân Lan, công nghiệp hóa, bê tông hóa khiến nguồn phát thải ngày càng gia tăng, từ giao thông, sản xuất cho tới sinh hoạt hằng ngày của con người đều phát thải nhiều chất gây ô nhiễm không khí. Trong khi đó, nhiệt độ toàn cầu tăng lên, biến đổi khí hậu gây nhiều thiên tai dị thường càng khiến tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí trở nên nghiêm trọng.
Bình luận (0)