Trong thời đại số, chỉ cần một cái chạm tay và vài bức hình ảo là đã có thể xong thỏa thuận kết hôn với một người nước ngoài. Bỏ qua những thủ tục, giấy tờ cần thiết, những người môi giới trên mạng xã hội hứa hẹn "chỉ cần gật đầu là cưới ngay" và liên tục săn tìm những người có mong muốn đi nước ngoài qua đường hôn nhân...
"Bẫy ngọt ngào" từ người lạ
Đảo qua một lượt trên mạng xã hội Facebook, có thể thấy có vô số hội nhóm liên quan đến mai mối, ghép đôi, kết hôn với người nước ngoài. Ước lượng thành viên tham gia vào các nhóm lên đến hàng trăm nghìn.
Trong vai người có nhu cầu lấy chồng nước ngoài, PV Thanh Niên tham gia và đăng bài viết lên nhóm "Mai mối hôn nhân lấy chồng nước ngoài". Chưa đầy 10 phút sau, có rất nhiều tài khoản tự xưng là môi giới liên hệ, gửi thông tin tới tấp.
Sau đó, những người này hỏi thêm một số thông tin gồm năm sinh, tình trạng hôn nhân, có hộ chiếu chưa… Họ yêu cầu chúng tôi cung cấp hình ảnh để bên kia xem và báo sính lễ, nếu đôi bên đồng ý sẽ gặp trực tiếp và làm giấy tờ kết hôn trong vòng một tháng.
Tài khoản tên "Nguyễn Nguyên" gửi tin nhắn cho chúng tôi với nội dung: "Rễ (rể - PV) của mình đang có mặt ở Việt Nam. Các bạn dâu từ 20 tuổi đến 28 tuổi độc thân, ly hôn đều được. Nhận dâu trực tiếp, dâu thiện chí vui lòng inbox trực tiếp. Giấy tờ thủ tục rõ ràng...".
Chúng tôi hỏi nếu không biết ngoại ngữ và không nắm rõ quy trình làm giấy tờ thì sao, người này khẳng định phía dâu chỉ cần về địa phương làm giấy xác nhận độc thân, còn lại là "bao tất". Thấy chúng tôi có vẻ lúng túng chưa trả lời, "Nguyễn Nguyên" liên tục nhắn tin hối thúc và hứa hẹn đủ viễn cảnh xa hoa khi kết hôn với một người nước ngoài mà chúng tôi còn chưa biết mặt.
Sau đó, chúng tôi tiếp tục đặt một số câu hỏi về những thông tin cần thiết như "rể bên ấy" làm công việc gì, thu nhập ra sao, tính tình thế nào, gia đình sinh sống ở đâu… Lúc này, người môi giới tỏ ra khó chịu, chỉ chốt một câu "gửi ảnh đi rồi tính tiếp".
Thực tế, theo quy định của pháp luật, để có thể đăng ký kết hôn với người nước ngoài và đi định cư, đôi bên phải thực hiện quy trình, thủ tục gồm nhiều bước. Song hầu hết những người môi giới đều quảng cáo đảm bảo thủ tục nhanh chóng và còn khẳng định "thành đôi mới lấy tiền". Họ thường biết cách đánh trúng tâm lý của đối tượng mong muốn có một cuộc sống mới, đặc biệt là những người đang gặp khó khăn về tài chính hoặc muốn ổn định cuộc sống ở nước ngoài.
Cẩn trọng kiểm chứng thông tin
Ở góc độ pháp luật, trả lời PV Thanh Niên, luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát) cho biết việc đăng ký kết hôn cần tuân thủ theo quy định của luật Hộ tịch 2014.
Theo đó, phải có cơ sở để xác định người đăng ký kết hôn tại thời điểm làm thủ tục phải là người còn sống, nên luật đã quy định rất rõ họ phải trình diện trước cán bộ nhà nước để làm thủ tục.
Luật sư nhấn mạnh việc đăng ký kết hôn cũng không thể ủy quyền cho người khác. Bởi vì đây là quan hệ nhân thân làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý mà chỉ có người nam và người nữ đăng ký mới được quyền quyết định kết hôn.
Ngoài ra, theo quy định tại điều 32 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, khi tổ chức trao giấy chứng nhận kết hôn thì hai bên nam, nữ phải trực tiếp có mặt tại cơ quan đăng ký kết hôn để bày tỏ ý muốn tự nguyện kết hôn của mình và ký tên vào giấy chứng nhận kết hôn. Nếu quá thời hạn mà hai bên nam, nữ không đến nhận giấy chứng nhận kết hôn thì giấy này sẽ bị hủy, sau đó muốn kết hôn với nhau thì phải tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn lại từ đầu.
Luật sư Lê Trung Phát lưu ý thêm để không rơi vào bẫy của môi giới bất hợp pháp, công dân cần chủ động tìm hiểu quy định về việc đăng ký kết hôn theo pháp luật Việt Nam, cụ thể là luật Hộ tịch 2014.
Theo luật sư, thủ tục kết hôn với người nước ngoài được xem là phức tạp, yêu cầu nhiều loại giấy tờ, vì vậy người dân nên đến UBND cấp huyện nơi mình cư trú để được cán bộ nhà nước hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục, hồ sơ hoặc liên hệ với các văn phòng luật sư để được tư vấn. Như vậy, rõ ràng lời hứa "làm thủ tục trong vòng 1 tháng" của những môi giới trên mạng xã hội là quá viển vông.
Đối với những trường hợp "dính bẫy" của các nhóm môi giới bất hợp pháp, người dân cần bình tĩnh, trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất và cung cấp tài liệu, chứng cứ để công an tiếp nhận, điều tra giải quyết theo quy định pháp luật.
Tuyệt đối không tiếp tục làm theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo để tránh bị lừa thêm. Những đối tượng này thường tìm cách yêu cầu "con mồi" chuyển thêm tiền hoặc giả vờ yêu cầu bổ sung giấy tờ để kéo dài thời gian.
Ngoài ra, theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Thương (đang làm việc tại Nhật Bản và cũng là một nàng dâu có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc nơi xứ người được đề cập trong loạt bài), trước khi kết hôn với người ngoại quốc, dâu, rể cần tìm hiểu về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán và cả hệ thống pháp lý của quốc gia mà mình sẽ sống. Điều quan trọng là phải chuẩn bị một hành trang tốt, không nên nhẹ dạ cả tin vào lời hứa hẹn của bất kỳ ai.
Chị Thương khuyến cáo bất kể trong hoàn cảnh nào, phụ nữ (hoặc nam giới) cần duy trì tinh thần độc lập, tự chủ về tài chính và tâm lý. Với sự phát triển của mạng xã hội và các ứng dụng hẹn hò, việc gặp gỡ người nước ngoài ngày càng dễ dàng. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ, đặc biệt là những lời hứa hẹn hão huyền hoặc các trường hợp giả danh để lừa đảo. Do đó cần cẩn trọng và kiểm chứng thông tin một cách kỹ lưỡng.
Theo luật sư Lê Trung Phát, để kết hôn với người nước ngoài, công dân Việt Nam cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký kết hôn theo quy định tại điều 30 Nghị định 123/2015/NĐ-CP như: đơn đăng ký kết hôn với người nước ngoài; hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ thay thế khác có dán ảnh; giấy tờ chứng minh nơi cư trú; giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người Việt Nam và người nước ngoài...
Đặc biệt, theo luật sư, cần lưu ý các loại giấy tờ phải còn thời hạn sử dụng ghi trên giấy, nếu không ghi thời hạn sử dụng thì có giá trị trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày cấp. Đối với các giấy tờ nước ngoài thì cần bản gốc và bản hợp pháp hóa lãnh sự (nếu yêu cầu) và dịch thuật sang tiếng Việt.
Bình luận (0)