|
Đi bộ thư thái. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Behavior Therapy and Experimental Psychiatry cho thấy dáng đi có thể tiết lộ đặc điểm tính cách của con người. Các nhà nghiên cứu phát hiện các đối tượng có dáng đi khom về phía trước thường trải qua tâm trạng tồi tệ hơn so với những người đi với phong thái thẳng đứng và ung dung.
Chỉ cần nâng cằm lên, ưỡn ngực ra và nhìn về phía trước, bạn có thể cải thiện được tâm trạng buồn chán, tẻ nhạt.
Tránh chụp hình liên tục. Chụp hình mọi lúc mọi nơi có thể cản trở khả năng nhớ lại những khoảnh khắc đáng nhớ, theo một nghiên cứu được công bố trên Psychological Science. Trong nghiên cứu này, các đối tượng tham gia được yêu cầu tham quan bảo tàng, một số người chú tâm vào việc chụp ảnh. Sau đó, họ phải mất một thời gian để nhớ lại những gì họ chụp so với những người tập trung vào việc quan sát. Theo Giáo sư tâm lý Diedra L. Clay, tại Đại học Bastyr ở Kenmore, Washington (Mỹ), ống kính được ví như một tấm màn che trước mắt khiến chúng ta không nhận ra những thứ đáng nhớ xung quanh.
Tập trung vào các đối tượng khi chụp ảnh là điều cần thiết, nhưng tốt nhất vẫn là ngồi xuống, cảm nhận và tận hưởng. Đắm mình trong vẻ đẹp và tham gia vào các hoạt động sẽ giúp tinh thần trở nên mạnh mẽ hơn, Clay nói.
Tập thể dục. Tích cực hoạt động thể chất hơn 3 lần trong 1 tuần có thể giảm nguy cơ trầm cảm xuống đến 19%, theo một nghiên cứu mới công bố trên JAMA Psychiatry. Sau khi theo dõi hơn 11.000 người sinh ra vào năm 1958 cho đến khi 50 tuổi, và ghi lại các triệu chứng cũng như mức độ hoạt động thể chất, các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học London (Anh) tìm thấy mối tương quan giữa hoạt động thể chất và trầm cảm. Những người bị trầm cảm ít có khả năng hoạt động, trong khi những người siêng năng hoạt động ít có khả năng bị trầm cảm, theo Msn.
Để nắm bắt hạnh phúc trong cuộc sống, bạn cần phải di chuyển, cho dù là những di chuyển đơn giản như đi bộ lên cầu thang cũng sẽ giúp tâm trí khỏe khoắn hơn.
Không trì hoãn. Nếu nghĩ rằng công việc này nhàm chán hay cảm thấy không muốn làm việc đó hoặc đang muốn trốn tránh trách nhiệm bởi vì nó khiến bạn lo lắng, vì sợ thất bại nên bạn trì hoãn. Điều này sẽ tàn phá thần kinh của bạn.
Để giải quyết khúc mắc này, trước khi bắt đầu tiếp cận nó, hãy làm một cái gì đó giúp bạn giảm bớt căng thẳng như: nghe nhạc, chạy một vài vòng trong công viên hoặc tham gia vào một hoạt động nào đó giúp phân hủy các lo âu.
Từ bỏ một mối quan hệ độc hại. Nhiều người bị lo âu, trầm cảm nhưng không nhận ra chính mối quan hệ xấu mà họ đang có gây ra điều này và mối quan hệ tiêu cực này sẽ gặm nhấm lòng tự trọng của họ.
Bằng cách tìm đến sự trợ giúp của người thân, bạn bè hoặc thậm chí chuyên gia tâm lý để nhìn nhận lại mối quan hệ ấy như thế nào, có cần thiết duy trì hay phá hủy sẽ giúp bạn lấy lại sự thăng bằng và niềm tin yêu vào cuộc sống.
Không cần sống quá nghiêm túc. Bạn sa chân vào một vết nứt nhỏ trên vỉa hè, thay vì nở nụ cười, nhún vai và đi tiếp, bạn thu mình lại với sự bối rối. Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy những lợi ích của tiếng cười đối với sức khỏe của con người, đặc biệt là sức khỏe tâm thần. Theo các chuyên gia, tiếng cười là liều thuốc đặc biệt có tác dụng xua tan lo âu và trầm cảm nhanh nhất.
Tìm ra những điều hài hước mỗi ngày là cách giúp cuộc sống trở nên thú vị và đáng yêu hơn. Xem một chương trình truyền hình hài, lắng nghe các kênh kể chuyện phím hoặc dành thời gian tán gẫu với bạn bè thực sự có thể giúp cuộc sống hạnh phúc hơn.
|
Ngủ đủ giấc. Giấc ngủ ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ, từ sức khỏe thể chất đến những cảm xúc, tinh thần. Giấc ngủ giúp lấy lại năng nượng và đảm bảo các hệ thống trong cơ thể không bị trục trặc, vấn đề là cần xác định giấc ngủ như thế nào là tốt đối với bạn.
Cố gắng tìm ra lý do tại sao bạn mất ngủ và sau đó thực hiện các bước khuyến cáo để dễ dàng rơi vào giấc ngủ ngon.
Dành thời gian cho bản thân. Con cái, công việc, hôn nhân, và các hoạt động khác khiến bạn không thể tìm được thời gian dành riêng cho bản thân. Theo các chuyên gia, việc tìm kiếm thời gian cho chính mình, cho dù chỉ 10 phút, một giờ hoặc một ngày là điều vô cùng cần thiết. Nếu không có thời gian cho chính mình, lo âu và trầm cảm sẽ có cơ hội xâm nhập vào cuộc sống của bạn.
Lên lịch hẹn cho bản thân là thói quen tốt cần duy trì nhằm giúp bạn lấy lại năng lượng mới cho cuộc sống.
Mặt đối mặt khi giao tiếp. Chủ yếu sử dụng chức năng nhắn tin thông qua Facebook và các phương tiện truyền thông xã hội khác để giữ liên lạc với bạn bè, mà hạn chế tiếp xúc trực tiếp là thói quen không được ủng hộ. Theo tiến sĩ Michael Mantell tại San Diego, California (Mỹ), trang Facebook chỉ là nơi giải trí và đây không phải là cuộc trò chuyện đúng nghĩa, cho phép chúng ta hiểu nhau, thậm chí nó còn làm giảm bớt cảm xúc của mọi người. Khi nói chuyện trực tiếp, bạn có cơ hội quan tâm đến tư thế ngồi, cảm xúc biểu lộ trên gương mặt của người đối diện và điều đó giúp việc kết nối trở nên tích cực hơn.
Hãy chắc chắn sắp xếp một cuộc hẹn với bạn bè, gia đình, hoặc đối tác ít nhất một lần một tuần là cách duy trì sự gắn kết trong cuộc sống.
Ngọc Khuê
>> 9 dấu hiệu cảnh báo về trầm cảm
>> Vượt chứng trầm cảm bằng âm nhạc
>> Bỏ thuốc lá ở người trầm cảm
>> Giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh
>> Đối phó chứng trầm cảm ở trẻ
>> Thực phẩm đối phó trầm cảm
Bình luận (0)