Làm giàu từ biển: Thủ lĩnh nuôi ngao

Phạm Đức
Phạm Đức
14/07/2022 06:12 GMT+7

Để nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, ông Lê Xuân Hùng đã kêu gọi những người dân nuôi ngao nơi cửa biển vào hợp tác xã, chuyển từ nuôi quảng canh manh mún sang thâm canh, nhờ đó giúp các xã viên có thu nhập ổn định.

Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, dịch vụ vệ sinh môi trường Hùng Thuận (HTX Hùng Thuận) do ông Lê Xuân Hùng làm giám đốc là một điểm sáng, đóng vai trò hình mẫu trong mô hình phát triển kinh tế biển ở làng nuôi ngao Mai Lâm (xã Mai Phụ, H.Lộc Hà, Hà Tĩnh).

HTX Hùng Thuận của ông Lê Xuân Hùng giúp tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương

PHẠM ĐỨC

Mở đường nghề nuôi ngao

Sau nhiều lần lỡ hẹn, chúng tôi cũng đã được ông Hùng dành thời gian để chia sẻ về nghề nuôi ngao ở làng Mai Lâm. Ông cho biết làng nằm gần sát cửa biển, được thiên nhiên ban tặng một bãi triều rộng lớn ở phía trước mặt. Tuy nhiên, mấy chục năm trước chẳng ai nhận ra tiềm năng của bãi triều này để nuôi trồng thủy sản phát triển kinh tế.

Từ năm 1990 trở về trước, hầu hết người dân trong làng chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt các loại hải sản nước lợ và đi biển đánh cá. Số ít những người ở nhà thì chờ lúc thủy triều xuống, ra bãi bồi để đào bắt con ngao, con sò sống tự nhiên dưới lớp đất cát mang về bán cho thương lái. Cuộc mưu sinh của những hộ dân ở làng biển này cũng chỉ có vậy.

Riêng ông Hùng, thời trẻ sung sức thì theo các thanh niên trai tráng trong làng đi làm thủy thủ cho một tàu chở hàng ở tận Hải Phòng. Công việc suốt ngày lênh đênh trên biển cũng chỉ giúp chàng trai làng biển “đủ ăn, đủ tiêu”. Chỉ đến khi cưới vợ, ông Hùng mới bỏ nghề thủy thủ để về quê lập nghiệp.

Bãi triều nuôi ngao ở làng Mai Lâm thời điểm thủy triều xuống

“Năm 1990 tôi cưới vợ. Không còn đi biển nữa nên tôi chuyển qua nghề buôn ngao. Tôi bắt đầu thu mua toàn bộ ngao người dân bắt được ở bãi triều cạnh làng để mang ra chợ bán kiếm lời. Vì chỉ thu mua những con cỡ lớn nên số lượng không được bao nhiêu, trong khi ngao bé thì sống ngoài tự nhiên khá nhiều. Qua tìm hiểu, tôi biết nhiều nơi họ nuôi ngao thương phẩm rất thành công nên nghĩ tại sao mình không làm”, ông Hùng chia sẻ.

Sau nhiều lần đắn đo, ông Hùng đã đề xuất với dân làng khoanh bờ, ngăn thửa cải tạo đất để nuôi ngao. Nghe theo lời cậu thanh niên từng “đi ra ngoài” làm ăn, người dân làng Mai Lâm khoanh đất để thả nuôi thử nghiệm ngao giống ở bãi triều. Tuy nhiên, ban đầu do nuôi quảng canh manh mún và thiếu đầu ra nên nghề nuôi ngao lúc đó thu nhập rất bấp bênh.

“Nhiều vụ người dân trắng tay vì ngao nuôi nhiễm bệnh chết trắng do nguồn giống nuôi không đảm bảo. Đó là chưa kể lũ lụt cũng hay xảy ra, cuốn trôi hết tất cả ngao nuôi ra biển. Bãi triều sau đó bị người dân bỏ hoang do thua lỗ”, ông Hùng nhớ lại.

“Mang tiền vãi ra biển”

Không muốn nghề nuôi ngao của bà con bị “khai tử”, ông Hùng đã lặn lội ra các tỉnh Nam Định, Thái Bình để học hỏi kỹ thuật nuôi vì biết người dân nơi đây đang nuôi ngao Bến Tre rất thành công. Giống ngao này khác với ngao địa phương, chịu nhiệt tốt hơn nên rất hợp với môi trường, thời tiết khắc nghiệt như ở Hà Tĩnh. Ông Hùng lập tức bắt xe vào Bến Tre để đặt mua con giống. “Năm 2006, tôi lên xã thuê 10 ha đất ở bãi triều, rồi bỏ ra khoảng hơn 1 tỉ đồng để mua giống ngao Bến Tre về nuôi. Lúc đó, người dân ai cũng nói tôi dại dột vì mang tiền vãi ra biển”, ông Hùng nói.

Chỉ sau 18 tháng thả nuôi, số ngao của ông Hùng sinh trưởng và phát triển rất ổn định, đủ điều kiện xuất bán. Vụ thu hoạch này, ông trúng cả mấy trăm triệu đồng. Liên tiếp những năm sau đó, nhận thấy gia đình ông Hùng giàu lên nhờ nuôi ngao nên người dân làng Mai Lâm mới quay trở lại thả nuôi như trước kia. Diện tích nuôi ngao thương phẩm ở làng Mai Lâm kể từ đó bắt đầu tăng lên. Ngặt nỗi khi vào vụ thu hoạch, các hộ nuôi hay bị thương lái ép giá vì thị trường chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc. Điệp khúc được mùa mất giá cứ xảy ra thường xuyên.

Nguyên do chủ yếu là vì người dân vẫn chưa chịu thay đổi tập quán nuôi ngao tự phát. Người giống này, người giống kia, chăm sóc ra sao rồi bán cho ai, lời lãi bao nhiêu đều phó mặc cho thị trường. “Tôi nghĩ rằng người dân cần phải thay đổi cách nuôi ngao để cho hiệu quả kinh tế cao hơn nên kêu gọi họ thành lập hợp tác xã. Tôi phải thuyết phục hết hơi, nói rõ về các lợi ích được hưởng thì dân làng mới chịu nghe theo. Thế là đầu năm 2011, HTX Hùng Thuận chính thức ra đời với 20 thành viên, do tôi làm giám đốc”, ông Hùng tâm sự.

Lãi ròng tiền tỉ

HTX Hùng Thuận ra đời mang sứ mệnh xóa bỏ tư duy cũ, chuyển hướng từ nuôi ngao quảng canh sang thâm canh. Nhưng hành trình để nuôi loài nhuyễn thể 2 vỏ này cũng vô cùng gian nan, vất vả. Ông Hùng cho hay con ngao rất dễ nuôi, chỉ cần cải tạo đất, chọn vị trí nuôi phù hợp rồi thả con giống chứ không phải cho ăn. Vì thế, việc lời lãi chỉ trông chờ vào “ông trời”.

Những ngày đầu thành lập, với vốn điều lệ được 5 tỉ đồng, HTX Hùng Thuận bắt đầu mua con giống về thả nuôi trên diện tích 31,4 ha. “Số tiền bỏ ra nuôi ngao lớn khiến ai cũng lo. Trước khi thả nuôi, tâm lý của các xã viên đều trong trạng thái sợ sệt, có người còn tính xin rút lui. Tôi liều nói thua thì giám đốc chịu cho, thì họ mới nhẹ lòng. Là người khởi xướng, đứng mũi chịu sào nên mình phải cương quyết như vậy. Ngay ở vụ thu hoạch đầu tiên, người góp vốn ít nhất cũng lãi được hơn 100 triệu, ai cũng vui”, ông Hùng tâm sự.

Để có được thành công, ông Hùng cho hay HTX Hùng Thuận ngoài chủ động quy trình nuôi trồng thì cũng chú trọng tìm đầu ra. Giám đốc HTX cùng các xã viên bền bỉ sản xuất ra sản phẩm ngao thương phẩm đạt chất lượng cao. Từ việc chỉ xuất bán cho các thương lái trong tỉnh thì nay đã vươn đi ở rất nhiều tỉnh, thành như Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng

“Bây giờ trung bình mỗi năm chúng tôi thả nuôi khoảng hơn 300 tấn ngao giống với chi phí đầu tư 20 triệu đồng/tấn. Sau 18 tháng thả nuôi, HTX thu về hơn 3 tỉ đồng lãi ròng. Ngoài tạo thu nhập ổn định cho các xã viên, HTX Hùng Thuận cũng tạo ra việc làm thời vụ cho khoảng 20 lao động với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Hiện nay, vốn điều lệ của chúng tôi lên đến 15 tỉ đồng”, ông Hùng bật mí.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh, một thành viên của HTX Hùng Thuận, khẳng định chị và các thành viên khác đều rất phấn khởi khi hiệu quả kinh tế từ việc nuôi ngao đã cao hơn rất nhiều lần so với trước đây và đặc biệt là ít khi xảy ra rủi ro. “Gia đình tôi trước kia thả nuôi ngao trên diện tích hơn 1 ha nhưng năm được năm mất vì không biết cách chăm sóc. Từ ngày vào hợp tác xã và được ông Hùng bảo lãnh nên hiếm khi xảy ra thua lỗ, có chăng thì cũng chỉ do thời tiết mưa lũ bất khả kháng”, chị Quỳnh kể.

Theo ông Phạm Trọng Hợp, Phó chủ tịch UBND xã Mai Phụ, toàn xã có 36 hộ dân tham gia nuôi ngao thương phẩm trên diện tích hơn 80 ha ở bãi triều. Trong đó, HTX Hùng Thuận là đơn vị lớn mạnh nhất vì thu hút được nhiều bà con tham gia góp vốn, trở thành mô hình kinh tế điển hình ở địa phương. Riêng ông Hùng là người có công lớn trong xây dựng mô hình nuôi ngao thương phẩm quy mô hàng hóa, mang về thu nhập cao cho các thành viên. Bản thân ông Hùng cũng được các bộ ngành, chính quyền địa phương tặng nhiều bằng khen vì làm kinh tế giỏi.

(còn tiếp)

Làm giàu từ biển

Dựng cơ nghiệp tiền tỉ

Phất lên nhờ đội tàu không lưới

'Đánh kiếm' xa bờ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.