Làm giàu từ biển: Tỉ phú ở 'làng Chanchu'

Mạnh Cường
Mạnh Cường
17/07/2022 06:33 GMT+7

16 năm sau thảm họa bão Chanchu, làng chài nghèo ven biển xã Bình Minh (H.Thăng Bình, Quảng Nam ) đã chuyển mình trở thành 'làng tỉ phú' nhờ nguồn tiền gửi về từ việc đi xuất ngoại đánh bắt cá trên những con tàu công suất lớn của người Hàn Quốc .

Đổi thay vùng cát trắng

Giữa cái nắng như thiêu đốt của những ngày đầu tháng 7, chúng tôi tìm đến xã Bình Minh. Sau 16 năm cơn bão Chanchu hồi tháng 5.2006 cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngư dân, những tưởng làng biển với những mái ngói, bờ cát trắng, dãy phi lao… chưa dễ gượng dậy. Nhưng trước mắt là khung cảnh ngỡ ngàng. Hai bên đường bê tông, từng dãy nhà cao tầng mọc lên san sát. Các biệt thự “kiểu Tây” không còn là chuyện hiếm ở vùng quê này.

Ông Lê Xuân Tới, Phó chủ tịch UBND xã Bình Minh, cho biết nhiều ngư dân trẻ sau khi may mắn thoát chết sau thảm họa bão Chanchu đã nhận ra thực tế: Những con tàu nhỏ, công suất yếu không thể đảm bảo an toàn. Họ đổi hướng, xuất ngoại đánh bắt cá trên những con tàu công suất lớn của người Hàn Quốc, mang tiền tỉ về quê xây nhà lầu, có người còn sắm cả xe hơi.

Ngư dân ở Thăng Bình vẫn đang duy trì đội tàu cá đánh bắt hải sản trên biển

MẠNH CƯỜNG

“Những ngôi nhà 2 - 3 tầng kia phần lớn của những người đã và đang đi lao động xuất khẩu bên Hàn Quốc. Làng Chanchu bị cơn bão khủng khiếp năm nào tàn phá giờ đã thay đổi nhiều rồi. Không phải nói quá lời, chứ ở đây nhiều ngư dân giờ cũng thành tỉ phú cả rồi”, ông Tới nói.

Khi những ngư dân đầu tiên xuất ngoại ăn nên làm ra rồi gửi tiền về, nhiều ngư dân trẻ liền làm theo. Họ vay mượn, cầm cố nhà cửa cho ngân hàng để có tiền xuất ngoại. Hiện nay, Tân An và Hà Bình là 2 thôn có số ngư dân trẻ xuất ngoại nhiều nhất xã. Có gia đình 2 - 3 anh em trai đều sang Hàn Quốc đánh bắt cá thuê.

“Những ngư dân ở xã Bình Minh qua Hàn Quốc chủ yếu đi đánh cá thuê, tất cả đều đi theo diện chính ngạch do Trung tâm Xúc tiến việc làm tỉnh Quảng Nam làm đầu mối và đi theo diện xuất khẩu lao động của Bộ LĐ-TB-XH quy định”, ông Tới chia sẻ.

Trong câu chuyện với cán bộ lãnh đạo xã Bình Minh, chúng tôi được biết, hơn 10 năm trước, thông tin nhà nọ nhà kia có người đi xuất ngoại đánh bắt cá trên những con tàu công suất lớn của người Hàn Quốc rồi gửi về hàng chục triệu đồng được người dân râm ran truyền tai nhau. Rồi một vài ngôi nhà cao tầng mọc lên đã đánh thức giấc mơ thoát nghèo của trai tráng ở làng cát ven biển này. Chẳng mấy chốc, “cơn lốc” xuất ngoại “cuốn” gần hết thanh niên trong làng. Từ sự khởi đầu ấy, phong trào xuất khẩu lao động lan rộng và phát triển mạnh cho đến nay.

Những căn biệt thự tiền tỉ ở xã Bình Minh

MẠNH CƯỜNG

Từ vùng quê nghèo khó, Bình Minh nay trở thành một trong xã trù phú nhất nhì huyện.

Sắm biệt thự, xe hơi

Ông Nguyễn Đức Thanh (66 tuổi, ở thôn Hà Bình) có gần 40 năm bám biển Hoàng Sa. “Tôi và 2 người con trai là những ngư dân may mắn thoát chết khi bão Chanchu ập vào. Sau thảm họa đó, 3 cha con tôi quyết định nghỉ đi biển cả năm để ổn định tinh thần. Giờ nhớ lại thời điểm đó, thật khủng khiếp. Bão Chanchu sẽ còn được nhiều thế hệ nhắc đi nhắc lại bởi đó là một ký ức buồn khó quên của nhiều ngư dân nghèo ở làng biển này”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, thời điểm đó khi phong trào xuất ngoại bắt đầu “nảy mầm”, vợ chồng ông vay mượn gần 150 triệu đồng cho đứa con trai thứ 2 là Nguyễn Đức Minh (42 tuổi) sang Hàn Quốc. Sau đó, con trai thứ 3 là Nguyễn Đức Mẫn (39 tuổi) cũng sang Hàn Quốc đánh cá thuê và ăn nên làm ra. Tiếp bước 2 người anh, người con trai kế út Nguyễn Đức Tiến (30 tuổi) cũng xuất ngoại làm thủy thủ.

Ông Nguyễn Đức Thanh chia sẻ với PV Thanh Niên

Sau hơn 5 năm mưu sinh ở nơi xứ người, hiện cả 3 đứa con trai của ông Thanh cũng đã về nước. “Cả 3 căn nhà lầu to, đẹp nằm liền kề nhau đều của 3 thằng con trai tôi cả đấy. Tiền xây nhà là từ thu nhập thời đi biển bên Hàn Quốc, trong nhà nhiều thiết bị, đồ dùng sinh hoạt đắt tiền”, ông Thanh cười nói.

Thời điểm 3 con trai ông Thanh đi Hàn Quốc, ở nhà chỉ còn vợ chồng ông Thanh cùng đứa con gái. Hiện cô con gái út cũng đang làm ăn bên Hàn Quốc.

“Mấy đứa con trai tôi thuộc tốp những người đầu tiên trong xã đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc. 5 năm đi Hàn Quốc, năm nào chúng nó cũng gửi về cho tui cất giữ mỗi đứa từ 400 - 500 triệu đồng. Số tiền lớn như rứa, hồi trước vợ chồng tui có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến. Bây chừ thì hết khó khổ rồi, chỉ có giàu thôi”, ông Thanh cười.

Ra đi để trở về

Tôi tìm về làng Tân An theo lời giới thiệu của chính ngư dân Nguyễn Đức Thanh. Trước mắt là căn biệt thự tiền tỉ của ngư dân Trần Công Khuyên. Ông Khuyên, 48 tuổi, cũng thuộc lớp người đầu tiên của xã xuất ngoại đánh cá thuê ở Hàn Quốc. Hơn 3 năm sau, ông trở về quê làm dịch vụ du lịch.

Theo ông Khuyên, thời gian đầu khi mới sang Hàn Quốc, ông làm ngư dân cho tàu nước bạn. Nhờ có tay nghề sửa máy nên một thời gian sau, ông chuyển sang nghề cơ khí, làm lắp ráp ô tô. Cầm tiền tỉ trong tay trở về, ông Khuyên giúp cha xây ngôi nhà 2 tầng đẹp nhất nhì xã thời điểm đó. Số tiền còn lại ông mua ô tô 4 chỗ làm dịch vụ du lịch.

Dãy nhà cao tầng liền kề của các con ông Nguyễn Đức Thanh

MẠNH CƯỜNG

“Làm lao động phổ thông, mức thu nhập không cao nên để dành dụm được tiền gửi về quê, tôi phải tiết kiệm chi tiêu. Để có được như hôm nay, bản thân đã rất nỗ lực”, ông Khuyên chia sẻ.

Vừa trở về từ Hàn Quốc được gần 2 tháng sau hành trình dài gần 10 năm mưu sinh nơi đất khách, anh Trần Văn Cảnh (39 tuổi, ở thôn Tân An) đang vui vầy bên vợ và 2 cậu con trai.

“10 năm là một khoảng thời gian dài, nhưng vì miếng cơm manh áo của người thân thì dù cho có dài đến bao nhiêu đi nữa mình cũng phải cố gắng. Tôi đang trong thời điểm xin phép để về thăm gia đình, nghỉ ngơi khoảng 3 tháng thì tiếp tục sang lại Hàn Quốc”, anh Cảnh nói.

Từ khi qua Hàn Quốc cho đến nay, anh Cảnh vẫn đang trụ vững với nghề thủy thủ. “Công việc vất vả, nhưng đổi lại đồng lương làm ra khá cao. Nếu chăm chỉ, được ông chủ thương thì họ còn cho thêm nữa. Bản thân mình nếu chịu khó chắt chiu khoảng 5 năm thì cuộc sống ở quê nhà sẽ thay đổi “360 độ” liền”. Hiện nay, mình đủ dư giả để xây dựng căn nhà khang trang, nhiều tầng cho vợ con. Đang bàn tính với vợ để đi Hàn thêm vài năm nữa rồi quay về hẳn ở quê. Nói thật, tha phương với khoảng thời gian đó là quá đủ rồi”, anh tâm sự.

Nhiều người ở vùng cát trắng Bình Minh đã chọn cho mình hướng đi mới, xuất khẩu lao động, với những hy vọng đổi thay cuộc sống. Ngày trở về, họ dùng số tiền có được bằng mồ hôi, công sức để xây nhà dựng cửa, đầu tư phát triển kinh tế. Họ có lý do để theo đuổi hướng đi ấy, nhất là sau khi trải qua thảm nạn bão Chanchu. Ngư dân vùng đông Thăng Bình này đang góp phần thực hiện hóa giấc mơ làng biển của mình theo một cách rất riêng…

Làm giàu từ biển

Xóm chài đổi đời nhờ 'vỗ béo' cá đặc sản

Chinh phục biển khơi Hoàng Sa, Trường Sa

Thủ lĩnh nuôi ngao

Dựng cơ nghiệp tiền tỉ

Phất lên nhờ đội tàu không lưới

'Đánh kiếm' xa bờ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.