Làm sao để biết trẻ thấp lùn so với tuổi?

Lê Cầm
Lê Cầm
16/07/2022 04:00 GMT+7

Xin hỏi bác sĩ làm thế nào để biết con mình đang phát triển bình thường hay thấp lùn so với tuổi, cần theo dõi trẻ như thế nào? (T.H, 34 tuổi, Bình Dương ).

Tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Phòng khám Nhi - Tiêm ngừa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trả lời:

Ngày nay, các bậc phụ huynh rất quan tâm đến sự phát triển chiều cao của con trẻ và ai cũng mong muốn con mình đạt được chiều cao lý tưởng khi trưởng thành. Bình thường, trẻ sơ sinh có chiều cao trung bình khoảng 50 cm. Trong năm đầu tiên, trẻ sẽ tăng 25 cm và trong 2 năm kế tiếp, mỗi năm trẻ sẽ tăng 10 cm. Từ 3 tuổi trở lên cho đến lúc dậy thì, mỗi năm trẻ tăng thêm 5 cm.

Nếu trẻ không đạt được các mốc tăng trưởng về chiều cao theo từng độ tuổi thì được gọi là chậm tăng trưởng chiều cao. Hậu quả là trẻ sẽ bị lùn so với các bạn cùng lứa và nếu không đươc chẩn đoán, điều trị kịp thời, sự chênh lệch này sẽ ngày càng nhiều, gây nên tâm lý mất tự tin khi trẻ ở độ tuổi trưởng thành.

Mẹ cần theo dõi sát các mốc phát triển của trẻ để can thiệp kịp thời

shutterstock

Các bậc phụ huynh có thể dựa vào những biểu hiện sau đây để nhận biết con em mình bị chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng như: lùn, chậm tăng trưởng chiều cao, trẻ có cân nặng bình thường nên có dáng vẻ mập mạp, vẻ mặt “non” hơn so với tuổi, có thể có một số dấu hiệu đi kèm như sứt môi, chẻ vòm,…

Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu, chiều cao không đạt được các cột mốc theo độ tuổi hoặc chiều cao tăng trưởng chậm (nhỏ hơn 5 cm/năm đối với trẻ từ 3 tuổi đến lúc dậy thì) thì cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị càng sớm càng tốt. Có như vậy, trẻ mới có thể đạt được chiều cao bình thường khi trưởng thành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.