Nghệ thuật không phải để duy trì sự sống
Bộ phim
Dead Poets Society (tên tiếng Việt là
Hội cổ thi nhân) kể về một
giáo viên dạy tiếng Anh đã truyền cảm hứng cho học sinh thông qua việc dạy thơ ca. Thầy giáo này có câu nói rất đáng suy nghĩ về vai trò của nghệ thuật: “
Medicine, law, business, engineering, these are noble pursuits, and necessary to sustain life. But poetry, beauty, romance, love, these are what we stay alive for” (tạm dịch:
Y khoa, luật, thương mại, khoa học kỹ thuật, chúng đều là những nhu cầu cao cả và cần thiết để duy trì sự sống. Nhưng thơ ca, cái đẹp, sự lãng mạn, tình yêu, đó mới là những thứ khiến ta sống vì nó).
Lần đầu xuất hiện trên màn ảnh vào năm 1989, câu nói này đã trở thành một trong những lời thoại kinh điển nhất của điện ảnh. Hướng con người đến những giá trị nghệ thuật mà đôi khi ta đã vô tình bỏ quên trong đời mình.
Triết lý trong bộ phim này không mới, nếu ta so sánh với thời điểm hiện đại như ngày nay, nhưng không phải ai cũng hiểu và thấm nhuần tư tưởng ấy.
Thí sinh thi năng khiếu vào trường sư phạm
Mọi người dễ bắt gặp hình ảnh những cô cậu học sinh đạt điểm cao ngất ngưởng trong các kỳ thi hay đơn thuần chỉ là bài kiểm tra một tiết trong lớp, nhưng lại không thể nói được tên của một bản nhạc dương cầm của thế kỷ, không biết rõ bức họa danh tiếng Mona Lisa do ai thực hiện và hoàn thành vào năm nào. Phải chăng chúng ta đã quá quan tâm đến những kiến thức phổ thông phức tạp như toán, lý, hóa, mà lại vô tình quên đi các môn nghệ thuật cũng có những đóng góp to lớn trong việc hình thành một nhân cách, một con người?
Khi học nghệ thuật chỉ để đủ điểm cho qua
Các trường học ngày nay thường có thái độ xem nhẹ các môn nghệ thuật như âm nhạc hay mỹ thuật.
Văn học vốn dĩ cũng là một môn nghệ thuật dễ đi vào lòng người. Đọc một bài thơ hay đem lại cho ta một cảm xúc bồi hồi, hoài niệm khó tả. Nhưng vì đâu mà học sinh thời nay lại không mấy hứng thú với văn học? Có thể là ảnh hưởng từ cách dạy khô khan của một số giáo viên, có thể là những liên hệ không thực tế đến từ mạng xã hội, hoặc cũng có thể là sự áp đặt cảm nghĩ của tác giả lên người học, khiến cho chúng ta cảm thấy rằng văn học chỉ có một khuôn mẫu nhất định, không thể kích thích sự say mê và sáng tạo cho người học.
Âm nhạc và hội họa được dạy cho trẻ em xuyên suốt từ tiểu học đến THCS. Nhưng không phải học sinh nào cũng có thể đọc chính xác vị trí các nốt nhạc đơn giản, không phải học sinh nào cũng có thể cảm thụ cái đẹp của các bức hội họa. Hai môn học này từ lâu đã được xếp vào danh sách những
môn phụ, là không cần thiết, là chỉ cần học qua loa đủ điểm, hay thậm chí là vô bổ vì “Làm sao làm ra nhiều tiền nếu giỏi ba cái môn này mà dở toán, lý, Anh...?”.
Suốt những năm tháng THCS, tôi đã chứng kiến các bạn tôi lấy các môn chính ra học trong giờ nhạc, giờ vẽ và mặc kệ lời giáo viên nói. Chúng ta sau này có thể trở thành những người thành công, tài giỏi ở nhiều lĩnh vực khoa học,
công nghệ, nhưng những giá trị tinh thần của âm nhạc, hội họa, thơ văn mới là bất biến theo thời gian. Ta chưa từng nghĩ rằng hóa ra những môn “phụ” đó lại quan trọng đến vậy. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, với những xu hướng âm nhạc mới mẻ đến từ Hàn Quốc, mấy ai còn nhớ đến những bản tình ca của những năm 60-70!
Giáo dục học sinh thấu hiểu và tôn trọng nghệ thuật là một bài học mà bất cứ ai cũng nên học, đó là nền tảng để hình thành một con người. Và không bao giờ quá trễ để học cách cảm nhận nghệ thuật của nhân loại.
Bình luận (0)