Lời khuyên cho phụ huynh khi chuẩn bị tâm lý với thí sinh, phụ huynh không nên nói câu “con ơi đừng căng thẳng hay lo lắng” vì khi đó sẽ vô tình tạo sự lo lắng. Thay vào đó nên nói chuyện phím để con quên đi áp lực. Quan trọng hơn là chỉ nên khuyến khích trẻ làm tốt nhất có thể, không nên áp đặt mốc điểm cụ thể để tạo tâm lý thoải mái, không đặt gánh nặng quá lớn lên vai con.
Một học sinh đặt câu hỏi: Em học môn toán, văn chỉ ở mức trung bình thôi. Vậy em học ngành nghề nào phù hợp và nhu cầu xã hội?
TS Hồ Viễn Phương: Em nên chọn ngành theo sở thích và năng lực của mình. Hiện có nhiều nhóm ngành tuyển sinh có tổ hợp điểm và môn văn hoặc toán. Ví dụ, hiện nay nhu cầu về nhóm ngành kỹ thuật như thực phẩm, công nghệ hóa học, công nghệ môi trường đang cần nhiều nhân lực; hoặc các nhóm ngành về ngôn ngữ.
Cùng tâm trạng, một thí sinh khác thắc mắc: Học lực của em chỉ ở mức trung bình, nếu em muốn được học ở những trường ĐH công lập, em nên chọn ngành nào để khả năng trúng tuyển là cao nhất? (Thanh Phong, Q12, TP.HCM).
Theo TS Hồ Viễn Phương: Nếu học lực trung bình mà để trúng tuyển vào trường ĐH công lập thì em chỉ có thể chọn các ngành ít người học, có điểm xét tuyển không cao thì mới có khả năng đậu.
Còn đối với các trường ngoài công lập thì qua các năm, hầu như các trường chỉ xét tuyển bằng hoặc cao hơn chút so với điểm sàn. Vì vậy, em vẫn có nhiều khả năng đậu ở nhiều ngành, nhiều trường khác nhau.
Trong tình huống không trúng tuyển vào trường mong ước, nếu trường hợp này xảy ra thì phụ huynh và thí sinh nên làm gì? Tiến sĩ Hiếu chia sẻ: Chỉ khoảng 1/3 thí sinh có thể trúng tuyển ĐH, CĐ từ kỳ thi THPT quốc gia, cho nên kỳ thi này sẽ có rất nhiều thí sinh không thể trúng tuyển. Từng có thí sinh thi rớt ĐH muốn tự tử nói với tôi rằng cảm thấy cuộc đời tồi tệ, vô dụng, tương lai mù mịt và tự oán trách lỗi của mình. Thực tế đây chỉ là sự vấp ngã trong cuộc đời giống như dùng cây bút chì viết vào tờ giấy bị gãy ngòi. Sẽ giống như cây bút chì, bị gãy ngòi 1 lần thì vẫn có thể sử dụng lại nếu chuốt lại. Không một bức tranh tuyệt tác nào có thể được vẽ nên từ ngòi bút chì đầu tiên cả, mà phải sau nhiều lần gọt dũa. Thí sinh cũng vậy, bị rớt nguyện vọng 1 thì vẫn còn nhiều cơ hội khác như xét tuyển bổ sung, học CĐ hoặc TC. Thậm chí có những người lập nghiệp bằng học nghề nhưng rất thành công. Không nhất thiết phải vào trường ĐH mà có những con đường khác phù hợp hơn.
Với phụ huynh thì cần phải làm một điểm tựa tinh thần của con. Sau đó nên cùng con tính tiếp con đường tiếp theo để đứa trẻ thấy đường để đi, đàm phán tìm lối đi mới cho con.
TS Hồ Viễn Phương tâm sự: Hồi đó, tôi đăng ký thi đến 3 trường ĐH. Theo kinh nghiệm của mẹ tôi khi chăm sóc tôi thi ĐH thì đó là lúc tôi tập trung học, ăn uống ít hơn mỗi ngày. Thế nên mẹ thường hay làm những món tôi thích ăn để tôi ăn uống được nhiều hơn. Bình thường tôi rất hay chơi đá banh, nhưng giai đoạn ôn thì tôi không chơi đá banh nữa, lúc đó, mẹ cũng khuyến khích tôi nên rủ bạn bè đi chơi đá banh một chút để thư giãn tinh thần. Sự chăm sóc đó của mẹ đã giúp tôi khỏe khoắn, thoải mái tinh thần để thi tốt.
** Với sự trao đổi của chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu và thầy Hồ Viễn Phương, các thí sinh sẽ có một tâm lý vững vàng, một niềm tin chắc chắn bước vào kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Chúng tôi chúc các thí sinh được kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia, chọn được một trường ĐH ưng ý phù hợp với năng lực và điều kiện của bản thân.
Chương trình sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 25.5 tới với chủ đề Đa dạng cơ hội với các phương án tuyển sinh riêng tại địa chỉ thanhnien.vn và Fange Facebook Báo Thanh Niên. Xin cảm ơn các chuyên gia đã tham gia tư vấn trong chương trình. Cảm ơn các bạn theo dõi chương trình qua website Thanh Niên và Fanpage. Facebook của Báo Thanh Niên. Hẹn gặp lại trong chương trình ngày 25.5.
Bình luận (0)