Làm tuyến đường tránh TX.Cai Lậy xong, dân bị bít lối đi

28/09/2017 13:32 GMT+7

Mới đưa vào sử dụng chưa lâu, tuyến đường tránh TX.Cai Lậy (Tiền Giang) không chỉ gây bức xúc dư luận vì trạm thu phí đặt sai chỗ, giá vé cao mà còn ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Cầu biến thành cống, bít đường dân sinh
[VIDEO] Làm xong đường trên tuyến tránh Cai Lậy, dân bị bít lối đi
Theo hồ sơ dự án được duyệt, tuyến đường tránh TX.Cai Lậy dài 12 km sẽ xây mới 7 cây cầu bắc qua các con kinh như Ông Mười, Ba Muồng, Ông Thiệm, Chín Chương, Giồng Tre và 2 con sông Ba Rài, Bình Phú. Nhưng khi thi công thì chỉ còn 5 cầu, 2 cầu Ông Thiệm và Chín Chương biến thành cống.
Khi làm cống thì dân bị bít lối đi, không sử dụng ghe, xuồng được. Trong khi đó, cầu có độ tĩnh không quá thấp, mỗi khi nước lớn ghe tàu không qua được, phải đậu lại chờ nước ròng. Đặc biệt, ngoài cầu Ba Rài có đường chui qua dưới dạ cầu, các cầu khác đường dân sinh đều bị bít hoặc quá thấp. Thay vào đó, nhà thầu làm bậc thang cho người đi bộ leo lên cầu; đồng thời mở các ngã tư ngay dưới dốc cầu, hết sức nguy hiểm.
Chỉ tay về hướng cầu Ông Mười, ông Đỗ Văn Bạch (ấp Quý Trinh, xã Nhị Quý, TX.Cai Lậy) bức xúc: “Con kinh này chạy từ sông Cửu Long vô, hai bên bờ kinh có con đường. Nhưng khi mấy ổng làm cầu xong thì bít đường rồi mở hướng đi vòng dưới chân cầu. Sáng sớm công nhân, học trò băng qua đường bị té hoài.
Tương tự, cầu Bình Phú (H.Cai Lậy) rất dài nhưng tĩnh không quá thấp khiến ghe tàu thường xuyên bị mắc kẹt. Trước đây, phía dưới dạ cầu là con đường dân sinh cặp theo bờ sông. Khi làm cầu xong, nhà thầu bít luôn đường dân sinh rồi làm bậc thang dẫn lên chân cầu. Hằng ngày người dân và học sinh phải trèo qua dải ta luy bảo vệ cầu để băng qua đường, rất nguy hiểm.
Nhà đầu tư: Do Bộ GTVT và địa phương!
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Nhị Quý, cho biết: “Khi triển khai dự án, Sở GTVT tỉnh phối hợp UBND TX.Cai Lậy khảo sát và quyết định. Sau khi có bản vẽ thiết kế, UBND thị xã có kiến nghị nâng tĩnh không cầu để làm đường chui qua cầu, nhưng nghe nói nếu làm vậy thì tốn thêm nhiều tỉ đồng nên không được”.
Giải thích về những bất cập nói trên, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư QL1 Tiền Giang (chủ đầu tư tuyến tránh TX.Cai Lậy), nói: “Khi chúng tôi tiếp nhận dự án thì hồ sơ Bộ GTVT đã phê duyệt rồi. Do vậy, cầu cao hay thấp là do tư vấn thiết kế, nhà đầu tư chỉ thực hiện đúng theo bản vẽ. Với 2 cây cầu chuyển thành cống, ông Hiệp cho rằng “do gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng nên chuyển thành cống và cũng từ đề xuất của địa phương”. Về việc các đường dân sinh bị bít, ông Hiệp nói “phần thiết kế là do Bộ GTVT, còn tại sao như thế thì khi thiết kế người ta đã tính toán hết rồi”.
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, thừa nhận: “Ngay sau khi triển khai dự án đã thấy nhược điểm nên UBND tỉnh có văn bản đề xuất Bộ GTVT nâng tĩnh không cầu Bình Phú lên. Nhưng muốn nâng tĩnh không thì địa phương phải hỗ trợ mỗi cây cầu 20 tỉ đồng. Ngoài ra, khi đưa vào sử dụng đã thấy rõ những đường cắt ngang dưới chân cầu rất nguy hiểm cho học sinh. Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT làm đường chui qua 3 cây cầu Ông Mười, Ba Muồng và Bình Phú, bằng vốn của đơn vị BOT”.
Nhưng các cầu hiện quá thấp thì sẽ làm đường chui như thế nào? Ông Bon cho biết “sẽ đào âm xuống, xây tường giáp bờ sông và làm dốc khoảng 15 độ. Cách làm này vào thời điểm triều cường sẽ bị ngập nước, nhưng không còn cách nào khác”!

tin liên quan

Sống không nổi với kênh ô nhiễm
Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân sống dọc 7 tuyến kênh ở đây phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm nặng, mùi hôi thối nồng nặc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.