BỎ HOANG SUỐT 18 NĂM
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trạm bơm thủy lợi phía nam hồ chứa Đăk Loh được đặt tại thôn Đăk Stiu (xã Ngọc Wang). Tuyến kênh mương dài 3,8 km dẫn từ trạm bơm đến khu vực canh tác của người dân đã bị bỏ hoang nhiều năm, không có nước. Nhiều đoạn mương đã bị bồi lấp, đường vào trạm bơm bị cây cỏ phủ kín. Trạm bơm là căn nhà 2 tầng, trong đó tầng 1 lắp đặt 2 máy bơm công suất lớn nhưng đã hoen gỉ. Tầng 2 để trống và có dấu hiệu xuống cấp, hư hại.
Bà Dương Thị Hiên (66 tuổi, ở thôn Đăk Stiu) cho biết trạm bơm thủy lợi và tuyến kênh mương này đã dừng hoạt động từ năm 2005 đến nay. Ngoài ra, tuyến kênh mương bị bỏ hoang có diện tích rất lớn. Do đó, người dân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương tổ chức thu hồi, bán đấu giá số đất này để tạo điều kiện cho bà con canh tác, xây dựng.
Theo UBND xã Ngọc Wang, trạm bơm được đầu tư xây dựng từ năm 2002, tổng vốn đầu tư hơn 4,5 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách. Theo dự án, khi hoàn thành, trạm bơm sẽ phục vụ tưới tiêu cho 115 ha lúa nước của người dân trên địa bàn. Công trình được UBND H.Đăk Hà giao Ban Quản lý (BQL) các công trình xây dựng cơ bản H.Đăk Hà (nay là BQL dự án đầu tư xây dựng H.Đăk Hà) làm chủ đầu tư.
Đến năm 2003, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, sau khi trạm thủy lợi đi vào sử dụng được vài năm, người dân nhận thấy trồng lúa đem lại năng suất không cao nên đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây công nghiệp như: cà phê, bời lời… Năm 2005, do người dân không còn nhu cầu sử dụng nên trạm bơm đã ngưng hoạt động cho đến nay.
NHÀ TANG LỄ "ĐẮP CHIẾU"
Năm 2014, UBND tỉnh Kon Tum giao Công ty CP môi trường đô thị TP.Kon Tum làm chủ đầu tư xây dựng Nhà tang lễ tỉnh Kon Tum (P.Ngô Mây, TP.Kon Tum) với số vốn ngân sách hơn 12 tỉ đồng. Năm 2015, công trình được nghiệm thu, đưa vào hoạt động. Tuy nhiên 8 năm qua, nhà tang lễ này vẫn chưa hề được sử dụng.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Kon Tum, trước khi xây dựng nhà tang lễ, TP.Kon Tum là đô thị loại 3. Theo quy định, đô thị loại 3 phải có nhà tang lễ đảm bảo các điều kiện để phát triển đô thị. Theo Nghị quyết 1210/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, đô thị loại 2 phải có 2 nhà tang lễ, đô thị loại 3 phải có 1 nhà tang lễ. Nhà tang lễ là một trong những chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng để xác định quy mô đô thị.
CHỜ DÂN CÓ NHU CẦU?
Theo ông Ngô Tấn Khoa, Chủ tịch UBND xã Ngọc Wang, do tuyến kênh nói trên nhiều năm không sử dụng và xuống cấp gây lãng phí nên cử tri đã có ý kiến đề nghị chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh có phương án khắc phục. "Trong những đợt tiếp xúc cử tri, bà con có mong muốn các cấp chính quyền san lấp một số khu vực trên tuyến kênh để bán đấu giá. Từ đó, người dân có thể mua lại để xây nhà hoặc làm nương rẫy nhằm phát triển kinh tế", ông Khoa nói.
Năm 2009, UBND H.Đăk Hà bàn giao công trình trạm bơm thủy lợi phía nam hồ chứa Đăk Loh cho BQL khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum quản lý vận hành và khai thác, sử dụng. Đại diện UBND H.Đăk Hà cho biết tuyến kênh mương thuộc tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi do nhà nước quản lý. Do đó, việc người dân mong muốn các cấp chính quyền thu hồi, bán đấu giá thì UBND huyện cho rằng không phù hợp vì sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ tuyến công trình. Đồng thời, để san lấp kênh phải thực hiện thủ tục thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi và bỏ hoàn toàn tuyến kênh.
Ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc BQL khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum, cho biết do người dân không có nhu cầu sử dụng nên trạm bơm phải dừng hoạt động. Trả lời câu hỏi liệu có phương án đưa các máy bơm về bảo quản hoặc sử dụng vào mục đích khác, ông Tứ cho hay việc tháo lắp, vận chuyển máy móc tốn rất nhiều chi phí. Hiện đơn vị vẫn còn nhiều máy bơm dự phòng nên chưa có nhu cầu đưa về sử dụng cho các công trình khác.
"Mình cứ để đó, mỗi khi có nhu cầu thì đem ra bảo dưỡng khỏi mất công đưa lên đưa xuống. Trong trường hợp các công trình khác có nhu cầu thì đơn vị sẽ xin ý kiến Sở NN-PTNT, UBND tỉnh. Nếu được đồng ý thì mới tháo máy móc về chứ mình không thể tự ý tháo máy móc ra được", ông Tứ nói.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tứ, trong trường hợp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cần nước tưới thì tuyến kênh sẽ được khôi phục để dẫn nước phục vụ sản xuất.
DỰ ÁN TÁI ĐỊNH CƯ BỊ LÃNG QUÊN
Ngoài bỏ hoang trạm bơm thủy lợi phía nam hồ chứa Đăk Loh, tại Kon Tum còn có một dự án tái định cư (TĐC) tiền tỉ cũng bị lãng quên tương tự. Đó là khu TĐC Măng Rao ở xã Đăk Pék, H.Đăk Glei.
Năm 2009, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, hàng trăm căn nhà của người dân trên địa bàn H.Đăk Glei bị lũ cuốn trôi, đánh sập. Để đảm bảo tính mạng, tài sản, ổn định đời sống và sản xuất của người dân, UBND H.Đăk Glei đã xây dựng dự án bố trí, sắp xếp dân cư theo phê duyệt của UBND tỉnh Kon Tum với tổng mức đầu tư 145 tỉ đồng. Trong khuôn khổ dự án này, có khu TĐC Măng Rao với tổng diện tích 2,4 ha được bố trí cho 64 hộ dân. Năm 2012, khu TĐC hoàn thành với tổng mức đầu tư hơn 16,8 tỉ đồng.
Ban đầu, người dân đều đồng thuận di dời đến khu TĐC. Thế nhưng từ khi dự án được bàn giao đưa vào sử dụng, chỉ có 10 hộ dân đến ở. Sau một thời gian, toàn bộ những hộ dân này liền quay về nơi ở cũ.
Theo các hộ dân, do khu TĐC thiếu nước sinh hoạt, thiếu điện. Không những vậy, nương rẫy của người dân đều ở làng cũ, cách khu TĐC gần 10 km. Vì vậy, người dân đều trở về nơi ở cũ để thuận tiện chăm sóc nương rẫy, nơi đây lại đủ điện, nước phục vụ sinh hoạt.
Sau hàng chục năm bị lãng quên, khu TĐC Măng Rao đã xuống cấp. Hầu hết nhà không còn cửa và mái che. Nhiều căn nhà bị gió thổi bay mái tôn, những ô cửa sổ vỡ nát. Bồn chứa nước bị đập phá móp méo, hư hỏng, ống dẫn nước hoen gỉ. Cây cối bao vây khiến khu TĐC trở nên hoang vắng.
Bình luận (0)