Đây là nơi quy tụ hơn 500 thương hiệu với 6.000 sản phẩm Việt cực kỳ phong phú, một không gian mua sắm trực tuyến đa dạng gồm những tác phẩm thủ công, đặc sản địa phương, sản phẩm tiêu dùng được sản xuất với số lượng giới hạn.
Với lời kêu gọi "Lên Chus sắm hàng Việt chất", nền tảng này là nơi khách hàng dễ dàng tìm được những sản phẩm phong phú, chất lượng, đóng gói chỉn chu và đẹp mắt của The Hồ Tiêu (Phú Quốc), sản phẩm chăm sóc da và tóc từ vườn rừng của Rị Mọ (Đồng Tháp), kẹo dừa nhiều hương vị của Chái Bếp (Bến Tre), kẹp tóc thêu tay tỉ mỉ của fragile.house (Quảng Nam), trang sức sơn mài của Đại Nghĩa - Huế (Thừa Thiên-Huế), tương ớt theo công thức cổ truyền của SPICO (Thanh Hóa)...
Đặc biệt, với những sản phẩm thủ công, người dùng còn có thể trao đổi trực tiếp với nghệ nhân, nghệ sĩ để có những chi tiết cá nhân hoá theo phong cách riêng.
Được "thai nghén" trong giai đoạn giãn cách xã hội cực kỳ đặc biệt và đáng nhớ vào cuối năm 2020, sứ mệnh của Chus là cổ vũ, truyền cảm hứng và tạo điều kiện để người tiêu dùng mua sắm chất, nghĩa là mua sắm thể hiện được phong cách cá nhân - chất tôi, ủng hộ và tôn vinh vẻ đẹp và văn hoá Việt - chất Việt, chọn lọc những sản phẩm tốt - chất lượng.
Nói về lý do Chus ra đời, ông Injoon Song - người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Chus cho biết: "Trong suốt 4 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, tôi có cơ hội được đi đến hầu hết các tỉnh thành từ bắc chí nam và chưa bao giờ thôi bất ngờ về những sản vật địa phương và những tác phẩm tỉ mỉ, độc đáo của những người thợ thủ công. Sẽ thật đáng tiếc nếu chúng bị mai một hoặc bị giới hạn trong một phạm vi nhỏ bé nào đó. Tôi tin rằng đó là những viên ngọc quý, xứng đáng được người Việt và cả những người nước ngoài yêu Việt Nam như tôi biết đến, sử dụng và tự hào".
Để thực hiện sứ mệnh này, Chus đã đầu tư nguồn lực vào ba hoạt động chính gồm: Tìm kiếm những sản phẩm Việt độc đáo của ba miền, gồm cả những nơi xa xôi hẻo lánh nhất; Hỗ trợ thợ thủ công, nghệ nhân, nhà sản xuất (quy mô nhỏ) trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đóng gói và quảng bá một cách bài bản, chuyên nghiệp; Đưa những tác phẩm, sản phẩm này lên nền tảng Chus để tiếp cận rộng rãi đến khách hàng cả trong và ngoài nước.
Chị An Nguyễn, đồng sáng lập The 90s DIY - một trong những thương hiệu thủ công đã gặt hái được một số thành công bước đầu trên nền tảng Chus chia sẻ: Thời gian đầu, The 90s DIY gặp nhiều khó khăn vì giá nguyên liệu đầu vào của sản phẩm thủ công khá cao, khiến giá sản phẩm cũng không thể thấp được. Nhân công thì phải là các bạn nghệ sĩ, có khả năng đọc hiểu thiết kế và có hoa tay. Do đó, việc tiếp cận thị trường vốn đã ngách lại càng khó hơn.
"Thật may, Chus đã giúp kết nối những thương hiệu thủ công chất lượng cao với khách hàng tiềm năng - những người thực sự hiểu được giá trị của các sản phẩm thủ công. Vừa là người bán, vừa là khách hàng của Chus. Chus không chỉ là một trang thương mại mà còn là một cộng đồng của những người yêu sản phẩm thủ công" - chị An Nguyễn nói.
Trong lĩnh vực phát triển bền vững nông sản địa phương, chị Lora Lê - nhà sáng lập thương hiệu The Hồ Tiêu chia sẻ: "Chúng tôi và Chus có cùng giá trị và mục tiêu chung là phát triển sản phẩm địa phương một cách bền vững. Bên cạnh những giá trị vô hình và ý nghĩa về mặt tinh thần đó, nền tảng này đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển rõ rệt của thương hiệu The Hồ Tiêu từ khi mới ra đời cho đến hôm nay. Từ chỗ chỉ có 3 - 4 sản phẩm đơn giản, nay chúng tôi đã cho ra mắt một danh mục sản phẩm phong phú với 19 sản phẩm; từ chỗ chỉ bán số lượng ít cho khách hàng ở khu vực phía Nam, chúng tôi đã mở rộng ra toàn quốc, thậm chí còn có một lượng lớn khách nước ngoài. Nhờ đó, doanh số tăng trưởng khá nhanh chóng, khoảng 50% mỗi năm".
Bình luận (0)