Lần đầu tiên dùng tuyến tụy nhân tạo cho bệnh nhân tiểu đường loại 2

Ngọc Quý
Ngọc Quý
03/11/2021 00:09 GMT+7

Tuyến tụy nhân tạo lần đầu tiên được thử nghiệm trên bệnh nhân tiểu đường loại 2. Các nhà nghiên cứu kỳ vọng nó có thể giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn cho bệnh nhân, nhờ đó mà ngăn ngừa được nhiều biến chứng nguy hiểm.

Thử nghiệm do các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge (Anh) và Bệnh viện Đại học Bern (Thụy Sĩ) thực hiện. Trên thực tế, tuyến tụy nhân tạo là một thiết bị có khả năng đo đường huyết và tự động bơm insulin vào máu bệnh nhân khi cần thiết, theo Newsbreak.

Ở người bị tiểu đường loại 2, tuyến tụy không thể tiết đủ insulin, khiến đường huyết tăng cao

shuttesrstock

Thiết bị nhỏ có thể nằm gọn trong lòng bàn tay, thường được mang theo lưng quần. Thiết bị sẽ kết nối với cơ thể bằng một ống dẫn. Insulin được bơm vào cơ thể cũng qua ống dẫn này.

Tuyến tụy nhân tạo đã sử dụng cho người bị tiểu đường loại 1 từ năm 2016. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên thử nghiệm tuyến tụy nhân tạo trên bệnh nhân tiểu đường loại 2 và suy thận - biến chứng thường gặp do tiểu đường gây ra.

Thử nghiệm đã cho kết quả tích cực, giúp cải thiện đường huyết ở bệnh nhân. Kết quả được công bố trên chuyên san Nature Medicine.

Có tất cả 26 tình nguyên viên tham gia thử nghiệm. Họ đều bị tiểu đường loại 2 và suy thận, phải chạy thận nhân tạo. Các tình nguyện viên được chia ngẫu nhiên làm 2 nhóm, 13 người/nhóm. Nhóm đầu tiên được điều trị bằng tuyến tụy nhân tạo. Nhóm thứ 2 dùng insulin.

Họ được theo dõi trong 20 ngày. Nhóm nghiên cứu phát hiện ở những người dùng tuyến tụy nhân tạo, đường huyết họ đạt mức cho phép trong khoảng 53% thời gian theo dõi. Trong khi đó, tỷ lệ này ở người dùng insulin chỉ là 38%. Hơn nữa, tuyến tụy nhân tạo cũng giúp người bệnh thoát khỏi tình trạng đường huyết xuống thấp đến mức nguy hiểm.

“Bệnh nhân tiểu đường loại 2 và suy thận là nhóm đặc biệt dễ tổn thương. Việc kiểm soát bệnh bằng cách ngăn đường huyết lên quá cao hoặc xuống quá thấp đến mức nguy hiểm là một thách thức”, tiến sĩ Charlotte Boughton, trưởng nhóm nghiên cứu, giải thích.

Đường huyết quá thấp sẽ dẫn đến các triệu chứng như mắt mờ, run, căng thẳng, nhịp tim nhanh. Ngược lại, đường huyết tăng sẽ gây nhức đầu, mệt mỏi, nhiễm trùng da, bàng quang và một số triệu chứng khác.

Đường huyết cao thời gian dài sẽ dẫn đến hàng loạt biến chứng. Trong đó, suy thận là một trong những biến chứng phổ biến nhất.

Dù cần phải nghiên cứu thêm nhưng các nhà khoa học cho biết thử nghiệm tuyến tụy nhân tạo trên bệnh nhân tiểu đường loại 2 là đầy hứa hẹn, theo Newsbreak.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.