Lan tỏa niềm vui - Truyện ngắn dự thi của Trần Quốc Cưỡng

19/10/2024 10:00 GMT+7

Tôi thật sự ngạc nhiên về gã. Gã chỉ là một người bình thường không có cơ may làm quan chức, không tham vọng bất cứ điều gì ngoài việc "nâng niu" hai chữ "tha hóa", vậy mà tư duy sâu xa gớm thật!

1. Gã là kẻ ăn không ngồi rồi. Gã thực hiện đúng như câu lục bát véo von: "Nhỏ thì nhờ mẹ nhờ cha/Lớn lên nhờ vợ, già thì nhờ con". Thời gian rảnh rỗi trà dư tửu hậu gã dành cho bình luận không đầu không cuối những vấn đề mà mọi người quan tâm. Thú thật có lần gã giải thích ngôn ngữ, hành vi con người khiến tôi cũng phải ngồi nghe. Gã cười xành xạch với tôi: "Ông là nhà báo, ông có hiểu hết ý nghĩa của tha hóa quyền lực là gì không?". Không đợi tôi trả lời, gã tự đắc, vuốt ve: "Nhận diện này siêu đẳng quá ông ơi! Người nào phát hiện tha hóa quyền lực thật đáng được tặng giải thưởng lớn về lý luận và thực tiễn!". Tôi tưởng tượng như gã nâng hai chữ "tha hóa" thành một vật thể quý trên tay và cứ mỗi lần nhớ đến gã là tôi nhớ đến hai chữ "tha hóa". Hôm nào đến quán cà phê không thấy gã là tôi cười khìn khịt: "Tha hóa đâu sao hôm nay không thấy?", mọi người cười ồ lên.

Một hôm, chỉ có tôi và gã ngồi uống cà phê, gã chia sẻ tiếp cái vụ chưa giải thích tận cùng về thành ngữ "tha hóa quyền lực": "Ông nghĩ coi, nếu người cán bộ chỉ thực hiện đúng quyền hạn mà mình được cấp trên hoặc cơ quan giao thì khó bề tha hóa. Những kẻ xu nịnh chính là mầm mống tạo nên sự tha hóa của cán bộ có chức có quyền!". Tôi vặn vẹo: "Nghĩa là cán bộ không thích xun xoe thì không bị tha hóa quyền lực hay sao?". Gã cười tủm tỉm: "Đúng quá rồi còn gì! Ai chẳng biết kẻ chuyên tâng bốc, xu nịnh là kẻ xấu nhưng kẻ xu nịnh ấy còn có đất sống là vì còn có những người thích xu nịnh, đúng không? Ông cũng biết có những kẻ quan lộ hanh thông từ sống lâu lên lão làng nhưng những kẻ xu nịnh lại bỏ nhỏ: "Anh Hai, chị Ba… có tầm nhìn thế kỷ… Tụi em nghe anh, chị chỉ đạo làm cho đầu óc sáng ra…", hoặc: "Giá như có được nhiều người tài năng, tâm huyết như anh, chị… thì đất nước này hưng thịnh từ lâu…"… Mỗi ngày những kẻ xu nịnh "bón" cho anh Hai, chị Ba… một chút đường mật khiến cho họ ảo tưởng họ là những thiên tài. Họ được đàn em cung phụng như ông hoàng, bà hoàng, tạo cho họ có thứ quyền lực mềm để thao túng mọi thứ…".

Tôi thật sự ngạc nhiên về gã. Gã chỉ là một người bình thường không có cơ may làm quan chức, không tham vọng bất cứ điều gì ngoài việc "nâng niu" hai chữ "tha hóa", vậy mà tư duy sâu xa gớm thật!

Lan tỏa niềm vui - Truyện ngắn dự thi của Trần Quốc Cưỡng- Ảnh 1.

ẢNH: ĐỘC LẬP

2. Còn có một gã nữa mà mỗi sáng đi uống cà phê tôi thường bắt gặp tếu táo chuyện trò, đó là Nam Tùng Phèo. Tôi không nhớ gã mang cái hỗn danh Nam Tùng Phèo từ khi nào. Tôi đặc biệt ấn tượng gã cái vụ đi tập thể dục xách cái máy cassette theo. Nghĩa là canh khuya người ta còn đang ngủ thì gã đi tới đâu hát tới đó. Hát đủ thể loại: pop, rock, jazz, nhạc đồng quê rồi chuyển qua dân ca quan họ, dân ca bài chòi khu V, ca vọng cổ, bản nhỏ cải lương… Giọng ca của gã nhào nhão, nhừa nhựa nửa như oán trách, nửa như sầu đời nghe thiu thỉu buồn. Mấy người dậy sớm nấu nướng chuẩn bị bán quán nghe riết rồi quen tai. Những người còn mê đắm giấc ngủ khuya đáng giá ngàn vàng thì choàng dậy rủa thầm: "Cái thằng ôn dịch phá xóm, phá làng sao không chết quách đi cho rồi?!". Cũng có vài người mắng vốn đến tai gã nhưng gã phớt lờ như cờ sút cán.

"Chương trình dân ca các miền" chỉ có một người cứ phát thanh đều đều ngày này qua ngày khác. Gã học chưa hết lớp 6 nhưng trên túi áo gã lúc nào cũng giắt hai cây bút bi. Có những hôm gã bỏ áo trong quần nai nịt lịch sự có thừa. Tôi hỏi gã: "Can cớ chi đóng thùng, giắt bút mà không đăng ký làm cán bộ để giúp đời?". Gã cười sòng sọc: "Ông nhà báo tưởng tui ham chốn quan trường? Tui chỉ thích làm người tầm thường!". Ôi! Bữa đó tôi bụm miệng mà cười chứ không thì sợ gã giận.

Nam Tùng Phèo rất ưa "nói chữ". Gã thấy một nam thanh niên đi vào quán cà phê tay dắt theo con chó liền phán: "Cứu vật vật trả ơn/Cứu nhơn nhơn sanh oán". Tôi chẳng thấy con chó trả ơn cho chàng thanh niên kia chuyện gì và cũng không thấy, không biết ai đã lấy oán trả ơn cho gã. Năm Nhâm Dần, tôi ngồi lật trang báo có in hình con hổ, gã đọc liền: "Họa hổ họa bì nan họa cốt/Tri nhơn tri diện bất tri tâm" rồi gã tự giải nghĩa: "Kẻ sĩ là những người luôn coi trọng nhân cách, đề cao khí tiết (!). Chao ôi! Vẽ cọp dễ vẽ ngoài da, khó vẽ xương cốt. Biết người biết mặt chẳng biết lòng thì ảnh hưởng gì đến nhân cách, khí tiết của kẻ sĩ?...". Gã cứ lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia loạn xạ lên.

3. Một hôm, Thiều Quang Trợ (kẻ ăn không ngồi rồi như tôi đã kể trên) đối thoại với Nam Tùng Phèo ở quán cà phê Phong Vân. Trợ thấy Nam Tùng Phèo ăn mặc chỉn chu, đeo kính râm, giắt bút bi thì cà rỡn: "Thằng Nam dạo này tỉa tót, yêu đời như trai mới lớn!". Nam Tùng Phèo khoái bao tử cười mơn trớn: "Tui làm sao phong lưu như ông được! Sông có khúc người có lúc". Trợ bồi thêm: "Ngày xưa nếu chú mày học đến nơi đến chốn thì có khi giờ này làm luật sư rồi cũng nên!". Nam Tùng Phèo nở ruột nở gan: "Chỉ cần đủ kiến thức nói chuyện với mấy huynh là được rồi!". Ngay khi ấy chị bán vé số bước vào cười cầu tài. Nam Tùng Phèo mua liền 6 vé tặng tôi và Trợ. Còn lại hai vé gã cất kỹ trong ngăn ví. Tôi lại nghĩ biết đâu "con chim đang bay ỉa trúng chóp nón" thì sao? (tôi hay chọc người bạn vong niên thường mua vé số kiến thiết như vậy). Những câu nói đểu của Trợ kích hoạt được sự thơm thảo của Nam Tùng Phèo dẫn đến chúng tôi trúng số kiến thiết! Ối dào! Chắc là chúng tôi sẽ ôm nhau mà cười suốt năm.

Sau năm 1975, tôi từng gặp một người đàn ông vóc dáng cao ráo, gương mặt hiện lên vẻ trí thức, trầm tư. Lúc nào anh ta cũng áo quần tươm tất, ôm chiếc cặp táp giống như một thầy giáo khả kính đang hồi đến trường. Tôi không biết anh ấy là ai, ở đâu. Cho đến sau này tôi mới hiểu anh ấy là sinh viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội gác bút lên đường vào Nam chiến đấu bị sức ép của bom gây loạn trí. Không hiểu sao mỗi lần thấy Nam Tùng Phèo tôi lại nhớ đến anh ấy. Một người đàn ông thật hiền! Giữa họ có sự khác biệt về tuổi tác nhưng có điểm chung về sự ham hiểu biết và cống hiến. Nam khao khát có được tri thức để nói chuyện với chúng tôi, để nhận biết cái hay, cái đẹp của cuộc đời này lan tỏa đến mọi người dẫu gã ít học và không có khả năng tư duy, diễn đạt cho đúng. Còn người đàn ông kia khao khát được đem học vấn của mình để truyền dạy cho học sinh nhưng không thể.

4. Tôi đi tập huấn nghiệp vụ gần một tháng về đến nhà là sáng hôm sau có mặt tại quán cà phê Phong Vân. Tôi thấy nhớ Trợ "tha hóa" và Nam Tùng Phèo. Hai người như một phần niềm vui của tôi. Vừa bước vào quán, Trợ "tha hóa" ào ra rối rít: "Hôm nay có đề tài cho nhà báo rồi nè!". Tôi phì cười: "Cậu thì lúc nào chẳng có đề tài với đề tiếc. Có chuyện gì nói nghe coi?". Gã cười hềnh hệch: "Thiệt mà! Nhà báo cứ theo tui thì rõ ngay thôi!". Tôi bất giác nhìn về phía ngôi nhà gỗ lục giác, không tin nổi trước mắt mình hiện lên 2 cái giá gỗ hình vòng cung chứa đầy sách. Nam Tùng Phèo với cô chạy bàn đang đứng trao đổi gì đó với khách. Trợ "tha hóa" vung tay lên trời cười khà khà: "Nhà báo vắng mặt ở đây một thời gian ngắn đã thấy đổi thay ngoạn mục chưa?". Tôi lặng người đi vì xúc động. Tôi không thể nào ngờ Trợ "tha hóa" lại tặng hết tủ sách của mình cho quán cà phê Phong Vân phục vụ bạn đọc và còn thuyết phục chủ quán đóng mấy cái giá sách trông rất bài bản, thẩm mỹ. Từ bình luận tha hóa đến tạo ra văn hóa, Thiều Quang Trợ đã làm tôi thay đổi cách nghĩ, cách nhìn về gã.

Mấy ngày sau, Nam Tùng Phèo đến ngồi bên tôi cười hoan hỉ: "Anh Trợ đã chỉ cách đọc sách cho tui và còn giảng giải nhiều câu chữ hay lắm anh nhà báo à! Tui nghe người ta nói hễ thường giao du, kết thân với những người giỏi thì thế nào mình cũng khá lên, đúng không anh?". Tôi thấy thương Nam Tùng Phèo quá đỗi!

Lan tỏa niềm vui - Truyện ngắn dự thi của Trần Quốc Cưỡng- Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.