Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên

Vũ Thơ
Vũ Thơ
25/12/2023 13:16 GMT+7

Ban tổ chức Hành trình thanh niên khởi nghiệp năm 2023 cho biết, chương trình giúp lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, khơi dậy nhu cầu khởi nghiệp chính đáng của thanh niên; hỗ trợ tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư...

Ngày 25.12, tại Hà Nội, T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức tổng kết Hành trình thanh niên khởi nghiệp năm 2023 và chung kết toàn quốc cuộc thi "Tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp T.Ư" năm 2023.

Dự chương trình có anh Nguyễn Kim Quy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam; anh Nguyễn Xuân Hiếu, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên T.Ư Đoàn, Ủy viên thường trực Đoàn chủ tịch Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

Ban tổ chức cho biết, nhằm đồng hành cùng thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp và nâng cao nhận thức, khát vọng khởi nghiệp, phát triển năng lực khởi nghiệp của hội viên, thanh niên, T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức Hành trình thanh niên khởi nghiệp năm 2023.

Hành trình đã đi qua 3 tỉnh, thành đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam: tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ngãi và TP.HCM, với các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực số trong các hoạt động khởi nghiệp cho hội viên, thanh niên; hội thảo giao lưu giữa thanh niên với các chuyên gia và doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương; hội chợ triển lãm trưng bày, giới thiệu và giao thương các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên địa phương.

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên- Ảnh 1.

Ban tổ chức trao giải cho 3 thí sinh đoạt giải cao nhất của cuộc thi

XUÂN TÙNG

Phát biểu tại chương trình, anh Nguyễn Xuân Hiếu cho biết, cuộc thi tìm kiếm dự án, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên là một chương trình trong Hành trình thanh niên khởi nghiệp năm 2023, được diễn ra từ đầu tháng 10 năm nay.

Trải qua 3 cuộc thi tại 3 khu vực, ban tổ chức đã lựa chọn 10 ý tưởng, dự án xuất sắc nhất tham dự vòng chung kết cuộc thi. Các dự án lọt vào vòng chung kết đến từ rất nhiều nhóm lĩnh vực, từ nông nghiệp, sản xuất, thực phẩm cho đến công nghiệp, tự động hóa và cả những dự án startup phần mềm ứng dụng, AI. Tất cả đều thể hiện tinh thần, khát vọng khởi nghiệp, lập nghiệp của các bạn thanh niên.

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên- Ảnh 2.

Anh Nguyễn Xuân Hiếu phát biểu tại chương trình

ĐĂNG HẢI

"Tôi hy vọng rằng, chương trình sẽ giúp lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, khơi dậy nhu cầu khởi nghiệp của các bạn thanh niên và giúp kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ thanh niên tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư cho các dự án. Qua đó, tiếp sức giúp các dự án tiếp tục phát triển và tăng trưởng trong tương lai", anh Hiếu nói.

Hỗ trợ dự án giải nhất 10.000 USD

Tại chương trình, các chủ dự án đã thuyết trình về ý tưởng khởi nghiệp và trả lời câu hỏi của ban giám khảo. Kết quả, giải nhất đã được trao cho dự án Nhà máy sản xuất, chế biến rượu 9 chum xuất khẩu và sản xuất sản phẩm từ bã rượu (tác giả Trần Văn Xuân, tỉnh Tuyên Quang).

Giải nhì thuộc về dự án Đậu phộng tỏi ớt Huenuts - phong vị cố đô, khai vị quốc dân (tác giả Lê Minh Hiếu, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Giải ba thuộc về dự án Sản xuất các sản phẩm từ cá bống sông Trà (tác giả Thượng Thị Bình Uyên, tỉnh Quảng Ngãi).

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên- Ảnh 3.

Hai bạn trẻ nhận giải nhì và giải ba cuộc thi

XUÂN TÙNG

Theo ban tổ chức, hành trình và chung kết cuộc thi nhận được sự quan tâm, tham gia và hỗ trợ của các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm như ThinkZone, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam.

Các nhà tài trợ cũng có nhiều phần quà giá trị như: gói tư vấn hoàn thiện về ý tưởng, tối ưu quy trình vận hành, sản xuất dịch vụ, phương án marketing, đào tạo miễn phí về AI, Bigdata, hỗ trợ miễn phí CRM bán hàng, tặng tài khoản hồ dữ liệu SMCC, kết nối quỹ đầu tư... trị giá 100 triệu đồng cho 10 dự án tham dự vòng chung kết; gói truyền thông trị giá 50 triệu đồng mỗi dự án đạt giải nhất, nhì, ba.

Ngoài tiền mặt dành cho 3 dự án đoạt giải, Quỹ đầu tư mạo hiểm ThinkZone tài trợ cho dự án đoạt giải nhất tham dự khóa tập huấn "Scale-up Simulation", trị giá 10.000 USD, được thiết kế bởi các nhà sáng lập từ Silicon Valley (Mỹ).

10 dự án xuất sắc gồm:

1. Nhà máy sản xuất, chế biến rượu 9 chum, xuất khẩu và sản xuất sản phẩm từ bã rượu (tác giả Trần Văn Xuân, tỉnh Tuyên Quang).

2. Mô hình tự động hóa xưởng gương kính Décor (tác giả Phạm Văn Lừng, tỉnh Ninh Bình).

3. Nền tảng phần mềm quản lý trang trại FarmGo (tác giả Vũ Đức Tuấn, tỉnh Quảng Ninh).

4. NaviAI - Trợ lý ảo AI hỗ trợ sáng tạo nội dung và biểu diễn thuyết trình (nhóm tác giả ở TP.Hà Nội).

5. Trồng và chế biến các sản phẩm từ giống ớt cay nhất thế giới theo hướng hữu cơ (tác giả Lê Tiến Dũng, tỉnh Lâm Đồng).

6. Đậu phộng tỏi ớt Huenuts - phong vị cố đô, khai vị quốc dân (tác giả Lê Minh Hiếu, tỉnh Thừa Thiên - Huế)

7. Sản xuất các sản phẩm từ cá bống sông Trà (tác giả Thượng Thị Bình Uyên, tỉnh Quảng Ngãi).

8. Sữa dinh dưỡng Nutlife - sữa bí hữu cơ (tác giả Phạm Chí Tín, TP.Cần Thơ).

9. S2M - da từ vỏ xoài (nhóm tác giả ở Trà Vinh).

10. The Greenmart Vietnam - phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường từ nguyên liệu bản địa (tác giả Nguyễn Hoàng An Khương, TP.HCM).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.