Ông chồng triệu view
Từ nhỏ, anh Chi đã luôn thấy ba đứng trong bếp. Năm 15 tuổi, anh được người cô hướng dẫn nấu các món đơn giản. Ba anh từng làm việc trong nhà hàng nên chỉ anh thêm cách nấu các món ăn cầu kỳ hơn. Lên đại học, anh hẹn hò với chị Lê Phương Thanh (cùng 32 tuổi). Sau lần đầu tiên qua nhà chị Thanh chơi, được chị vào bếp trổ tài món gà rô ti nhưng bị cháy đen, anh đã không bao giờ để chị vào bếp nấu ăn lần nào nữa.
Những đoạn clip nấu ăn cho vợ mang đi làm, chăm vợ lúc mang bầu và sau sinh của anh Lâm Trần Thừa Chi (32 tuổi, ở TP.HCM) nhận được hàng trăm ngàn lượt xem và like của chị em. |
Anh kể: “Ngày cưới, mẹ vợ nói là vợ tôi không nấu ăn được, tôi cười nói nhà con nhiều “đầu bếp” lắm, vì khi đó sống chung ông bà nội nên nhà tôi còn có cô và ba luôn giành nấu ăn, cả tôi nữa nên không đến lượt vợ phải đứng bếp”. Chính vì vậy, về làm dâu, chị Thanh lúc nào cũng được ba chồng chuẩn bị cơm hộp mang đi làm, dù lúc đó ông đã hơn 80 tuổi. Chị xúc động: “Trên trang cá nhân, tôi có riêng một album về các món ba chồng nấu, đồng nghiệp khi biết ba chồng nấu như vậy thì đều bất ngờ. Giờ ba mất, tôi lại được chồng nấu cơm để mang đi làm”.
Đầu năm 2022, trong một lần nấu cơm cho vợ, anh quay lại clip đăng lên mạng xã hội với tựa đề “nuôi cọp”; sau đó làm series về các món ăn trong phim Thần ăn của Châu Tinh Trì thì bất ngờ thành “ông chồng triệu view”.
“Thấy anh nấu nhiều món ngon, bắt mắt, một số bạn bè đùa rằng tôi lấy chồng sướng quá, cho xách va li qua nhà ở để ăn ké được không. Thời tôi bầu bé đầu, chồng chăm ba chồng trong viện nên tôi ở nhà ngoại, chỉ lên có 14 kg, tới bé thứ hai chồng chăm thì lên tới 20 kg. Cứ tôi thèm gì là anh nấu món đó hoặc anh tự tìm món mới để nấu cho vợ con ăn”, chị Thanh nói.
Chị Thanh cho biết “khó lòng” giảm cân vì có chồng nấu ăn quá ngon |
NVCC |
Đi chợ 2 tiếng để tìm nguyên liệu
Vợ chồng anh Chi đều làm văn phòng, nhưng mỗi ngày sau giờ làm, anh đều vào bếp chuẩn bị cơm canh cho vợ con. Với anh, việc đứng bếp là cách để anh thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng.
Anh thường đọc trong các sách y học Việt Nam, tìm hiểu thêm trên các kênh ẩm thực nổi tiếng trong nước hoặc Trung Quốc, Hồng Kông (anh là người gốc Hoa) để có kiến thức về nguyên liệu, gia vị, sau đó chia sẻ trong các clip của mình cùng công thức nấu các món ấy. Ngoài học nấu ăn từ cô và ba, anh Chi còn học từ những chị bán hàng ở các chợ truyền thống gần nhà. Thứ 7 hằng tuần, anh dành khoảng 2 tiếng để đi chợ tìm nguyên liệu. Theo anh, nguyên liệu phải tươi, đúng chợ thì mới ngon. Ví dụ như đồ khô, nấm thì mua ở chợ Phùng Hưng, không có đủ thì anh đến chợ Hòa Bình, chợ Xã Tây.
“Mình đi các chợ chỉ cần mua nguyên liệu nói làm món này, món kia là các cô bán hàng bày cho mình nấu liền. Tôi có biết tiếng Anh, tiếng Hoa nên có thể học hỏi từ nhiều kênh khác nhau”, anh Chi cho hay.
Với đam mê nấu ăn, anh thường mời người thân, bạn bè tới nhà thưởng thức những món ăn mới, trong lúc mọi người ăn thì anh giới thiệu về món ăn đó, công dụng. Anh làm kênh nấu ăn cũng vì đam mê đứng bếp, chăm sóc vợ con, chia sẻ kiến thức về ẩm thực. “Đàn ông hay phụ nữ cũng đều đi làm, ai nấu ăn cũng vậy. Tôi mê nấu ăn nên thích đứng trong bếp, nhìn vợ con ăn ngon miệng là tôi thấy vui rồi”, anh nói.
Nhận xét về người chồng mê nấu ăn, chu đáo, chị Thanh chia sẻ đến giờ con trai chị cũng có 5 bộ đồ chơi nấu ăn, mỗi lần ba nấu lại đứng xem. Lúc mang thai bé thứ hai, chị hay chọn những món rau củ tốt cho sức khỏe bà bầu và anh chồng tự nghĩ cách chế biến các món ngon, phù hợp cho vợ.
Sau sinh, mỗi tuần 1 - 2 lần, cũng chính anh nấu những món lợi sữa để vợ được bồi bổ thêm.
Bình luận (0)