Từng gặp nhiều sự phản đối khi sử dụng mạng xã hội kể chuyện trong chùa nhưng nay mỗi clip của sư thầy Thích Khải Tuấn (Thiền viện Trúc Lâm Phú Yên, H.Tuy An, Phú Yên) thu hút hàng trăm ngàn tới vài triệu lượt xem.
Tất cả vì cộng đồng
"Mấy cái topping này hơn 90% là ở chùa tự làm nha nên rất sạch và ấn tượng, chắc mai mốt khóa tu nào mình cũng trộn bánh tráng để ai về cũng được ăn", "Mùa này các thầy lên rừng hái được quá trời măng, đem về để mấy cô tách vỏ ăn dần. Khải Tuấn vào chùa học nấu ăn cũng từ mấy cô đó"… Giọng kể chuyện ấm áp của sư thầy Thích Khải Tuấn tạo ấn tượng cùng những thước phim trong khung cảnh thiền viện yên bình, dưới núi khi người tu hành lui cui trong bếp. Có lẽ vậy mà kênh "Ẩm thực Phật giáo" đã được nhiều người biết đến.
Theo thầy Khải Tuấn, thuyết pháp không chỉ là ngồi trên bục giảng, mà còn có thể qua hình ảnh, câu chuyện bình dị để người trẻ dễ tiếp cận. "Trong đời sống xã hội, chúng ta có thể gặp phải các áp lực học tập, gia đình, kinh tế xã hội, tiền bạc nên nhiều người muốn trở về nơi nào đó để yên ổn, để được chữa lành. Hy vọng câu chuyện của ông thầy trong clip, câu chuyện bình dị trong chùa sẽ đưa họ trở về phút giây bình yên", sư thầy chia sẻ.
Theo thầy Khải Tuấn, kênh mạng xã hội dù thu hút đông đảo người theo dõi nhưng không chạy quảng cáo, tất cả mọi thứ sư thầy đưa lên kênh đều là vì cộng đồng. Do đó, khi làm một clip, sư thầy 9X này chỉ làm trong niềm vui, kể chuyện hoan hỷ lan tỏa những điều tích cực. "Có nhiều bạn xem clip đã tìm đến thiền viện. Có những bạn đang phải đối mặt với các "vết thương" sâu, trầm cảm, đau khổ cũng tìm về để sống trong môi trường trong lành, xanh, sạch không điện thoại, không tiền bạc, biết yêu thương", sư thầy cho hay.
Clip "chữa lành" tâm trạng
Trong các clip được đăng tải, người xem luôn thấy hình ảnh tươi cười và nghe giọng nói ấm áp của sư thầy nhưng ít ai biết sư thầy Khải Tuấn cũng từng phải vượt qua trầm cảm. Đó là giai đoạn thầy gặp nhiều biến cố lớn, thấm được nỗi đau của người bị rớt xuống đáy vực cảm xúc. "Tôi đã học hỏi những thầy đi trước, các thầy có sự ảnh hưởng lớn đến mình, từ đó ứng dụng vào để chuyển hóa nội tâm của chính mình. Giờ đây, mỗi clip tôi đăng lên mạng đều có một thông điệp, nhưng có điểm chung là muốn chúng ta trở về với sự trong sáng, thanh sạch, có sao nói vậy, thật thà, không một chút âu phiền, nụ cười không che giấu", thầy bộc bạch.
Kể về "tài" nấu ăn, thầy Khải Tuấn cho hay vì tu tập ở thiền viện từ nhỏ, thầy được các thầy lớn hơn sắp xếp luân phiên nấu ăn, thêu thùa, trông em, may vá… nên việc gì cũng có thể làm, có thể nấu món ăn ở nhiều vùng miền khác nhau. Nhìn lại hành trình gần 3 năm làm kênh mạng xã hội, chủ kênh "Ẩm thực Phật giáo" nhìn nhận "các bạn trẻ đã phần nào chấp nhận một ông thầy trên mạng xã hội", những bình luận tiêu cực đã không còn xuất hiện, thay vào đó, nhiều người tìm về thiền viện trong các khóa tu tập.
Theo dõi kênh của thầy Khải Tuấn trong 1 năm qua, chị Nguyễn Thị Hồng (pháp danh Diệu Tâm, 40 tuổi, ngụ Hà Nội) cho biết chị cảm nhận được sự mộc mạc, chân thành nhưng đầy ý nghĩa và hướng tới cộng đồng. "Đó không chỉ đơn thuần là sự hướng dẫn gia vị này bao nhiêu gram, mà là câu chuyện hài hước phù hợp với người trong mỗi hoàn cảnh. Hơn hết, đó là năng lượng sư thầy truyền tải đến người xem. Vừa qua, tôi có vào Phú Yên và ở thiền viện 5 ngày. Tôi cảm thấy không chỉ có thầy Khải Tuấn, mà quý thầy ở đây đều là chỗ dựa cho Phật tử, cư sĩ. Ai cũng dùng năng lượng tích cực, sự hiểu biết để lan tỏa những điều tốt đẹp đến cộng đồng", chị Hồng bày tỏ.
Thầy Khải Tuấn cũng chia sẻ: "Khi có nhiều bạn yêu mến trên mạng với tình cảm sẵn có, các buổi offline thuyết pháp thì điều tôi truyền tải dễ dàng được các bạn đón nhận. Từ đó, những thông điệp về cuộc sống, sự lạc quan cũng được lan tỏa".
Bình luận (0)