Như Thanh Niên đã thông tin, Cơ quan CSĐT Công an TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam: Nguyễn Văn Trãi (34 tuổi), Trần Thanh Lạc (28 tuổi), Nguyễn Thị Chi Lăng (26 tuổi), Bùi Văn Chương (32 tuổi, tất cả đều ở TP.Tam Kỳ) và Đoàn Công Thành (29 tuổi, ở TP.Đồng Hới, Quảng Bình) để điều tra hành vi “xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”.
Xem lại công tác quản lý
Trong số 5 bị can, Chương có thời gian công tác tại một ngân hàng nên biết được tài khoản CIC (Credit Information Center - tạm dịch: Trung tâm thông tin tín dụng) và mật khẩu đăng nhập tài khoản của ngân hàng này. Biết Lăng (nhân viên của một công ty tài chính tại Quảng Nam) có nhu cầu tra cứu lịch sử giao dịch vay vốn, thông tin khách hàng để hỗ trợ việc vay vốn tại công ty tài chính, Chương tự ý cung cấp tài khoản và mật khẩu CIC của ngân hàng để Lăng tra cứu. Không những vậy, Lăng còn chia sẻ tài khoản CIC và mật khẩu cho các bị can khác cùng sử dụng.
“Các bên liên quan đã phát hiện tình trạng lộ, lọt tài khoản CIC và lực lượng công an kịp thời vào cuộc điều tra, chứ nếu để tồn tại thêm một thời gian, hậu quả của việc này càng nghiêm trọng. Lâu nay, đã xảy ra tình trạng nhiều người nhận được cuộc gọi mời vay tài chính, bảo hiểm, sử dụng dịch vụ du lịch… Người nhận cuộc gọi rất bất ngờ vì đầu dây bên kia tỏ ra nắm rõ thông tin cá nhân của người nhận cuộc gọi… Nhiều người rất hoang mang không biết vì đâu bỗng dưng có người biết rõ mình như thế”, bạn đọc (BĐ) Trần Thanh Vũ chia sẻ.
BĐ Trầm Xuyên cũng kể lại câu chuyện của chính mình: “Tôi cũng bị không những 1 lần mà rất nhiều lần nhận được cuộc gọi từ các số điện thoại khác nhau. Họ hỏi đúng tên rồi lịch sử tín dụng và nói là người bên ngân hàng... và rằng tôi có thể vay được 80 triệu đồng. Tôi cũng tưởng thật và hỏi làm hồ sơ như thế nào. Họ nói rằng, “rất đơn giản” và yêu cầu cho địa chỉ để nhận hồ sơ từ bưu điện, đóng trước tiền bảo hiểm là 2,8 triệu đồng khi đi nhận hồ sơ từ bưu điện…”.
Cần rà soát
Tương tự, BĐ Hoàng Ngọc Tú cũng phản ánh: “Lỗ hổng này quá nguy hiểm. Đến lúc những kẻ này bị bắt thì đã có biết bao người bị chúng lừa rồi”.
Từ những điều được các BĐ khác chia sẻ, BĐ Nguyễn Vân Phong đề nghị các ngân hàng tăng cường thêm công tác quản lý, giám sát, không để lộ, lọt thông tin cá nhân của khách hàng. Qua vụ việc nói trên, đề nghị các ngân hàng rà soát lại các khâu, các bộ phận liên quan đến công việc nắm giữ thông tin cá nhân của khách hàng.
Lực lượng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao đã lập được công, khui ra “ổ tội phạm” trộm cắp thông tin cá nhân. Không rõ chúng làm thiệt hại cho hơn ngàn người này đến đâu? Cần xử nghiêm răn đe những kẻ đang nhăm nhe lấy thông tin cá nhân để lừa đảo lấy làm bài học.
Dao Tuan
Một ngày nọ, tự nhiên có số điện thoại lạ gọi cho tôi đọc toàn bộ thông tin trên căn cước công dân, rồi đến số tài khoản ngân hàng... Ai là người chịu trách nhiệm?
Lê Ba
Vấn đề lộ, lọt thông tin cá nhân cần được các cơ quan bảo vệ pháp luật
quan tâm xử lý hơn nữa trong thời gian tới. Đặc biệt, cần có những chuyên án đấu tranh với loại tội phạm mua bán thông tin cá nhân để nhằm vào những mục đích xấu.
Nguyễn Thanh Nam
Các bộ, ngành cũng cần có kế hoạch phối hợp với nhau để đưa ra ánh sáng nhằm trả lời cho dư luận rõ: Vì sao thông tin cá nhân của người dân, khách hàng bị lộ, lọt? Nếu nguyên nhân đến từ ý thức chưa chú trọng đến vấn đề bảo mật thông tin cá nhân của người dân, cần đưa ra khuyến cáo để họ chú trọng hơn đến việc này, vì đó là cách hữu hiệu để bảo vệ bản thân mỗi người dân. Nếu là những nguyên nhân khác, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị nắm giữ thông tin cá nhân của người dân cũng cần được làm rõ. Cần phải hành động nhanh chóng, bởi đã phát sinh nhiều hệ quả do thông tin cá nhân của người dân, khách hàng bị lộ, lọt.
Bình luận (0)