Học sinh mạnh dạn "hiến kế" cho nhà trường
Thời gian qua, nhiều trường THPT tại TP.Đà Nẵng thực hiện thông tư của Bộ GD-ĐT về việc hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập, tổ chức nhiều buổi đối thoại nhằm trao đổi thông tin hai chiều từ nhà trường với học sinh.
Từ đó, nhà trường giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của học sinh, có thêm những thông tin để điều chỉnh công tác quản lý, điều hành nhằm đảm bảo các quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với người học.
Mới đây, Trường THPT Nguyễn Văn Thoại (Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) lần đầu tiên tổ chức buổi đối thoại với học sinh. Thầy, cô có dịp lắng nghe suy nghĩ, băn khoăn, phản ánh của học sinh về những vấn đề còn tồn tại để có biện pháp khắc phục phù hợp.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Thoại (Q.Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) có buổi đối thoại với lãnh đạo trường và thầy, cô giáo |
N.H |
Tại buổi đối thoại, học sinh các khối lớp đã không ngần ngại đặt nhiều câu hỏi và mạnh dạn "hiến kế” để ngăn chặn tệ nạn, tình trạng vi phạm nội quy, thói hư tật xấu… trong học đường.
Chẳng hạn, Nguyễn Hữu Thịnh, học sinh lớp 11/3, đề xuất nhà trường đầu tư máy đo nồng độ nicotine để phát hiện học sinh sử dụng thuốc lá trong trường, từ đó có những biện pháp ngăn chặn, răn đe và xử lý nghiêm.
Bên cạnh đó, nhiều học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Thoại đề nghị sửa chữa cơ sở vật chất bị hư hỏng, kiến nghị lập thêm các câu lạc bộ thể thao, văn nghệ… tạo điều kiện cho học sinh giao lưu, học hỏi, trau dồi kỹ năng mềm.
Nhiều học sinh mạnh dạn "hiến kế" để đẩy lùi tệ nạn trong môi trường học đường |
N.H |
Tại Trường THPT Võ Chí Công, buổi đối thoại giữa ban giám hiệu với học sinh diễn ra trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn. Nhà trường ghi nhận 47 ý kiến, nguyện vọng của học sinh, trong đó tập trung vào cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục.
Lãnh đạo nhà trường, thầy, cô giáo tiếp thu những ý kiến và thẳng thắn giải đáp các thắc mắc của học sinh nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong thời gian tới |
N.H |
Đặc biệt, học sinh thẳng thắn góp ý, nhận xét trên tinh thần xây dựng về phương pháp giảng dạy của giáo viên bộ môn. Đáp lại, ban giám hiệu và các thầy, cô trưởng bộ môn nêu quan điểm, đưa ra giải đáp và cùng học sinh tháo gỡ những khó khăn.
Ban giám hiệu đồng thời quán triệt xây dựng tập thể đoàn kết, thực hiện nghiêm luật an toàn giao thông, nói không với bạo lực học đường, phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội…
Xóa khoảng cách giữa thầy và trò để tạo môi trường học thân thiện
Sau buổi đối thoại với học sinh, nhiều giáo viên ở TP.Đà Nẵng đã cảm nhận được sự gần gũi giữa thầy và trò. Từ đó, giáo viên càng quan tâm học sinh nhiều hơn, sẵn sàng chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống như những người làm cha, làm mẹ và anh chị trong gia đình.
Học sinh đưa ra nhiều góp ý, nhận xét trên tinh thần xây dựng về phương pháp giảng dạy của giáo viên bộ môn |
N.H |
Cô Nguyễn Kiều Bích, giáo viên dạy môn vật lý Trường THPT Nguyễn Văn Thoại, cho biết đối thoại học đường có vai trò quan trọng, góp phần tạo sự dân chủ, bình đẳng trong môi trường giáo dục.
Theo cô Kiều Bích, khi được đưa ra ý kiến, nguyện vọng thì học sinh sẽ thấy mình được tôn trọng, được thỏa mãn các nguyện vọng chính đáng, hơn nữa còn tạo nên sự tin tưởng, gần gũi giữa giáo viên và học sinh.
“Khi lắng nghe học sinh, nhà trường sẽ tạo ra được môi trường giáo dục lành mạnh. Như vậy, nhà trường sẽ được gia đình lựa chọn, đặt niềm tin và có điều kiện để phát triển vững mạnh”, cô Kiều Bích bày tỏ.
Thầy Đặng Hùng Thương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Thoại, đánh giá buổi đối thoại giúp nhà trường kịp thời nắm bắt tình hình, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất mang tính xây dựng của học sinh để có những giải pháp phù hợp.
Thầy giáo Đặng Hùng Thương (trái), Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Thoại, lắng nghe những góp ý, tâm tư nguyện vọng của học sinh |
N.H |
“Những trao đổi, tâm tư, đóng góp tích cực của học sinh giúp nhà trường đổi mới cách dạy và học. Chỉ khi đối thoại thế này mới là dịp để thầy cô, ban giám hiệu gần gũi học sinh, tạo sự tin tưởng để các em gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình”, thầy Thương nhấn mạnh.
Theo thầy Thương, nhà trường đã lắng nghe và giải đáp ý kiến của các em học sinh đại diện cho 24 tập thể lớp về vấn đề đổi mới phương pháp dạy học, hoạt động trải nghiệm, thực hành, cơ sở vật chất, đảm bảo vệ sinh và phát triển câu lạc bộ thể thao, văn nghệ...
Bình luận (0)