Làng nghề truyền thống vào vụ tết: Ai về bánh nổ Điền Trang

Phạm Anh
Phạm Anh
28/01/2024 06:47 GMT+7

Chỉ có Quảng Ngãi mới có bánh nổ, và chuyện cả làng rộn ràng làm bánh này trong dịp tết thì chỉ có ở thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung, H.Tư Nghĩa (Quảng Ngãi).

Từ mấy trăm năm nay, làng nghề bánh nổ Điền Trang đã "ăn, ngủ" với nghề này, kiếm tiền chi tiêu dịp tết, thậm chí lo cái ăn, cái mặc cho cả năm.

CÔNG PHU "CÂY NHÀ LÁ VƯỜN"

Những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch, người dân thôn Điền Trang bắt đầu chuẩn bị nếp, đường, củ gừng… cho mùa đóng bánh nổ bán trong dịp tết. Năm nay, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế dẫn tới ít đơn đặt hàng, nên những lò bánh nổ ở Điền Trang không ồn ào, vội vã như các năm trước. Nhưng dù sao người dân ở đây vẫn không quên nghề truyền thống, kế mưu sinh của làng mình.

Làng nghề truyền thống vào vụ tết: Ai về bánh nổ Điền Trang- Ảnh 1.

Rang nếp làm bánh nổ

PHẠM ANH

Ông Nguyễn Hữu Phong, có thâm niên làm bánh hàng chục năm ở thôn Điền Trang, cho biết nguyên liệu làm bánh nổ của nhà ông là từ cây nhà lá vườn. Đó là nếp được trồng trên 4 sào ruộng của gia đình mùa trước, lựa những hạt to, mẩy, phơi khô cất trong kho nhà, bây giờ mang ra hong phơi lại lần nữa. Càng phơi khô, hạt nếp càng trắng, khi rang lên nổ bung hết vỏ trấu ra ngoài là đẹp, gọi là bống nếp. Sau đó, bống nếp được sàng sẩy cho sạch trấu và trộn với đường, củ gừng xắt mỏng, và bây giờ còn có thêm hạt mè và quế.

Chỉ riêng công đoạn thắng đường cũng khá công phu. Việc này thường được giao cho phụ nữ, bởi họ kiên nhẫn hơn, cảm nhận khi đường "tới" tốt hơn đàn ông. Đó là khi mùi thơm của đường lan tỏa, nhúng chiếc đũa vào chảo đường thắng đang sôi, kéo lên có sợi tơ đường bám vào mỏng mảnh là được.

Theo những người làm bánh nổ Điền Trang, bánh ở đây không quá ngọt vì sợ mau ngán, nhưng cũng không quá lạt vì sẽ không để được lâu. "Củ gừng xắt nhỏ trộn với đường giúp cho bánh nổ thơm, ngọt và hơi cay, khi ăn vào ấm bụng, nhất là vào ngày tết trời se lạnh", ông Phong giải thích.

Làng nghề truyền thống vào vụ tết: Ai về bánh nổ Điền Trang- Ảnh 2.

Cho nếp vào khuôn đóng bánh nổ

Khuôn đóng bánh nổ cao chừng 40 - 45 cm, trước đây làm bằng gỗ, nay nhiều chỗ thay bằng thép chịu lực. Khi đổ nếp vào khuôn, người làm bánh cầm vồ bằng gỗ to đóng xuống đều đặn từng nhát, có như vậy cây bánh nổ mới đều, không lỏng, cắt lát bánh ra mới đẹp.

Ông Đinh Duy Nam (60 tuổi), đi đóng bánh nổ thuê ở thôn Điền Trang, cho biết đóng bánh nổ phải kiên nhẫn. Bởi cây bánh nổ là một khối vuông, kết dính giữa nếp, đường, gừng… nên tay vồ phải nhịp nhàng, từ 10 - 15 nhát đóng, bánh phải vừa ngon vừa đẹp mới vừa lòng khách hàng. Hằng ngày, ông Nam đóng hàng trăm cây bánh nổ.

Sau khi đóng xong, bánh được cắt thành từng lát nhỏ và sấy trên than hồng trong 24 giờ cho khô giòn, thơm phức, rồi đóng vào bao ni lông.

VỊ NGỌT TRĂM NĂM LÀNG BÁNH NỔ

Không ai nhớ rõ nghề làm bánh nổ ở Điền Trang có từ bao giờ, chỉ biết người thôn này gắn bó với nghề từ vài trăm năm nay. Ngày xưa, người dân đi mót lúa ngoài đồng hoặc phải vào tận Sa Huỳnh (P.Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) mua nếp về đóng bánh để bán. Còn những năm gần đây, người dân Điền Trang đã tự trồng nếp để làm bánh nổ.

Làng nghề truyền thống vào vụ tết: Ai về bánh nổ Điền Trang- Ảnh 3.

Món bánh nổ của thôn Điền Trang

"Lúa mỗi sào bán được chừng 2,5 triệu đồng, nhưng làm nếp để đóng bánh nổ bán tết, thu gấp hàng chục lần", ông Trần Đăng Vinh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung, cho biết. Có mùa tết, các gia đình kiếm 50 - 70 triệu đồng là thường, có hộ kiếm cả vài trăm triệu đồng. Trong dịp tết, bình quân mỗi hộ dân ở Điền Trang làm từ 2 - 3 tấn nếp trở lên, cả thôn bán ra thị trường hàng chục tấn bánh nổ.

Người dân Điền Trang kể lại hồi khoảng năm 1954, cả thôn có 7 lò bánh nổ nổi tiếng như lò bà Hoa, bà Chín, bà Khải… Đến nay lò bà Chín vẫn đỏ lửa, với người làm chính là ông Xa Đồng Dũng, vốn học nghề từ mẹ truyền lại khoảng 40 năm nay.

Ông Trần Đăng Vinh chia sẻ, không riêng gì Điền Trang mà cả Quảng Ngãi ai cũng thân thuộc với món bánh nổ. Khi chưa có các loại bánh công nghiệp, đĩa cúng trên bàn thờ tổ tiên, trang ông táo, trang thờ, đình, miếu… không thể thiếu bánh nổ. Thông thường bánh nổ hình vuông (tượng trưng cho đất) đặt trước, trên đó là bánh in tròn (trời) và bánh thuẫn trên cùng, bánh mè sắp xung quanh. Cúng bánh nổ ở bàn thờ ông bà, tổ tiên ngoài việc để tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân, còn là cầu nguyện mùa màng bội thu, ấm no cho gia đình.

Theo ông Vinh, bánh nổ đang được UBND xã Nghĩa Trung đăng ký là sản phẩm OCOP địa phương. Trong thời gian tới địa phương sẽ phát triển thương hiệu bánh nổ Điền Trang và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập. (Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.