Làng ông sao trước rằm tháng tám

31/08/2012 09:50 GMT+7

Nhắc đến Trung thu, người ta nhớ đến chiếc đèn ông sao, và nói đến đèn ông sao thì phải nói đến nơi đã làm ra chiếc đèn ấy, làng Báo Đáp, xã Hồng Quang, H.Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Gần nửa tháng nữa mới đến Tết Trung Thu, vậy mà khi về Báo Đáp, các hộ trong làng đã xuất gần hết số đèn ông sao đã làm đi các tỉnh thành trong cả nước, phần còn lại là để cho các địa phương ở gần như Hà Nội, Hà Nam. Đi khắp làng Báo Đáp, trong nhà, ngoài sân, ngoài đường, đâu cũng thấy người dán ren hoa, người chẻ nứa làm khung…

Theo một số người cao tuổi ở Báo Đáp, ông Nguyễn Văn Ruyến có thể là người đầu tiên làm đèn ông sao. Ban đầu, vào những năm 1935 - 1940, những chiếc đèn ông sao đầu tiên được làm bằng giấy và bán ở Hà Nội, Nam Định và Hải Phòng. Tuy nhiên, giữ được nghề này và phát triển đến ngày nay là anh em con cháu họ Vũ trong làng.

Làng sao trước rằm tháng tám
Chỉ còn 300 hộ dân Báo Đáp làm đèn ông sao

Năm nào cũng vậy, ăn Tết xong, tháng 2 âm lịch là người làng chuẩn bị làm đèn. Mỗi năm, Báo Đáp tiêu thụ khoảng 400 tấn nứa Thanh Hóa, nứa còn tươi chẻ ra và ngâm khoảng 2 tháng để không bị mọt. Báo Đáp có 700 hộ, ngày trước tất cả đều làm đèn ông sao, nhưng bây giờ chỉ còn hơn 300 hộ, còn lại chuyển nghề khác, hoặc chỉ gia công từng phần cho các hộ có mối hàng lớn, người Báo Đáp dùng vạn làm đơn vị để tính số lượng đèn làm được mỗi năm.

Ông Nguyễn Văn Xếp, 50 tuổi, ở xóm 4 chia sẻ, năm nay là năm khá với người làm đèn, gia đình ông làm gần 2 vạn, một vạn đèn ngang với 4 tấn lúa, nói chung thu nhập từ nghề này hơn gấp 3-4 lần làm nông nghiệp. “Những tháng hè, gia đình còn tạo công việc cho 8-9 học sinh xã bên với mức lương 50.000 đồng/ngày”, ông Xếp nói.

Đến gia đình ông Vũ Văn Kháng, 63 tuổi, cũng ở xóm 4, là gia đình có sản lượng lớn nhất nhì trong làng với khoảng 7-10 vạn đèn xuất xưởng mỗi năm, ông Kháng cho biết, gia đình vừa xuất 5 vạn đèn, đang cố làm tiếp 5 vạn nữa để giao theo đặt hàng của khách. Trước rằm tháng tám, trời mưa là đại họa với người làm đèn vì đại lý không tiêu thụ, nếu trời nắng là thành công. Theo ông Kháng, thu nhập của gia đình ông mỗi năm từ 130-150 triệu, 6 người làm thuê trong 4 tháng cũng có 10 triệu/người.

Chỉ vào những chồng đèn chất cao gần bằng nóc nhà, ông Kháng chia sẻ: đèn ông sao chỉ có 3 loại to, vừa và nhỏ thế kia, tương ứng với giá 5.000 đồng, 4.000 và 3.000 đồng. Đèn ông sao nhà ông đã đi đến khắp mọi miền, tuy vậy, cũng mới chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu. “Có khách hàng miền núi đặt mua chỉ 100 chiếc, tôi vẫn đóng gói. Coi như mình không có công nhưng thấy vui vì những chiếc đèn của mình đã mang niềm vui đến cho trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa”. Kỷ niệm ông Kháng nhớ mãi là hội chợ “Ánh mắt trẻ thơ” do báo Nhi Đồng tổ chức ở Vân Hồ, Hà Nội năm 2004, ông đã được nhà tổ chức mời lên trang trí đèn ông sao cho chương trình.

Theo tính toán của người Báo Đáp, muốn làm một vạn chiếc đèn thì vốn bỏ ra là 20 triệu. Một người làm một ngày có thể được một trăm chiếc hoàn chỉnh, hộ làm nhỏ mỗi vụ làm từ 1 vạn rưỡi đến 2 vạn, hộ làm lớn từ 5 vạn đến 10 vạn. Nghề làm đèn ông sao đã mang lại thu nhập khá ổn định và không quá vất vả cho người dân Báo Đáp dù cũng chẳng mấy ai giàu có, đó cũng là lý do một nửa hộ dân trong làng đã bỏ nghề. Tuy nhiên, khi đồ chơi Trung Quốc ngày càng nhiều trên thị trường, sự tồn tại của những chiếc đèn ông sao của làng nghề này thật đáng trân trọng.

Bài, ảnh: Thùy Vân

>> Người phụ nữ 40 năm làm đèn ông sao
>> Lồng đèn sáng tạo
>> Tự làm lồng đèn và bày mâm cỗ
>> Độc đáo lồng đèn con mèo
>> Kết lồng đèn, nối yêu thương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.