Lãng phí nguồn lực, hệ lụy tham nhũng tiêu cực

01/11/2022 05:58 GMT+7

Không chỉ vấn đề thất thoát tài sản công , lãng phí nguồn lực đất đai như theo báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội, mà theo các đại biểu, lãng phí nguồn nhân lực trong khu vực công đang là vấn đề báo động.

Hôm qua 31.10, Quốc hội (QH) thảo luận về báo cáo giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.

Người tài phải “xếp hàng chờ cơ hội”

Theo đại biểu (ĐB) Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở KH-ĐT Bình Dương: “Có những lãng phí vô hình mà chính sách, pháp luật chưa đề cập và khó đo đếm”. Minh chứng là việc bổ đồng biên chế mà không tính đến quy mô dân số, quy mô kinh tế đã làm cho cán bộ, công chức tại một phường thuộc TP.HCM 3 năm chưa được nghỉ phép, không có ngày nghỉ.

Khu vực trung tâm TP.Đà Lạt được cho là tồn tại những thực tế về đất đai chậm xử lý

Lâm Viên

“Liệu chúng ta đã thực sự đồng cảm với những khó khăn của TP.HCM và các địa phương phát triển hay chưa? Phải chăng 63 chiếc áo đồng phục thể chế đã làm cho các địa phương đặc thù phải xin cơ chế để thay chiếc áo cũ đã bung rách vì quá chật”, ông Nhân nêu.

Ở khía cạnh khác, theo ĐB Nhân, để xử lý cán bộ sai phạm như lời Tổng bí thư nói là “rất đau xót, nhưng không thể không làm”. Tuy nhiên, để có được một cán bộ cấp cao không thể cân đong được số tiền cũng như định lượng công sức mà nhà nước, xã hội bỏ ra để đào tạo. “Cơ chế chính sách đã thực sự ngăn ngừa và bảo vệ cán bộ công chức khỏi cám dỗ vật chất chưa? Thực tế các chính sách chưa đủ mạnh để cán bộ công chức có thể sống bằng lương mà không cần tham nhũng”, ông Nhân nói.

Chung nỗi lo lắng về lãng phí nguồn nhân lực, theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp): “Người có năng lực khi được thu hút vào cơ quan nhà nước đã gặp khó khăn trong phát huy năng lực, sẽ an phận ngồi xếp hàng chờ cơ hội làm việc trái ngành hoặc đến lúc nào đó sẽ chán nản, rời bỏ vị trí”.

Vấn đề quan trọng đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại, tổn thất, lãng phí đó?

ĐB Lê Hữu Trí

Bất cập khác mà ĐB này nêu ra là vấn đề tinh giản biên chế dù đạt chỉ tiêu theo nghị quyết của Đảng, nhưng liệu có thực sự đạt mục tiêu hay chỉ đạt chỉ tiêu về mặt cơ học? Theo bà, việc công chức, viên chức nghỉ việc hơn 2 năm qua có thể liên quan tới vấn đề tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, địa phương, cho thấy sự lãng phí nguồn nhân lực trong khu vực sử dụng ngân sách nhà nước.

“Tinh giản biên chế là đúng, nhưng mới chỉ giản mà chưa tinh, mới tập trung ở những người nghỉ hưu, chuyển công tác, mà chưa tinh giản được bộ phận “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, có vị trí nhưng khó bố trí việc làm”, bà Hoa nói.

ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Viện Nghiên cứu lập pháp) thì cho rằng Việt Nam đang thời kỳ dân số vàng, lực lượng lao động hùng hậu với 51 triệu người, nhưng chất lượng chưa cao. Tỷ lệ lao động mới đạt 67%; có văn bằng chứng chỉ 27%. “Nếu không có chính sách tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh dân số vàng thì đây là lãng phí rất lớn, tác động tiêu cực về nhiều mặt, kéo dài qua nhiều thế hệ”, ông Nghĩa cảnh báo.

Ai chịu trách nhiệm ?

ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho biết nguồn lực về nhà cửa, đất đai đang bị lãng phí rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển mà còn gây nhiều hệ lụy liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lợi ích nhóm.

ĐB Tạo cũng dẫn chứng kết quả giám sát cho thấy có 28.000 ha của 900 dự án, công trình chậm, không đưa đất vào sử dụng, nhiều dự án đất để hoang hóa. Đơn cử tại Lâm Đồng có 2 sân bay và 1 khách sạn thuộc đất quốc phòng, nằm ngay giữa khu vực trung tâm 2 thành phố lớn là Đà Lạt và Bảo Lộc, nhưng đã bị lấn chiếm sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí.

“Sân bay Cam Ly (TP.Đà Lạt) có 53 ha, bị lấn chiếm khoảng 40 ha. Sân bay P.Lộc Phát (TP.Bảo Lộc) có 35 ha thì gần như bị lấn chiếm toàn bộ. Kể cả khách sạn liên doanh ngay trung tâm P.1 (TP.Đà Lạt) với diện tích 7.500 m2 là vị trí đất vàng nhưng các vi phạm, tranh chấp xử lý tài sản gắn với đất quốc phòng chậm được xử lý”, ông Tạo nêu. Đáng nói là các vụ việc trên đã được kiến nghị 5 năm liên tục nhưng chưa được xử lý, gây bức xúc cho cử tri.

ĐB Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) cho rằng thất thoát, lãng phí trong báo cáo giám sát chưa phản ánh đầy đủ bức tranh về thực trạng lãng phí, thất thoát trong xã hội hiện nay. “Vấn đề quan trọng đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại, tổn thất, lãng phí đó?”, ông Trí nhấn mạnh.

ĐB Trí cũng mong muốn QH, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí, trong đó làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tổ chức và phương án khắc phục, xử lý với trên 3.000 dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; trên 79.000 ha đất nông, lâm nghiệp đã quyết định thu hồi nhưng có phương án sử dụng… Ngoài ra, tập trung xử lý các dự án không hiệu quả, chậm tiến độ, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, các dự án BT, BOT đang triển khai dở dang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; các dự án đã hoàn thành nhưng không đưa vào sử dụng, không phát huy hiệu quả.

ĐB Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) quan tâm thời gian tới Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liệu có quyết liệt sửa đổi những hạn chế, bất cập không? Hay sợi dây rút kinh nghiệm vẫn kéo dài, còn hạn chế vẫn được nhắc lại theo các báo cáo hằng năm.

3.085 dự án vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí

Báo cáo giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của đoàn giám sát QH cho biết, theo số liệu chưa đầy đủ, giai đoạn 2016 - 2021 có 3.085 dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí. Cụ thể, báo cáo chỉ rõ: năm 2016 là 590 dự án, năm 2017 là 840 dự án, năm 2018 là 422 dự án, năm 2019 là 125 dự án, năm 2020 là 923 dự án, năm 2021 là 185 dự án. Một số dự án đầu tư công có sai phạm, phải xử lý hình sự.

Trong số 1.086 trường hợp đã đưa ra xét xử gây thất thoát, lãng phí khoảng 31.795 tỉ đồng. Đoàn giám sát của QH cũng “điểm danh” nhiều địa phương có số dự án phát hiện thất thoát, lãng phí nhiều, như Bắc Giang năm 2018 có 196 dự án, năm 2020 có 864 dự án; Thanh Hóa năm 2019 có 52 dự án, năm 2020 có 19 dự án, năm 2021 có 90 dự án...

Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Trước mắt, xử lý 52 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khác không hiệu quả; 21 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 18 dự án đất đai hoang hóa, lãng phí, có khó khăn vướng mắc; và 908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng với diện tích lên tới gần 30.000 ha.

Theo bà Minh, lãng phí không phải bây giờ mới có mà nó xảy ra từ rất lâu, song trách nhiệm thuộc về ai thì đến nay vẫn chưa chỉ rõ. Dẫn ví dụ thực tế là vướng mắc trong việc giao lại đất các trụ sở cơ quan T.Ư trên địa bàn cho địa phương sau khi xây dựng trụ sở mới, bà Minh cho rằng, trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành rà soát lại xem văn bản nào bất cập, chồng chéo để làm thế nào khi trụ sở mới xây dựng thì việc giao lại trụ sở cũ là nghiễm nhiên chứ không phải chờ đến giám sát, kiến nghị giám sát mới giải quyết.

Phát biểu giải trình cuối phiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết có nhiều vướng mắc trong luật Đầu tư công khiến nhiều dự án chậm tiến độ, điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần; vướng mắc trong luật Đất đai hiện hành dẫn tới tình trạng chậm tiến độ thu hồi đất, bởi sau khi có quyết định thu hồi, cơ chế để đền bù, bồi thường cho nhà đầu tư đã đầu tư trên đất như nào vẫn nằm trên giấy, không triển khai được trên thực tế… Ông mong QH thấu hiểu, chia sẻ để Chính phủ hoàn thiện pháp luật một cách nhanh nhất, tạo ra “đường băng” để kinh tế phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.