Chiều 1.6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hành, tiết kiệm chống lãng phí năm 2022. Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) nhấn mạnh tình trạng lãng phí trong việc chậm phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.
Theo ông Khải, dù Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã rất quyết liệt, có hàng trăm văn bản, chỉ thị, thành lập nhiều tổ công tác để đôn đốc thực hiện nhưng việc phân bổ, giải ngân không đạt yêu cầu, gây lãng phí nguồn lực.
Hiện tổng số vốn chưa được phân bổ và giao của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và chương trình phục hồi kinh tế lên đến 444.143 tỉ đồng. Đặc biệt, vẫn còn hơn 1 triệu tỉ đang bị "nhốt" trong ngân hàng. Nếu cộng cả vốn chưa phân bổ và chưa giải ngân thì tổng số tiền theo kế hoạch còn tồn là khoảng 1,5 triệu tỉ.
"Cử tri đặt câu hỏi, khoảng 1 triệu tỉ bị nhốt ở ngân hàng và hơn 440.000 tỉ chưa phân bổ vốn, đang bị nhốt trong các cơ quan nhà nước ở T.Ư và địa phương chưa trình phân bổ thì gây lãng phí là bao nhiêu?", ông Khải nêu.
Đại biểu Trần Văn Khải: “Lãng phí niềm tin của nhân dân nếu sợi dây kinh nghiệm cứ dài vô tận”
"TP.HCM gửi 584 văn bản xin ý kiến thì 63 tỉnh đã gửi bao nhiêu?"
Một lãng phí khác, theo đại biểu Hà Nam là lãng phí trong cải cách hành chính. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã rất quyết liệt, thực hiện nhiệm vụ hơn cả mong đợi, song kết quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa được như mong muốn.
Ông Khải dẫn chứng kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp VCCI cho thấy 20% các địa phương đình trệ trong giải quyết công việc, các sở ngành có xu hướng không làm gì trong năm 2022.
Trong khi đó, chính Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã nói, thông qua các văn bản của các bộ, ngành, các địa phương đã phát sinh ra hàng ngàn thủ tục mới.
Ông Khải cũng dẫn câu chuyện mà Bộ trưởng KH-ĐT nói về việc năm 2022, TP.HCM hỏi Bộ KH-ĐT 584 văn bản và bộ này đã phải trả lời là 604 văn bản. Bình quân 1 ngày, TPHCM hỏi 2 văn bản, Bộ KH-ĐT trả lời 2 văn bản.
"Câu hỏi đặt ra, riêng TP.HCM một năm 2022 đã hỏi Bộ KH-ĐT 584 văn bản, vậy 62 tỉnh, thành phố còn lại đã hỏi Bộ KH-ĐT bao nhiêu văn bản và tổng số văn bản trong năm 2022 mà Bộ KH-ĐT đã phải trả lời cho 63 tỉnh, thành phố là bao nhiêu?", ông Khải đặt vấn đề.
Đại biểu Hà Nam cho rằng, việc xin ý kiến như nói trên tác động rất lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong năm 2022, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 143.000 doanh nghiệp. Bình quân 1 ngày có khoảng 400 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Riêng quý 1 năm 2023, lần đầu tiên trong lịch sử, số doanh nghiệp đóng cửa đã vượt số doanh nghiệp đăng ký mới.
"Phải chăng hàng ngàn thủ tục mới phát sinh đã góp phần không nhỏ đẩy hàng trăm ngàn doanh nghiệp đến cảnh khốn cùng như thế?", ông Khải nhấn mạnh, đồng thời đặt câu hỏi: "Cử tri đặt câu hỏi, cải cách hành chính chưa hiệu quả gây lãng phí thời gian, cơ hội, nguồn lực cho người dân, doanh nghiệp và đất nước là bao nhiêu?"
Đề nghị giám sát việc thực hiện công vụ của công chức, viên chức
Từ đó, đại biểu Khải kiến nghị ngay trong năm 2024 Quốc hội giám sát "việc thực hiện chính sách pháp luật của cán bộ, công chức" trên phạm vi cả nước. Trong đó, tập trung vào nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức và những việc cán bộ, công chức không được làm đã quy định là: trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao, gây bè phái, mất đoàn kết, tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.
Theo ông Khải, cuộc giám sát sẽ cho ra nhiều kết quả. Chẳng hạn, như ở TP.HCM, trong năm 2022, trong số 584 văn bản gửi hỏi Bộ KH-ĐT thì có bao nhiêu văn bản thuộc thẩm quyền của thành phố mà không giải quyết, vẫn hỏi để né việc, đẩy việc nên cấp trên? Hoặc trong tổng số 584 văn bản thì có bao nhiêu văn bản có nội dung hỏi là những quy định của pháp luật chưa rõ, không khả thi, chồng chéo?
Như vậy mới chỉ ra căn nguyên của hiện tượng này, vừa có cơ sở để đánh giá khách quan và xử lý cán bộ vi phạm luật cán bộ, công chức. Đồng thời sửa đổi các vướng mắc.
Ông Khải cũng kiến nghị thật khẩn trương hoàn thiện thể chế theo hướng cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường thực hiện chức năng giám sát, chất vấn, tái chất vấn và yêu cầu giải trình nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo.
Bình luận (0)