Tự động phát
Nhét bông vào tai, đeo găng tay, kính và trùm kín mặt, bà Đỗ Thị Tuyến (57 tuổi) bắt đầu công việc quen thuộc đã duy trì được 40 năm. Tại làng Đa Sỹ (P.Kiến Hưng, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội), bà là người phụ nữ đầu tiên được phong nghệ nhân làng rèn.
Những người phụ nữ ở làng rèn Đa Sỹ luôn phải trang bị nhiều đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn |
Kim Oanh |
"Nếu mà nam giới làm thì đúng là sức khỏe hơn phụ nữ. Phụ nữ nói chung chân yếu tay mềm đi làm văn phòng mới đúng. Thế nhưng yêu nghề, mình vẫn muốn giữ lại nghề, theo được nghề truyền thống của gia đình. Nghề làm rèn có nhiều khó khăn, vất vả, lúc vui lúc buồn. Nghề nó cũng độc hại. Nếu cô rèn máy thì ảnh hưởng đến tai, khí bụi ảnh hưởng đến phổi, các vảy bắn ra thì nó bỏng và gây vết sẹo.
Lò rèn dao nhà bà Tuyến với thợ chính và thợ phụ đều là nữ giới |
kim oanh |
Sống ở làng nghề, hầu như phụ nữ đều làm rèn. Nhưng phụ nữ ở các lò khác thì phụ nam giới làm thôi. Cô làm từ lúc bắt đầu cho đến khi hoàn thành con dao", bà Tuyến chia sẻ.
Bà Tuyến cho biết để làm ra một sản phẩm dao kéo đạt độ tinh xảo, bền bỉ, mọi công đoạn đều phải tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ có tay nghề cao. Nếu nung phôi dao quá lửa thì dao dễ bị mẻ, giòn vỡ. Dùng búa tay hay búa máy cũng phải làm rèn ngay khi phôi dao còn nóng đỏ. Sau đó mới đem đi cắt định hình con dao.
Năm 2006, chồng bà Tuyến chuyển sang nghề khác. Lò rèn của bà trở thành nơi duy nhất trong làng Đa Sỹ cả thợ chính và thợ phụ đều là phụ nữ. Dù trời nắng nóng hay lạnh đến âm 8 độ C, chiếc quạt vẫn quay vù vù để át bụi than phả vào người. Mỗi ngày, gia đình bà Tuyến sản xuất được khoảng 20 - 30 con dao lớn nhỏ, giá bán từ khoảng 30 – 200 ngàn đồng đồng/chiếc. Trừ hết chi phí, bà Tuyến cũng thu được cả triệu một ngày.
Mặc dù vất vả, nặng nhọc nhưng công việc này không làm khó được các chị em phụ nữ ở làng Đa Sỹ |
Kim oanh |
Cứ 4 giờ 30 phút, đèn bật sáng, chị Nguyễn Thị Nhung (41 tuổi) tất bật thổi lửa nung phôi dao. Xong công đoạn đầu tiên, chị trở vào nhà chuẩn bị cho hai con đến trường. 2 con của chị- Tuấn và Nhi có thể tự thức dậy, đánh răng rửa mặt và giúp nhau chuẩn bị cặp sách. Còn với chị Nhung, một ngày làm việc mới chỉ bắt đầu.
"Tôi theo nghề 20 năm rồi, còn chồng tôi theo nghề 42 năm. Phụ nữ chúng tôi làm dao thấy vất vả, công việc nó nặng", chị Nhung cho biết.
Quê của chị Nhung ở huyện Đan Phượng, gia đình có truyền thống làm đồ gỗ. Lấy chồng về Đa Sỹ, chị Nhung lần đầu tiên học làm dao. Đến nay, từ nung phôi, rèn dao đến đóng cán, chị Nhung có thể làm mọi công đoạn thuần thục mà không cần đến sự hỗ trợ của chồng.
Dao làng Đa Sỹ là một trong những thương hiệu khá nổi tiếng về dao chất lượng cao |
kim oanh |
Thi thoảng, lò rèn nhà chị Nhung đón khách nước ngoài đến trải nghiệm làm dao. Khi ra về, chị đều tặng mỗi người một con dao làm kỷ niệm.
Đa Sỹ là một trong những làng nghề rèn nổi tiếng và lâu đời nhất đồng bằng Bắc Bộ. Theo người dân trong làng, nghề rèn hình thành từ cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, do hai cụ Nguyễn Thuần, Nguyễn Thuật người gốc Thanh Hóa truyền dạy.
Bình luận (0)