Khách tận Âu, Mỹ… đến đặt hàng
Nghệ nhân ưu tú Năm Mến (Nguyễn Văn Mến, 71 tuổi), thợ trống có tay nghề cao siêu bậc nhất của làng, kể nghề trống là nghề gia truyền của gia đình ông từ hơn 170 năm trước, do cụ tổ Nguyễn Văn Ty sáng lập, đến nay đã qua 5 đời con cháu.
Thuở xưa ấy, cụ Ty sống kiếp thương hồ, buôn nước mắm khắp sông rạch miền Tây. Có một lần, cụ tổ xuôi ghe trên sông Tiền qua khu vực Rạch Gầm - Xoài Mút (tỉnh Tiền Giang), chợt nghe tiếng trống có thanh âm rất độc đáo phát ra từ một ngôi nhà của vị thợ trống cao niên liền ghé vào xin bái sư học nghề.
|
“Trống lân phải giòn giã mới thúc giục con lân múa nên mình làm mặt trống căng hơn bình thường. Còn trống dùng trong trường học, đình chùa cần vang xa, nên da phải chùng. Da dùng các loại trống này dứt dạt phải là da lưng trâu trên10 năm tuổi mới đạt sự ổn định lâu dài về thanh âm”, ông Năm Mến chia sẻ.
Hơn 10 năm trước, thời hoàng kim của làng trống có đến hơn 30 hộ gia đình, cũng là họ hàng gần với ông Năm Mến, nối tiếp nghề cha ông. Lúc ấy, tiếng trống Bình An đã vang dội ở khắp cả nước và vươn tầm quốc tế. “Nhiều đoàn lân từ Trung Quốc, Malaysia, Singapore, cả ở châu Âu, Canada… tìm đến tận nhà nói rằng họ nghe trống Bình An quá hay tại các buổi biểu diễn ở TP.HCM nên hỏi thăm đường tìm đến làng nghề để đặt hàng mang về nước biểu diễn”, ông Năm Mến tự hào.
Hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm khá chậm, số gia đình làm nghề đã giảm phân nửa, đa số thợ làm trống phải làm “hàng chợ” vốn không đòi hỏi chất lượng cao, nhưng tại xưởng của ông Năm Mến vẫn trung thành với cách làm truyền thống. Hiện gia đình ông làm nhiều loại trống theo đơn đặt hàng, như trống sấm, trống chầu, trống lân, trống tiều, trống bóng, trống cái, trống cơm… Giá bán tùy theo kích cỡ, có chiếc trống giá chỉ khoảng vài triệu đồng, nhưng cũng có cái giá lên đến hàng trăm triệu đồng.
Sau 53 năm gắn bó với nghề, hiện ông Năm Mến chỉ giữ vai trò “cố vấn” cho 2 người con trai đặt theo tên làng trống: Bình và An. Thỉnh thoảng, ông tự nguyện bỏ kinh phí xây cầu giao thông nông thôn cho bà con nơi hẻo lánh.
“Báu vật” của địa phương
Giữa trưa một ngày cuối năm, tiếng thử trống “cắc cắc, tùng tùng” vang dội cả xóm nhỏ Bình An. Gió chướng hây hẩy thổi từng cơn từ sông Vàm Cỏ Tây nhưng ông Tư An (Nguyễn Văn An, 41 tuổi) vẫn cởi trần cầm cây búa tạ to đùng nện những nhát chuẩn xác vào chiếc khung bằng gỗ để căng da một cái trống lân vừa bịt xong.
Độ mười phút sau, ông đổi búa nhỏ, vừa đi xung quanh trống, vừa cẩn thận dùng thanh gỗ tròn ngắn đóng quanh viền trống, vừa gõ vào mặt da kiểm tra âm thanh. Xem chừng đã ưng ý, ông Tư An bèn khiêng chiếc trống mới ra sân phơi nắng.
Dù trông chiếc trống gần như hoàn thiện, nhưng ông bảo phải mất gần 10 công đoạn nữa mới an tâm giao cho khách. “Tính từ lúc chọn mua gỗ, da trâu đến khi hoàn thành một cái trống phải mất khoảng một tuần lễ, trải qua hơn 20 công đoạn lớn nhỏ”, ông Tư An cho biết.
Theo ông, tùy theo trống, khung sẽ có độ mỏng, dày khác nhau. Khung gỗ làm trống phải là gỗ sao do ít bị cong vênh, nứt nẻ; còn da căng phải là da trâu phần lưng, vai. Thân trống được chia làm hai loại, gỗ ghép và gỗ nguyên khối. Tuy nhiên, cây rừng hiện rất khan hiếm, đắt đỏ, nên chủ yếu sử dụng gỗ ghép để làm trống. Hiện tại ở xưởng ông Tư An có trên 10 khung trống bằng gỗ nguyên khối, có cái cao 3 m.
Ông Trương Thanh Liêm, Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ, cho biết làng trống Bình An như một “báu vật” nhỏ của địa phương vì có uy tín về chất lượng, tiếng tăm đã vang khắp cả nước. Trong kế hoạch thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh, H.Tân Trụ xác định trống Bình An sẽ là sản phẩm tiêu biểu của xã Bình Lãng.
Bình luận (0)