Tổng thống Niger Mohamed Bazoum đã bị quân đội giam giữ trong phủ tổng thống ở thủ đô Niamey kể từ ngày 26.7, trong vụ đảo chính mới nhất xảy ra ở khu vực Sahel của châu Phi vài năm trở lại đây. Tướng Abdourahamane Tiani, người đứng đầu lực lượng bảo vệ tổng thống quyền uy ở Niger, đã tuyên bố mình là nhà lãnh đạo mới của đất nước.
Tại hội nghị khẩn cấp ở Nigeria ngày 30.7, Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã yêu cầu chính quyền quân sự ở Niger đưa ông Bazoum trở lại ghế lãnh đạo trong vòng một tuần. Nếu không, ECOWAS sẽ thực hiện "mọi biện pháp" để khôi phục trật tự hiến pháp.
Cuộc đảo chính ở Niger đặt phương Tây vào thế đối đầu Nga
"Các biện pháp như vậy có thể bao gồm việc sử dụng vũ lực để đạt được mục đích", ECOWAS cho biết trong một tuyên bố, theo AFP.
Ông Bola Tinubu, Tổng thống Nigeria đồng thời là Chủ tịch ECOWAS, cho biết: "Không còn thời gian để chúng ta gửi tín hiệu cảnh báo nữa... Đã đến lúc phải hành động".
Tổng thống Bazoum là một trong số ít các nhà lãnh đạo dân cử, thân phương Tây ở Sahel, nơi mà kể từ năm 2020, phong trào nổi dậy của các phần tử thánh chiến đã dẫn đến các vụ đảo chính ở Mali và Burkina Faso, hai nước láng giềng của Niger.
Hiện chưa rõ ECOWAS, gồm 15 thành viên, có thể sử dụng vũ lực như thế nào. Năm ngoái, khối đã đồng ý thành lập một lực lượng an ninh khu vực để chống lại các phần tử thánh chiến và ngăn chặn các vụ đảo chính quân sự. Song những quy định chi tiết về lực lượng này cũng như nguồn tài chính cho lực lượng vẫn chưa được vạch ra.
Khối cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các nhà lãnh đạo chính quyền quân sự ở Niger cũng như nước này, đóng băng "toàn bộ giao dịch thương mại và tài chính" giữa các quốc gia thành viên ECOWAS và Niamey. Niger là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, thường xếp hạng cuối cùng về Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Liên Hiệp Quốc.
Thủ tướng Niger Ouhoumoudou Mahamadou nói với đài truyền hình France24 hôm 30.7 rằng các biện pháp trừng phạt "sẽ là một thảm họa" cả về kinh tế và xã hội.
Trước hội nghị của ECOWAS, chính quyền quân sự ở Niger đã cảnh báo rằng ECOWAS đang xem xét khả năng can thiệp quân sự ở Niger thông qua hợp tác với các quốc gia châu Phi khác và một số quốc gia phương Tây.
"Chúng tôi một lần nữa muốn nhắc nhở ECOWAS hoặc bất kỳ ai khác có máu phiêu lưu về quyết tâm bảo vệ quê hương của chúng tôi", Reuters dẫn lời đại tá Amadou Abdramane, phát ngôn viên của quân đội Niger.
Dưới sự kêu gọi của chính quyền quân sự, hàng nghìn người đã xuống đường ở Niamey hôm 30.7, một số hướng về Đại sứ quán Pháp. Reuters cho biết đám đông đã đốt cờ và ném đá vào trụ sở phái bộ Pháp, khiến cảnh sát phải dùng hơi cay để can thiệp. Hình ảnh từ hiện trường cho thấy lửa xuất hiện trên tường bao quanh sứ quán và nhiều người được đưa lên xe cấp cứu với chân dính máu.
"Chúng tôi ở đây để bày tỏ bất bình trước sự can thiệp của Pháp vào công việc của Niger. Niger là một quốc gia độc lập và có chủ quyền, vì vậy các quyết định của Pháp không ảnh hưởng đến chúng tôi", một người biểu tình Sani Idrissa nói với Reuters.
Niger từng là thuộc địa của Pháp. Paris đã lên án bạo lực và cho biết bất kỳ ai tấn công công dân hoặc lợi ích của Pháp sẽ phải đối mặt với phản ứng nhanh chóng và nghiêm khắc. "Thời đại đảo chính ở châu Phi phải chấm dứt. Đó là chuyện không thể chấp nhận được", Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nói với đài phát thanh RTL.
Pháp và Liên minh Châu Âu (EU) đã đình chỉ hợp tác an ninh và viện trợ tài chính cho Niger sau vụ đảo chính, trong khi Mỹ cảnh báo nước này cũng có thể cắt viện trợ cho Niamey.
Trong một tuyên bố ngày 30.7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington hoan nghênh "sự lãnh đạo mạnh mẽ của những người đứng đầu nhà nước và chính phủ thuộc ECOWAS để bảo vệ trật tự hiến pháp ở Niger". Ông đồng thời kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông Bazoum và khôi phục chính phủ dân cử.
"Mỹ sẽ tiếp tục can dự tích cực với ECOWAS và các nhà lãnh đạo Tây Phi trong các bước đi tiếp theo để bảo vệ nền dân chủ khó kiếm được ở Niger", ông Blinken cho hay.
Bình luận (0)