Lãnh đạo thành phố Đà Lạt nói gì về phương án kiến trúc đồi Dinh tỉnh trưởng?

20/08/2020 06:34 GMT+7

Sau khi TP.Đà Lạt và Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng trưng bày 3 phương án kiến trúc đồi Dinh tỉnh trưởng để lấy ý kiến trước khi thực hiện và nhận được nhiều ý kiến không đồng tình, ngày 19.8, PV Thanh Niên có cuộc phỏng vấn ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, xung quanh việc quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình và phương án kiến trúc đồi Dinh tỉnh trưởng.

Lãnh đạo thành phố Đà Lạt nói gì về phương án kiến trúc đồi Dinh tỉnh trưởng ?1

Ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt

Những ngày qua trên các phương tiện truyền thông bàn luận khá nhiều về 3 phương án kiến trúc đồi Dinh tỉnh trưởng (đồi Dinh), phần lớn không đồng tình với việc xây dựng cụm khách sạn 5 sao trên đồi Dinh. Ông có thể cho biết cảm nghĩ của mình?
Bản thân tôi cũng như lãnh đạo TP.Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng đều ghi nhận những ý kiến đóng góp chân tình về quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình Đà Lạt trong đó có cả đồi Dinh. Việc quy hoạch trung tâm Hòa Bình Đà Lạt dựa vào quy hoạch chung theo các Quyết định (QĐ) 409 (năm 2002) và QĐ 704 (năm 2014) của Thủ tướng. Mặt khác, theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ 9 và 10 phải xây dựng trung tâm Hòa Bình trở thành trung tâm thương mại cấp vùng tập trung khu vực di sản và khu vực chợ Hòa Bình có tổng diện tích 75 ha. Việc lập quy hoạch trung tâm khu Hòa Bình được thực hiện bởi lãnh đạo địa phương, các nhà nghiên cứu xã hội, các kiến trúc sư, các chuyên gia về cảnh quan, các chuyên gia bảo tồn, chuyên gia kinh tế… chứ không phải một cá nhân nào.
Tháng 3.2019 khi Đà Lạt trưng bày Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu Hòa Bình Đà Lạt, có rất nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên chỉnh trang và giữ lại những di sản là khu Hòa Bình và Dinh tỉnh trưởng thay vì xây những khu thương mại đồ sộ không phù hợp với cảnh quan Đà Lạt?
Đến thời điểm này, chưa có tài liệu nào được Chính phủ hoặc tỉnh Lâm Đồng (từ chế độ cũ đến nay) xác định khu Hòa Bình và Dinh tỉnh trưởng là di sản kiến trúc.
Tôi ở Đà Lạt suốt 45 năm qua, từ khi học tiểu học cho đến nay đang làm quản lý chính quyền địa phương. Với tôi, 2 công trình này thấm sâu vào tâm tư tôi là ký ức, là hoài niệm, chúng ta có thể tôn thờ quá khứ. Thế nhưng, chúng ta không thể giữ mãi ký ức, hoài niệm, cần phải vượt qua để phát triển.
Tại vị trí rạp chiếu bóng Hòa Bình hiện nay, năm 1929 có một khu chợ được xây dựng bằng cây, lợp tôn nên gọi là chợ Cây. Năm 1937, xảy ra hỏa hoạn nên chợ được xây lại bằng gạch. Năm 1958, rạp chiếu bóng Hòa Bình được xây dựng tại nơi đây và đưa vào sử dụng từ năm 1960 cho đến nay.
Dinh tỉnh trưởng được xây dựng năm 1910, là nơi làm việc của Tỉnh trưởng Lâm Viên, Tuyên Đức và cũng là nơi ở của gia đình tỉnh trưởng. Qua các thời kỳ quy hoạch, bảo tồn kiến trúc theo quy hoạch chung Đà Lạt đều không nêu công trình này.
Quy hoạch chung mới nhất QĐ 704 xác định bảo tồn kiến trúc là các Dinh 1, 2, 3, khu biệt thự Trần Hưng Đạo, Lê Lai, xác định trục di sản kiến trúc Đông - Tây.
Lãnh đạo thành phố Đà Lạt nói gì về phương án kiến trúc đồi Dinh tỉnh trưởng ?1

Trung tâm Đà Lạt và khu đồi Dinh tỉnh trưởng xưa

ẢNH: TL

“Không nên sống mãi với ký ức và hoài niệm”

Tỉnh Lâm Đồng đang trong quá trình xây dựng Đà Lạt thành đô thị di sản, vậy việc xây dựng cụm khách sạn cao tầng, hiện đại trên khu vực đồi Dinh có “phá vỡ” kế hoạch đô thị di sản Đà Lạt?
Đô thị di sản Đà Lạt bao gồm nhiều yếu tố như: con người Đà Lạt, giá trị về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên Đà Lạt; quỹ di sản kiến trúc công trình và giá trị văn hóa. Như vậy, kiến trúc chỉ là một phần để tạo nên đô thị di sản. Thực tế theo quy hoạch được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt ngày 12.2.2019 thì trung tâm khu Hòa Bình và đồi Dinh chỉ thay đổi công trình xây dựng hiện đại hơn, còn kiến trúc cảnh quan phù hợp với quy hoạch chung. Có người nói nên chọn vị trí khác để xây dựng các công trình hiện đại, nhưng cần thiết phải đầu tư, nâng cấp các công trình ở trung tâm Đà Lạt để nâng tầm Đà Lạt lên.
Ông cảm nhận thế nào về 3 phương án kiến trúc đồi Dinh đang được trưng bày?
Với tôi, 3 phương án kiến trúc đồi Dinh tỉnh trưởng đều phù hợp trong sự tổng hòa phát triển chung của Đà Lạt hướng đến đô thị di sản Đà Lạt.
Trước khi trưng bày có 8 mô hình kiến trúc được đưa ra lấy ý kiến, cuối cùng tỉnh và TP.Đà Lạt chọn 3 phương án phù hợp nhất trưng bày để lấy ý kiến công khai. Bản thân tôi và nhiều lãnh đạo khác nhận thấy phương án 1 (nâng cao Dinh tỉnh trưởng lên 28 m) là tối ưu. Nếu phương án này được chọn và thực hiện sẽ tạo nên dấu ấn, đủ tầm vóc để cho trung tâm Đà Lạt xứng tầm trong khu vực.
Lãnh đạo thành phố Đà Lạt nói gì về phương án kiến trúc đồi Dinh tỉnh trưởng ?2

Phương án 1 kiến trúc đồi Dinh

Đà Lạt cần có những siêu thị, khu thương mại cao cấp, hiện đại như TP.HCM, Hà Nội để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân Đà Lạt trước hết, tiếp đó là du khách trong và ngoài nước. Nhiều năm nay không ít du khách than “Tới Đà Lạt mang tiền đi rồi mang tiền về vì không có chỗ tiêu”. Với đồi Dinh tỉnh trưởng muốn phát triển phải có thương mại, nếu chỉ làm công viên thì chưa hấp dẫn được du khách và người dân địa phương.
Trước đây khi Đà Lạt phá bỏ sân vận động bên hồ Xuân Hương để xây dựng quảng trường Lâm Viên, siêu thị… có rất nhiều ý kiến phản đối, nhưng sau khi xây dựng hoàn thành thì quảng trường trở thành công trình kiến trúc độc đáo, là điểm đến của du khách xa gần.
Khi nào sẽ đấu thầu công khai việc xây dựng kiến trúc khu đồi Dinh tỉnh trưởng?
Sau khi lấy ý kiến công khai và đón nhận các ý kiến, còn phải tổng hợp ý kiến rồi mới đánh giá để chọn phương án nào. Phải hoàn thiện phương án rồi mới ra quyết định chọn phương án tối ưu và đưa ra đấu thầu công khai chọn nhà đầu tư. Thời gian qua có những ý kiến cho rằng khu đồi Dinh tỉnh trưởng đã có nhà đầu tư là không đúng. Công ty Đại Quang Minh chỉ tài trợ về quy hoạch và thiết kế đô thị. Việc đầu tư vào khu đồi Dinh phải qua đấu thầu công khai, không phụ thuộc nhà đầu tư nào.
Thưa ông, nếu sau 1 tháng lấy ý kiến, người dân, du khách và các chuyên gia không nhất trí các phương án kiến trúc đồi Dinh, liệu Đà Lạt có tiếp tục thực hiện?
Quá trình lấy ý kiến nếu xảy ra tình huống 50/50 thì chính quyền sẽ mời các chuyên gia, kiến trúc sư, nhà kinh tế, nhà xã hội học… ngồi lại để phân tích, để xem lý do tại sao, xem lại nhược điểm của từng phương án. Từ đó chọn ý tưởng tối ưu của từng phương án để đưa ra giải pháp thi công. Theo tôi, Đà Lạt cần phải thay đổi để phát triển. Không nên sống mãi với ký ức và hoài niệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.