Lãnh đạo TP.HCM kiến nghị chính sách đặc thù về giáo dục

Bích Thanh
Bích Thanh
26/04/2022 06:00 GMT+7

Ngày 25.4, tại buổi làm việc với Bộ GD-ĐT, TP.HCM đã có những kiến nghị chính sách đặc thù về tuyển dụng giáo viên, liên kết đào tạo, ban hành phương án thi năm 2025...

9 mục tiêu phát triển giáo dục

Trong định hướng phát triển GD-ĐT từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP, TP đã đưa ra 9 chỉ tiêu phấn đấu. Trong đó, đến năm 2025, đạt 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học (từ 3 - 18 tuổi); tối thiểu 80% thủ tục hành chính đều được thực hiện theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4, kết nối với dịch vụ công trực tuyến quốc gia và TP. Cùng với đó, 80% trường tiểu học dạy học 2 buổi/ngày; 60% trường THCS và 80% trường THPT trên mỗi quận, huyện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày…

Bên cạnh đó, 50% học sinh (HS) TP sau khi tốt nghiệp THPT đạt được trình độ ngoại ngữ bậc 2 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ, 30% HS phổ thông có trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế; 90% HS tốt nghiệp THPT có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, 30% HS có trình độ tin học đạt chuẩn quốc tế. Cùng với đó, 100% các trường cao đẳng, trung cấp trực thuộc Sở GD-ĐT công bố chuẩn đầu ra và thực hiện đúng cam kết chuẩn đầu ra, có 80% HS, sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp ngành nghề đào tạo, có ít nhất 30% mã ngành đào tạo ở các trường công lập được công nhận là mã ngành trọng điểm.

TP.HCM đề nghị Bộ GD-ĐT sớm quy định nội dung và hình thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đối với lứa học sinh này

ĐÀO NGỌC THẠCH

Kiến nghị chính sách đặc thù

Tuy nhiên, đánh giá về một số bất cập trong quá trình thực hiện, ông Dương Anh Đức cho biết một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn nên gặp bất cập, khó khăn khi triển khai. Đơn cử, hiện nay chưa có định biên và chế độ, chính sách phù hợp, thu hút đối với giáo viên (GV) ngoại ngữ, tin học, nhân viên y tế trường học, văn thư, thủ quỹ, kế toán, GV dạy các môn âm nhạc, mỹ thuật…

Bên cạnh đó, một số quy định về diện tích đất/HS tối thiểu chưa phù hợp tình hình thực tiễn của TP. Các yêu cầu và quy định về quy hoạch sử dụng đất giáo dục còn khó khăn ảnh hưởng đến sự phát triển quy mô trường lớp tại TP.

Từ đó, TP.HCM cũng đưa ra những kiến nghị đặc thù, trước hết về đội ngũ GV thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Cụ thể, đối với các trường hợp có bằng cử nhân (CĐ/ĐH) chuyên ngành phù hợp đối với các môn tin học, âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ 2 (tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp…) nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và chưa tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông, có thể tham gia giảng dạy theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng tại các cơ sở. Các trường hợp này sẽ cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong thời hạn 12 tháng tính từ thời điểm bắt đầu tham gia giảng dạy.

Đối với các GV môn tin học, môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) có bằng cử nhân (CĐ/ĐH) chuyên ngành phù hợp (nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm) đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông trực thuộc TP.Thủ Đức và các quận, huyện quản lý, có thể tham gia giảng dạy tại các trường THPT theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng. Các trường hợp này sẽ cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong thời hạn 36 tháng tính từ thời điểm bắt đầu tham gia giảng dạy theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng tại các trường THPT.

TP cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT hướng dẫn, xem xét cho phép cho Trường ĐH Sài Gòn được tự chủ tuyển sinh các mã ngành đào tạo GV đặc thù như: tin học, môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) để đào tạo các GV phục vụ giảng dạy tại các trường học trên địa bàn TP. Cho phép Trường ĐH Sài Gòn đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho các ngành như: tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp đáp ứng cho chương trình ngoại ngữ 2, chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cho phép các cơ sở giáo dục công lập được phép liên kết, chuyển giao và sử dụng bản quyền các chương trình giáo dục quốc tế với các cơ sở giáo dục nước ngoài, HS tham gia và hoàn thành chương trình, đạt yêu cầu ở kỳ thi cuối cấp được cấp bằng VN và bằng quốc tế. Phân cấp cho UBND TP được quy định cơ chế huy động nguồn lực phát triển các loại hình liên kết giáo dục, đào tạo trong nước - quốc tế trong các cơ sở giáo dục đào tạo công lập.

Sớm công bố phương án thi

Liên quan đến việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT, kiến nghị Bộ sớm có định hướng đầu ra, quy định nội dung và hình thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đối với lứa HS lớp 10 đầu tiên bước vào năm học mới 2022 - 2023. Từ đó các trường THPT có thể chủ động xây dựng tổ hợp môn phù hợp với năng lực tổ chức của mình cũng như định hướng HS chọn môn học phù hợp, ổn định tâm lý yên tâm khi lựa chọn tổ hợp môn, hướng đến kỳ thi.

Cũng tại buổi làm việc, ông Lê Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, chỉ ra có độ lệch giữa chương trình ngoại ngữ, tin học đại trà so với trình độ, năng lực của HS TP. Khi tổ chức giảng dạy trong nhà trường dẫn đến việc HS cảm thấy nhàm chán, không có động lực học tập. Vì vậy ông Sơn đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu sao cho TP được thực hiện theo chương trình đặc thù để 2 môn học nói trên phát triển theo đúng nhịp, khác với chương trình đại trà.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đề nghị TP đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, nhân lực mang tính chiến lược. Người đứng đầu ngành giáo dục xác định năm 2022 là năm củng cố, bồi đắp, hỗ trợ làm sao hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tâm lý, tinh thần của HS, không để xảy ra tình trạng ngồi nhầm lớp. Thêm vào đó, ông Sơn nhấn mạnh Bộ GD-ĐT không ngần ngại cho việc điều chỉnh, đặc biệt để mở đường cho sự phát triển giáo dục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.