Lãnh lương mà chết

25/06/2018 09:11 GMT+7

Chỉ tay vào khoảng 1.000 CEO cùng đẳng cấp, ông Robert Chapman - lãnh đạo công ty đa quốc gia Barry-Wehmiller nói: “Các ông bà là thủ phạm của cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe hiện nay”.

Thế giới này đang phải gồng mình trước gánh nặng của hàng loạt bệnh nghe chẳng có gì là “khủng hoảng”: không phải bệnh truyền nhiễm có thể lây lan từ người này sang người kia, cũng chẳng phải những bệnh luôn phải cấp cứu để giữ tính mạng. Đó là các chứng kinh niên như tiểu đường, tim mạch, huyết áp…
Theo ước tính của Diễn đàn kinh tế thế giới, đến 3/4 chi phí chăm sóc y tế trên toàn cầu hiện nay đổ hết vào các bệnh kinh niên. Thêm một con số biết nói khác cũng từ thống kê của tổ chức này: 63% cái chết trên thế giới do những bệnh không truyền nhiễm gây ra.
Quay lại với “lời kết tội” của Chapman, ông chỉ ra hàng loạt bằng chứng từ các cuộc nghiên cứu với kết quả những bệnh kinh niên như kể trên thường liên quan đến các hành vi như ăn uống vô độ, thiếu vận động, uống rượu, hút thuốc… Những hành vi này thường khởi phát hoặc trầm trọng hơn khi người ta stress. Cuối cùng, “ổ” gây stress khổng lồ nhất hành tinh là công sở. Chính vì thế, các ông sếp bị quy là thủ phạm cho gánh nặng mà hệ thống y tế toàn cầu đang oằn mình gánh chịu.
Tính toán của Viện Stress Mỹ cho thấy, stress công sở làm tiêu tốn của nước Mỹ chừng 300 tỉ USD/năm. Ở mức độ cá nhân, theo nghiên cứu của tạp chí y khoa Lancet, nếu bạn làm việc trên 55 giờ/tuần, bạn tự cộng thêm cho bản thân 20% nguy cơ chết yểu.
Tự sát vì stress công sở
Joseph Thomas là một người đàn ông rất thông minh. Anh ta cũng vô cùng tự tin cho đến ngày được nhận vào Uber, làm việc ở ngay trụ sở công ty này tại San Francisco (Mỹ) với mức lương hấp dẫn: 170.000 USD/năm.
Thomas liên tục phải làm thêm giờ, chịu đựng áp lực công việc khủng khiếp, lúc nào cũng lo sợ là sếp không thích anh ta. Vợ Thomas đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy chồng thay đổi hoàn toàn: từ một người rất tự tin chuyển sang làm gì cũng sợ sai. Đến bác sĩ, Thomas cho biết mình liên tục đối mặt với những cơn hoảng loạn, rất khó tập trung và lúc nào cũng trong tình trạng lo lắng.
Hãng truyền thông BBC dẫn lời vợ Thomas cho biết cả cô này, cha của Thomas và bác sĩ đều khuyên anh ta nghỉ việc nhưng anh không nghe, trái lại lúc nào cũng sợ bị sa thải. Cho tới một ngày, khi người vợ chở con đi học trở về nhà, thấy chồng ngồi lặng im trong xe hơi ở garage. Người vợ mở cửa xe, định nói chuyện với chồng thì thấy máu tuôn ra. Thomas đã nổ súng tự sát từ bao giờ!
Chất độc nơi công sở
Một phân tích hồi năm 2015, tổng hợp lại kết quả từ gần 300 cuộc nghiên cứu trước đó cho thấy, những hành vi có hại nơi công sở như làm quá giờ, làm việc giờ giấc không cố định hoặc không biết trước, không được mua bảo hiểm sức khỏe tử tế… có hại cho sức khỏe và làm tăng tỷ lệ tử vong chẳng thua kém gì so với hút thuốc lá thụ động.
Sự cạnh tranh công việc, áp lực phải làm thêm giờ quá nhiều để hoàn thành công việc trong thời hạn sít sao, môi trường làm việc quá căng thẳng, những ông sếp quá khắt khe hay thậm chí quá quắt, đòi hỏi công việc ngày càng cao, giờ giấc làm việc không cố định … là các yếu tố ngày càng làm suy giảm sức khỏe người lao động, thậm chí giết chết họ.
Trong khi các nhà cầm quyền, các ông chủ có thể làm được nhiều điều để giảm thiểu stress công sở, họ không sẵn lòng hành động. Mỗi người lao động chính vì thế phải tự quyết định hành vi của mình. Đừng coi thường sự nguy hiểm chết người của stress là điều quan trọng nhất. Thể thao, thiền, dành thời gian chăm sóc bản thân, dành thời gian với bạn bè… là những lời khuyên chung để đối phó với stress.
Nhưng nếu phải làm việc dưới trướng một ông sếp luôn khiến bạn trong tư thế căng như dây đàn, hãy tìm mọi cách thay đổi phản ứng bản thân. Còn khi không thay đổi được, hãy chia tay ngay vì ông ấy có thể làm bạn chết sớm theo đúng nghĩa đen!
Sát thủ văn phòng
Những văn phòng mát lạnh, hiện đại, xinh xắn trông vô hại nhưng coi chừng đó là những sát thủ vô hình làm xói mòn sức khỏe hoặc thậm chí cướp mất tính mạng của bạn. Báo Business Insider gọi mặt chỉ tên những sát thủ vô hình đó:
Đau lưng, mỏi cơ chỉ là chuyện nhỏ. Một công việc ngồi suốt ngày làm tăng nguy cơ chết sớm bởi các bệnh như tiểu đường, ung thư, tim mạch, béo phì…, cho dù bạn có vận động đều đặn. Hãy thay đổi tư thế mỗi 8 phút và đứng lên di chuyển 2 phút mỗi nửa giờ.
Không có giờ ăn sáng là lý do người ta vẫn đưa ra khi công việc quá nhiều. Nên nhớ, bỏ bữa sáng khiến cơ thể bị stress và làm rối loạn chuyển hóa. Thường xuyên nhịn làm tăng nguy cơ cao huyết áp, béo phì và tim mạch.
Không khí bên trong tòa nhà thường bẩn hơn bên ngoài đến 100 lần và bạn phải tiếp xúc với nhiều loại khí, hóa chất có hại, chẳng hạn chất ô nhiễm từ máy lạnh, vi khuẩn, nấm mốc... Đặc biệt, những ai tiếp xúc nhiều với máy in và máy photocopy có thể dẫn đến các bệnh về phổi.
Nghiên cứu của các nhà khoa học châu Âu cho thấy những ai làm việc từ 10 giờ trở lên/ngày chịu nguy cơ nhồi máu cơ tim cao hơn 60% so với bình thường.
Làm việc dưới quyền một sếp tồi khiến bạn có thể bị rối loạn lo lắng, tim mạch, cao huyết áp, béo phì, thậm chí trầm cảm.
Làm việc ca đêm tăng nguy cơ mắc tiểu đường típ 2, ung thư và tim.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.