Đó là thực trạng chung của rất nhiều công nhân lao động hiện nay. Họ đang lao đao trong cơn “bão giá” khi xăng liên tục tăng giá kéo theo các mặt hàng khác cũng tăng chóng mặt.
Lương không tăng mà mọi thứ đều tăng giá
Trong căn phòng trọ nhỏ ở hẻm 122 Nguyễn Phúc Chu, Q.Tân Bình, TP.HCM, cả gia đình Vũ Nguyễn Kim Ngân (28 tuổi, công nhân da giày của Công ty cổ phần Huê Phong) gồm 7 thành viên thuê ở chung. Ông nội Ngân đã già yếu, ba mẹ cũng lớn tuổi nhưng hằng ngày vẫn phải dang nắng dầm mưa đi làm phụ hồ, chồng Ngân chạy xe ôm công nghệ, còn em gái thì đang thất nghiệp.
Từ khi vật giá leo thang, mỗi ngày Trang đều lo nghĩ nay ăn gì, mai ăn gì để đủ tiền |
Nữ Vương |
Cuộc sống gia đình Ngân càng chật vật hơn khi giá cả cứ leo thang mỗi ngày. Ôm đứa con trong lòng, Ngân nói: “Dịch bệnh nên suốt 3 tháng cả nhà không ai đi làm được gì, khó khăn vô cùng, chỉ mong dịch hết để đi làm lại kiếm sống. Vậy mà tình hình dịch bệnh vừa ổn lại thì giá cả cứ tăng vèo vèo mỗi ngày. Chưa hết khó lại càng thêm khổ”.
Ngân cho biết trước đây mỗi lần đổ xăng 50.000 đồng là đi được mấy ngày, nhưng giờ chỉ đi được 1 ngày hoặc hơn ngày là hết. Khổ hơn khi chồng Ngân chạy xe ôm công nghệ nên càng đau đầu chuyện tiền đổ xăng.
Dịch bệnh nên suốt 3 tháng cả nhà không ai đi làm được gì, khó khăn vô cùng, chỉ mong dịch hết để đi làm lại kiếm sống. Vậy mà tình hình dịch bệnh vừa ổn lại thì giá cả cứ tăng vèo vèo mỗi ngày. Chưa hết khó lại càng thêm khổ
VŨ NGUYỄN KIM NGÂN Công nhân Công ty cổ phần Huê Phong
“Trước đây chồng mình gắng chạy cũng kiếm được khoảng 300.000 đồng một ngày, giờ tiền đổ xăng với ăn uống là không dư được bao nhiêu. Ảnh cũng đang tính xin đi làm công nhân luôn, chứ chạy xe thế này thì lấy gì ăn”, Ngân than thở.
Nhưng rồi nghĩ lại, cô nói: “Nói thế chứ lương công nhân có được bao nhiêu đâu. Mình phải đón con nhỏ mỗi chiều nên đâu thể tăng ca được, nên lương chỉ tầm 5 triệu đồng trở lại. Chi phí xăng xe, tiền nhà trọ, con ăn học cũng chẳng đủ được. Khổ là lương thì không tăng mà mọi thứ đều lên giá muốn chóng mặt. Sắp tới học phí mà lên nữa thì dân lao động như mình không biết lấy gì nuôi con”.
Cũng đang lao đao vì “bão giá”, Đặng Thị Huyền Trang cho biết cả 2 vợ chồng đều làm công nhân, lương rất thấp nên cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Đợt dịch Covid-19 vừa rồi cả gia đình đều dương tính và phải đi cách ly, vay mượn khắp nơi để sống qua dịch, đến giờ vẫn chưa trả hết tiền vay mượn. Nay giá mọi thứ đều tăng, 2 vợ chồng Trang phải tiết kiệm từng chút một nhưng cũng không đủ, tháng nào cũng phải xin ứng lương để trang trải.
“Mà xin ứng lương tháng này thì tháng sau lại hụt, tính toán đau hết cả đầu. Tiền sữa cho con cũng phải giảm, mình tiết kiệm đến nỗi bình thường con đi học sẽ ăn ở trường nhưng nay sáng mình cho con ăn ở nhà, để một tháng cũng bớt được mấy trăm ngàn. Gas cũng không dám xài nhiều vì giá tăng cao, đi chợ thì phải bớt thịt cá, mua thêm rau ăn bù. Mà rau cũng lên giá nữa, chú bán rau ngoài chợ nói nhờ trời mưa nên chỉ có rau muống là rẻ hơn được xíu thôi chứ rau gì cũng đắt hết”, Trang ngao ngán kể.
Vừa thở dài, Trang vừa chỉ chiếc xe gắn máy cũ là phương tiện cả 2 vợ chồng đi làm mỗi ngày, nói: “Cũng may nó cũ nhưng là loại tiết kiệm xăng. Mỗi lần đổ xăng chỉ dám đổ 30.000 đồng, mà nay từng đó tiền chưa đổ được lít xăng nữa”.
Người lao động ở trọ vốn đã khó khăn, nay vật giá tăng cao thì càng thêm lao đao |
Giá dầu thế giới lại sắp chạm mốc 120 USD/thùng |
Cố gắng cày ngày cày đêm
Nhiều lao động trẻ chia sẻ họ chỉ còn cách cày ngày cày đêm những mong kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó.
Như Nguyễn Huy Đức (27 tuổi, trọ tại 1119 Hoàng Sa, Q.Tân Bình) sau dịch đã rời quê vào TP.HCM chạy xe ôm công nghệ. Chưa ổn định cuộc sống thì giá cả tăng vùn vụt, đặc biệt là xăng tăng giá liên tục khiến Đức chới với.
“Giá xăng lên nhưng hãng đâu có lên giá cước. Lúc trước mỗi ngày chạy tốn khoảng 100.000 - 120.000 đồng tiền xăng, còn giờ ngày nào cũng trên 200.000 đồng nếu chạy từ 8 - 10 tiếng. Chạy ít thì không có tiền, chạy nhiều thì tiền xăng “uống” hết chẳng còn được bao nhiêu”, Đức kể.
Đức cho biết cũng may là còn độc thân nên không khốn đốn như các gia đình lao động trẻ khác. Tuy nhiên, vì còn trẻ nên Đức cũng muốn cố gắng làm để tích góp ít tiền, nhưng hiện nay chỉ đủ ăn và trang trải cuộc sống.
“Trước đây xăng rẻ thì cứ chạy vòng vòng tìm khách, còn giờ chạy xong cuốc nào là đứng yên tại chỗ chờ, có khách đặt thì mới dám chạy đi vì tiền xăng không chịu nổi. Lúc xưa khách đặt đi xa đến các tỉnh như Tây Ninh, Bình Dương… thì còn hào hứng, giờ mà chở khách xong vòng về đi một mình là coi như không đủ tiền đổ xăng”, Đức kể và cho biết đã học thêm lấy bằng lái xe để sắp tới chuyển sang lái xe tải thuê, chứ xăng cứ lên giá thế này không sống nổi với nghề chạy xe ôm.
Ngày đi học, tối về Nam tất bật làm shipper để có tiền trang trải cuộc sống |
Là sinh viên, ban ngày đi học, tối về Lê Quang Nam (trọ tại hẻm 122 Phạm Văn Bạch, Q.Tân Bình, TP.HCM) tranh thủ đi làm shipper kiếm thêm tiền trang trải học phí. Nam chia sẻ: “Mọi thứ cứ tăng giá như thế này thì không cần trang trải học phí em cũng phải đi làm để kiếm tiền lo cuộc sống hằng ngày. Vì mẹ em từ sau khi nhiễm Covid-19 sức khỏe yếu đi rất nhiều, không thể làm được việc nặng, hằng ngày đi mua ve chai chỉ đủ trả tiền thuê phòng trọ mỗi tháng”.
Nam kể trước đây anh chỉ đi làm chạy bàn ở quán cà phê, nhưng từ khi vật giá leo thang phải tìm công việc khác để kiếm thêm phụ mẹ.
“Làm shipper vào buổi tối, nếu như em cố gắng cày, giao được nhiều đơn thì mỗi tháng cũng kiếm được hơn 4 triệu đồng, còn nếu không thì chỉ được hơn 3 triệu. Nhưng dù sao cũng nhiều hơn việc chạy bàn ở quán cà phê. Nói chung vật giá càng tăng thì mẹ con em càng chật vật hơn”, Nam bày tỏ những khó khăn cũa "bão giá".
Bình luận (0)