Lao đao vì Covid-19: Các trung tâm tiếng Anh thay đổi cách dạy

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
26/01/2022 06:14 GMT+7

Giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 là giai đoạn rất gian nan của nhiều trung tâm tiếng Anh khi phải đóng cửa thời gian dài. Tuy nhiên, điều này đã tác động, dẫn đến sự thay đổi về cách dạy tiếng Anh.

Điều chỉnh hoạt động

Trong thời gian vừa qua, nhiều nhân viên, giáo viên các cơ sở từ Bắc đến Nam của Trung tâm tiếng Anh Apax Leaders liên tục gửi thư, hẹn nhau lên trụ sở công ty để… đòi lương do trung tâm này nợ lương sau khi các cơ sở ngừng hoạt động vì dịch Covid-19.

Trung tâm ngoại ngữ SAS cơ sở Q.Gò Vấp (TP.HCM) đã ngừng hoạt động

ĐĂNG NGUYÊN

Theo N.C, nhân viên của Trung tâm tiếng Anh Apax Leaders tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), chị làm nhân viên của trung tâm này vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, trung tâm đóng cửa vì dịch Covid-19 đến nay, chị vẫn chưa được thanh toán tiền lương. Một số giáo viên, nhân viên của trung tâm này cũng bị nợ lương.

Ở độ tuổi thiếu nhi và thiếu niên, đa số phụ huynh mong muốn con có môi trường tương tác, giao tiếp, có kỹ năng chia sẻ, trao đổi. Vì vậy, học tập tại trung tâm vẫn sẽ được ưu tiên. Còn với các lớp tiếng Anh như luyện thi IELTS, nhiều người đi làm nếu học trực tuyến sẽ tiết kiệm được thời gian di chuyển.

Bà Lê Thị Thùy Dương, Phó giám đốc SEAMEO RETRAC

Trả lời Báo Thanh Niên, ông Đỗ Duy Khương, Phó tổng giám đốc Apax Leaders, cho biết: “Đại dịch Covid-19 đã kéo dài 2 năm. Trong năm 2020, Apax đã đảm bảo trả lương đầy đủ, tuy ở một số thời điểm bị chậm. Sang năm 2021, dịch bùng phát mạnh và đóng cửa kéo dài, nhất là TP.HCM, khiến công việc kinh doanh bị ảnh hưởng. Đứng trước khó khăn, nhiều doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, Apax vẫn quyết định không giảm người và không giảm lương”.

Theo ông Khương, công ty xác định dịch bệnh còn kéo dài nên thay vì thu nhỏ hoạt động, cắt giảm nhân sự thì Apax điều chỉnh mô hình hoạt động có cả trực tiếp và trực tuyến, mở rộng thị trường và phát triển sản phẩm mới… Một mặt nắm bắt cơ hội kinh doanh, mặt khác đảm bảo tạo việc làm, thu nhập và giữ người lao động ở lại với mình. Kế hoạch này đang đi đúng tiến độ.

“Do dịch diễn biến rất phức tạp, có quá nhiều thứ phát sinh từng ngày nên có những thời điểm công ty chưa thể chu toàn trong việc bố trí nhân sự và nguồn lực để hỗ trợ các nhân viên nghỉ việc, dẫn tới những phản ứng bức xúc trong thời gian qua. Chúng tôi đã có kế hoạch giải quyết triệt để vấn đề lương với mục tiêu là đảm bảo cao nhất và kịp thời nhất quyền lợi của người lao động, nhất là nhóm các nhân viên đã nghỉ việc. Cụ thể, với người lao động đang làm việc, sẽ đảm bảo thanh toán lương theo định kỳ hằng tháng. Với những người đã nghỉ việc, chúng tôi cho kế hoạch lương theo các đợt tới khi hoàn thành, đồng thời có chế độ ưu tiên những trường hợp khó khăn. Đảm bảo chi trả đầy đủ các khoản lương chưa thanh toán cho người lao động”, ông Khương khẳng định.

Dịch Covid-19 khiến nhiều trung tâm ngoại ngữ phải đóng cửa và điều chỉnh cách thức hoạt động để phù hợp với tình hình mới

ĐĂNG NGUYÊN

Thích ứng để thay đổi

Mặc dù từ ngày 4.1, UBND TP.HCM đã cho phép các trung tâm ngoại ngữ mở cửa dạy trực tiếp trở lại nhưng cho đến lúc này, các trung tâm đều chưa mở cửa và đang lên kế hoạch dạy học trực tiếp sau tết. Tuy nhiên, cho dù có mở cửa trở lại, cách dạy và học tiếng Anh truyền thống đã thay đổi.

Sẵn sàng chào đón học viên trở lại ngay sau tết

Bà Lê Quang Thục Quỳnh, CEO Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ, thông tin: “Hiện nay, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động dạy và học bình thường trên môi trường trực tuyến. Về kế hoạch cho các em học tập trực tiếp, chúng tôi đã sẵn sàng để chào đón các học viên trở lại tại 43 cơ sở trên toàn quốc ngay sau tết. Đồng thời, chúng tôi cũng cung cấp giải pháp linh hoạt cho phụ huynh và học viên chọn giữa trực tuyến và trực tiếp”.

Nói về những điều chỉnh trong thời gian tới khi mở cửa trở lại, bà Quỳnh nhấn mạnh: “Sẽ có phương án bổ trợ kiến thức, kỹ năng và tạo môi trường tương tác tốt cho học viên sau thời gian gián đoạn việc học trực tiếp. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục tích hợp toàn diện để nâng cao trải nghiệm, chất lượng dạy và học của học viên, giáo viên. Ngoài ra, còn mở thêm trung tâm mới, phát triển các chương trình và đa dạng mô hình đào tạo”.

Bà Lê Thị Thùy Dương, Phó giám đốc SEAMEO RETRAC, cho biết SEAMEO đã làm văn bản gửi cơ quan phòng chống dịch để thông báo chủ trương sẽ mở trực tiếp sau tết đảm bảo phòng, chống dịch.

Trong đợt dịch vừa qua, để đảm bảo quy định của TP.HCM, SEAMEO cũng đã triển khai mô hình dạy và học trực tuyến qua ứng dụng Zoom. Trung tâm triển khai việc chuyển sang học trực tuyến từng bước, theo lộ trình để áp dụng giảng dạy. Tuy nhiên, học sinh mầm non, lớp 1 tập trung chưa cao nên thời gian vừa qua trung tâm không áp dụng dạy trực tuyến cho 2 đối tượng này.

Chuẩn bị cho việc mở cửa trung tâm sau tết, bà Dương cho biết: “Ở độ tuổi thiếu nhi và thiếu niên, vừa qua trung tâm có tiến hành lấy ý kiến phụ huynh thì đa số phụ huynh mong muốn con có môi trường tương tác, giao tiếp, có kỹ năng chia sẻ, trao đổi. Vì vậy, môi trường học tập tại chỗ ở SEAMEO vẫn sẽ được ưu tiên trong thời gian năm tới. Tuy nhiên, với các lớp tiếng Anh lớn hơn như luyện thi IELTS, trung tâm vẫn sẽ căn cứ vào nhu cầu thực tế của học viên. Vì nhiều người đi làm nếu học trực tuyến sẽ tiết kiệm được thời gian di chuyển. Nếu có nhu cầu thì trung tâm vẫn sẽ có các lớp trực tuyến”.

Trong khi đó, ông Đỗ Duy Khương nhận định: “Nếu được thiết kế đúng, hình thức học trực tuyến hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu học tiếng Anh cho trẻ em. Học trực tuyến không chỉ là giải pháp thay thế trong thời gian dịch bệnh mà sẽ tiếp tục là một lựa chọn học tập chính trong thời gian tới, nhất là với tiếng Anh”.

Các địa phương lên kế hoạch dạy học trực tiếp trước 14.2

Nên học tiếng Anh trực tuyến hay trực tiếp ?

Ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Tổ hợp giáo dục Equest Group, đơn vị sở hữu Ivy Prep Education, cho biết: “Sau dịch Covid-19, các trung tâm ngoại ngữ sẽ có biến đổi mạnh mẽ. Số lượng các trung tâm sẽ giảm đi đáng kể, do vậy tính cạnh tranh về địa điểm cơ sở vật chất cũng sẽ giảm theo. Các trung tâm ngoại ngữ cũng sẽ bớt phụ thuộc vào việc phải dạy trực tiếp. Hình thức dạy kết hợp giữa online (tại nhà) và offline (tại trung tâm) sẽ phổ biến hơn. Cha mẹ và học sinh sẽ dần nhận thấy là không cần phải đến trung tâm liên tục mới có thể học giỏi ngoại ngữ được. Về dài hạn, trung tâm nào chuyển đổi số nhanh nhằm dạy chất lượng cao với chi phí đột phá và thuận tiện cho HS sẽ chiến thắng trong cuộc đua mới sắp tới”.

Theo bà Đỗ Vũ Lưu Phương, chuyên gia về tiếng Anh tại Sở Ngoại vụ TP.HCM, tình hình dịch bệnh chưa thể ổn ngay trong một sớm một chiều. Nhiều phụ huynh còn e ngại dịch bệnh nên sẽ chưa đăng ký học trực tiếp cho con, nhất là với học sinh từ lớp 6 trở xuống. Nhiều người thì vẫn chưa tin vào hiệu quả của học tiếng Anh trực tuyến. Vì vậy, trong thời điểm này các trung tâm tiếng Anh nên kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp là tốt nhất. Trong đó, muốn giảng dạy tiếng Anh hiệu quả thì cả trung tâm, giáo viên, học sinh, phụ huynh phải phối hợp nhịp nhàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.