Lật lại cuộc đời phức tạp của nữ minh tinh người Mỹ gốc Á Anna May Wong

Tuấn Duy
Tuấn Duy
01/09/2023 15:00 GMT+7

Yunte Huang, người viết về các biểu tượng người Mỹ gốc Á, vừa cho ra mắt cuốn sách tiểu sử "Daughter of the Dragon". Đây là tác phẩm theo dấu diễn viên người Mỹ gốc Hoa đầu tiên trở thành ngôi sao điện ảnh ở Hollywood - Anna May Wong, theo The New York Times.

Yunte Huang cho biết ông thường bị thu hút bởi những nhân vật phức tạp có các mâu thuẫn phản ánh giới hạn sắc tộc. Trong tác phẩm mới Daughter of the Dragon, tác giả và cũng là giáo sư ngành ngôn ngữ Anh tại Đại học California, Santa Barbara (Mỹ) xem xét lại bước ngoặt lịch sử trong cuộc đời Anna May Wong, cũng như thành công của bà trước làn sóng bài trừ châu Á vào thời điểm đó.

Lật lại cuộc đời phức tạp của nữ minh tinh người Mỹ gốc Á Anna May Wong - Ảnh 1.

Tác phẩm tiểu sử về Anna May Wong và tác giả Yunte Huang

Amazon và The New York Times

Wong là gương mặt thứ 3 và cũng là mảnh ghép cuối trong bộ 3 tác phẩm của Yunte Huang về các biểu tượng người Mỹ gốc Á trong văn hóa đại chúng. 2 người trước đó là Charlie Chan – nhân vật thám tử hư cấu, và cặp đôi Eng & Chang Bunker - những người đã đến Mỹ vào thế kỷ 19 với tư cách là “cặp song sinh” gốc Á đầu tiên.

Ông nói Anna May Wong rất “được tôn kính nhưng cũng là một trong những nhân vật chịu nhiều điều tiếng nhất nhì trong lịch sử người Mỹ gốc Á”. Bà bị một số người coi là độc đoán cũng như phóng đãng. Ông chia sẻ rằng chính sự phức tạp của các chủ đề đã thu hút mình.

Tác phẩm Daughter of the Dragon của Huang ra mắt trong bối cảnh làn sóng quan tâm dành cho ngôi sao Hollywood người Mỹ gốc Á đang quay trở lại. Chẳng hạn như sự xuất hiện của Lady Fay Zhu trong phim Babylon của Damien Chazelle, hay mới đây nhất là chiến thắng của Dương Tử Quỳnh và Everything Everywhere All At Once tại giải Oscar 2023.

Lật lại cuộc đời phức tạp của nữ minh tinh người Mỹ gốc Á Anna May Wong - Ảnh 2.

Minh tinh Anna May Wong

Ronald Grant

Thời kỳ vàng son nhưng cũng chật vật của Anna May Wong

Huang nói Wong đã qua đời cách đây hơn 60 năm, nhưng sự quan tâm dành riêng cho bà vẫn còn đặc biệt ngay trong hiện tại. Theo đó, ông đã nhìn thấy rất nhiều thách thức bà phải đối mặt với tư cách là một diễn viên gốc Hoa ở Hollywood những năm 1930 và 1940.

Ông nói “Nếu bạn muốn biết việc Dương Tử Quỳnh giành được cúp vàng Oscar quan trọng đến như thế nào, thì bạn phải quay trở lại thời kỳ vàng son nhưng cũng chật vật của Anna May Wong”.

Wong sinh ra với tên khai sinh Wong Liu Tsong tại Los Angeles vào năm 1905, trong tiệm giặt là của cha mình, nơi cách khu phố Tàu chỉ vài dãy nhà. Đó là thời kỳ tương đối nguy hiểm, nơi cứ mỗi ngày sẽ lại có thêm nhiều sự hạn chế đối với người nhập cư Trung Quốc, cũng như hành động bạo lực, cướp bóc với cộng đồng người Hoa, đặc biệt là ở California.

Dẫu vậy, Hollywood lại có một sự quan tâm đặc biệt đến vùng Viễn Đông, khi cho ra đời những bộ phim như Chinese Procession (1898), Scene in a Chinese Restaurant (1903) và Rube in an Opium Joint (1905). Có xu hướng trên là bởi các nhà sản xuất thấy khu phố Tàu là nơi thuê các bối cảnh không quá đắt đỏ và dễ quay phim.

Wong cũng giành được vai diễn quần chúng đầu tiên trong phim The Red Lantern (1919) trong thời kỳ này. Chính nó cũng đã mở đường cho vai phụ trong phim The Thief of Bagdad (1924), nơi bà phải mặc trang phục hai mảnh mỏng manh mà bạn diễn Douglas Fairbanks đã phải xin phép bố mẹ của Wong trước khi bấm máy. Sau bộ phim này, Wong đã giành được nhiều lời khen ngợi vì vẻ đẹp và khả năng diễn xuất của mình.

Lật lại cuộc đời phức tạp của nữ minh tinh người Mỹ gốc Á Anna May Wong - Ảnh 3.

Anna May Wong trở thành người gốc Á đầu tiên xuất hiện trên đồng tiền của Mỹ

Coin News

Trong những năm tới, bà tiếp tục thăng tiến khi được đóng cùng minh tinh nổi tiếng Marlene Dietrich trong phim Shanghai Express, làm việc với các đạo diễn tài danh ở Weimar (Đức cũ), London và cả Thượng Hải.

Vào những năm đó, việc có tiếp xúc về mặt hình thể là bất hợp pháp trên màn ảnh rộng. Một người Trung Quốc (hoặc là da màu) không được phép hôn một người da trắng. Thay vào đó, Hollywood sẽ dùng các diễn viên gốc châu Âu đã được hóa trang có sắc da vàng để đóng các vai châu Á.

Mặc dù sự nghiệp của Wong đã phá vỡ những rào cản trên, nhưng làm diễn viên vào thời điểm đó cũng thường đồng nghĩa với việc đảm nhận những vai khuôn mẫu mà bà không thể phản đối.

Janet Yang, một nhà sản xuất phim lâu năm và là chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và Nghệ thuật điện ảnh, cho biết: “Khuôn mẫu về người nhập cư Trung Hoa vô cùng cứng nhắc vào thời điểm đó. Phải có nhan sắc cũng như đài từ khó quên thì mới có thể nhận được vai diễn. Vì vậy, Anna đã phải phá bỏ rất nhiều rào cản, nhưng đúng vậy, đôi khi cô ấy nhận vai và không thể nào tự chuyển hóa chúng”.

Bởi vì Wong không phải lúc nào cũng có thể vượt qua những quy tắc độc hại này nên di sản của bà thường bị nhìn nhận một cách sai lầm. Nhưng ngay cả khi cố gắng thích nghi với thời đại truyền hình, bà vẫn phải chịu đựng sự phân biệt chủng tộc cũng như giới tính, giờ còn cộng thêm phân biệt tuổi tác.

Ở tuổi 47, bà đã mất dần đi sự tự tin và khiến cho chứng trầm cảm ngày càng trầm trọng. Bà uống rượu nhiều đến mức mắc bệnh xơ gan, và đây có thể là nguyên nhân chính gây ra đau tim khiến bà qua đời vào năm 1961, khi đang ngủ trưa lúc vừa bước sang độ tuổi 56.

Ở Los Angeles, nơi ở của Wong còn lại rất ít dấu vết. Khu phố Tàu cùng với ngôi nhà thơ ấu của bà đã bị san bằng vào những năm 1930 do việc xây dựng nhà ga Union Station. Ngoài ra hai ngôi nhà mà bà từng có ở khu vực giàu có của Santa Monica thì cũng chịu chung số phận. Nhưng có thể tin di sản của bà sẽ còn trường tồn nhiều năm sau nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.