Lắt léo chữ nghĩa: Cỏ nội hoa hèn

21/07/2019 06:00 GMT+7

Câu 2197 của Truyện Kiều là: 'Rộng thương cỏ nội hoa hèn'. Đây là lời của Kiều, dùng bốn tiếng cỏ nội hoa hèn để nói với Từ Hải về thân phận của mình.

Đào Duy Anh giảng là “Cỏ ngoài đồng, hoa hèn mọn, tỷ dụ người đàn bà hèn mọn” (Từ điển Truyện Kiều, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974). Còn Nguyễn Khắc Bảo thì giảng là “Cách nói khiêm nhường của phụ nữ vốn mềm yếu như cỏ ngoài đồng nội, hèn mọn như bông hoa dại” (Truyện Kiều, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr.497).
Cách hiểu như trên cũng đã được ghi nhận vào Từ điển thành ngữ Việt Nam của Viện Ngôn ngữ học do Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành biên soạn (NXB Văn hóa, Hà Nội, 1993) với lời giảng: “Người phụ nữ quê mùa, theo cách nói khiêm tốn của chính họ”. Dù sao thì quyển từ điển này cũng không gắn lời giảng của mình với câu 2197 của Truyện Kiều. Còn lời giảng của Đào Duy Anh và Nguyễn Khắc Bảo thì chưa sát với chữ nghĩa Truyện Kiều.
Đúng với chữ nghĩa Truyện Kiều thì cỏ nội hoa hèn là do bốn chữ Hán nhàn hoa dã thảo [閑花野草] mà trang zdic.net/hans giảng là “1.- Chỉ dã sinh đích hoa thảo. 2.- Cựu thời tỉ dụ chính thức phối ngẫu dĩ ngoại sở hiệp ngoạn đích nữ tử. Diệc chỉ kỹ nữ” [1.指野生的花草 .– 2.旧时比喻正式配偶以外所狎玩的女子。亦指娼妓。], nghĩa là “1.- Chỉ hoa cỏ mọc hoang. 2.- Thời xưa [dùng để] ám chỉ những phụ nữ [mà đàn ông] dan díu ngoài người vợ chính thức. Cũng dùng để chỉ kỹ nữ”. Với nghĩa 2, bốn tiếng này thường được dịch sang tiếng Anh thành promiscuous women (những người đàn bà lang chạ). Ở câu này, Nguyễn Du để cho Kiều dùng bốn chữ cỏ nội hoa hèn thật là đắc địa: Đây là lần sơ kiến nên trong ý nghĩ của mình, Kiều tưởng rằng Từ Hải cũng chỉ là một gã khách làng chơi nên đã tự nhận là cỏ nội hoa hèn (nhàn hoa dã thảo), nghĩa là gái làng chơi chứ đâu có ngờ đến chuyện Trai anh hùng, gái thiền quyên - Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cỡi rồng [c.2212 - 2213]).
Còn như lời giảng của Lê Văn Hòe thì lại càng vô lý. Ông viết: “Chữ cỏ nội mượn ý câu sách Luận-Ngữ để suy tôn đức lớn của Từ-Hải lúc làm nên” (Truyện Kiều chú giải, Quốc-Học thư-xã, Hà-Nội, 1953, tr. 520, chú thích số 1810). Thực ra, cả hai danh ngữ cỏ nội và hoa hèn đều là ẩn dụ dùng để chỉ những thân phận thấp hèn chứ làm gì có chuyện cỏ nội mà lại dùng để “suy tôn đức lớn”.
Thực ra, xuất phát từ bốn chữ nhàn hoa dã thảo của tiếng Hán, như đã nói, thành ngữ cỏ nội hoa hèn vốn dùng để chỉ (miêu tả, kể lể, nhận định, đánh giá…) những thân phận yếu hèn, đặc biệt là phụ nữ, chứ không hề là cách nói khiêm nhường của riêng phụ nữ như Nguyễn Khắc Bảo và các tác giả của Từ điển thành ngữ Việt Nam đã nhầm lẫn vì chỉ căn cứ vào lời nói của Kiều ở câu 2197.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.