Lắt léo chữ nghĩa: 'Tài công' và 'tài xế'

14/07/2019 08:17 GMT+7

Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng tài công là '(Đà công) Lái phụ, kẻ coi chèo bánh' nhưng không hề nêu quan hệ từ nguyên giữa đà và tài .

Còn Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức thì giảng rằng tài là “bánh lái (tức đà đọc theo giọng Quảng Đông)” và tài-công là “đà-công, người lái thuyền”. Riêng về hai tiếng tài xế thì có tác giả cho rằng “tài xế tương đương với từ Hán Việt tải xa”.
Ngoài từ điển của Lê Văn Đức, không thấy sách nào khác quy “tài” về “đà” [舵]. Đây cũng là chuyện dễ hiểu vì hai hình vị này tuyệt nhiên không hề có quan hệ gì với nhau về mặt từ nguyên, nhất là vì âm của chữ “đà” [舵] trong tiếng Quảng Đông không phải là “tài” như Lê Văn Đức đã nêu. Quảng Châu âm tự điển do Nhiêu Bỉnh Tài chủ biên (Quảng Đông Nhân dân xuất bản xã, 1997, tr.438) ghi cho nó âm “to4”, mà nếu ghi theo chữ quốc ngữ của tiếng Việt thì sẽ là “thò”. Đồng thời nó cũng chỉ được dùng với tính cách danh từ (chứ không phải động từ) nên người Trung Quốc cũng không bao giờ nói “đà xa” để chỉ thao tác lái xe! Riêng “đà công” [舵工] thì quả nhiên là một danh ngữ có nghĩa là người lái tàu (thủy), là “kẻ coi chèo bánh”, như Huình-Tịnh Paulus Của đã giảng, nhưng “đà” thì không bao giờ cho ra “tài” được!
Còn nói rằng “tài xế” tương đương với hai tiếng Hán Việt “tải xa”, như có tác giả đã nêu thì đó chẳng qua cũng chỉ là chuyện ráp chữ cho ra nghĩa mà thôi chứ Trung Quốc không bao giờ nói “tải xa” để chỉ “tài xế”. Và “tải xa” cũng không hề là một từ tổ cố định trong tiếng Hán. Mà nếu có thì nó cũng chỉ có thể có nghĩa là “chở một/những cái xe [trên một phương tiện vận tải nào đó]” (nếu là ngữ vị từ) hoặc “xe dùng để chở” (nếu là danh ngữ) chứ dứt khoát không có nghĩa là “tài xế”. Vậy thì Trung Quốc gọi “tài xế” là gì? Thưa rằng “tài xế”, tiếng Trung Quốc là “tư cơ” [司機], âm Bắc Kinh (ghi theo pinyin) là sījī, còn âm Quảng Đông thì được Quảng Châu âm tự điển ghi là xi1 géi1.
Nhưng có lẽ nào “tài xế” lại là hai tiếng đã thật sự mất gia phả? Thưa không, “tài xế” chẳng qua chỉ do hai tiếng “đại xa” [大車] đọc theo âm Quảng Đông mà ra. Quảng Châu âm tự điển ghi âm của hai chữ này là dai6 cé1, đọc theo tiếng Việt thì gần như là “tài sé”. Có điều là ở đây, “đại xa” (“tài sé”) không có nghĩa là “xe to”. Nghĩa của danh ngữ này đã được Mathews’Chinese English Dictionary đối dịch là “chief engineer”, nghĩa là trưởng máy. Đương đại Hán ngữ từ điển của nhóm Lý Quốc Viêm (Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 2001) giảng (phiên theo âm Hán Việt) là “đối hỏa xa tư cơ hoặc luân thuyền thượng phụ trách quản lý cơ khí đích nhân đích tôn xưng”, nghĩa là “tiếng tôn xưng đối với người lái tàu hỏa hoặc người phụ trách việc quản lý máy móc trên tàu chạy bằng hơi nước”. Hiện đại Hán ngữ từ điển của Phòng Biên tập từ điển, Sở Nghiên cứu ngôn ngữ thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1992) thì cũng giảng với 20 chữ y chang. Cứ như trên thì, chỉ với một sự “nhích nghĩa” không lớn lắm, “đại xa”, đọc theo âm Quảng Đông “tài sé”, hiển nhiên là nguồn gốc của hai tiếng “tài xế” trong tiếng Việt. Ngoài nó ra, sẽ không thể có nguyên từ (etymon) nào khác. Còn tài công thì chỉ là đà công bị đan xen hình thức với tài xế nên đà mới hóa thành tài mà thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.