Lắt léo chữ nghĩa: Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
18/03/2023 07:12 GMT+7

Từ lâu nhiều người nghĩ rằng hai câu dưới đây là của Cao Bá Quát, song, cũng có quan điểm cho rằng hai câu đó xuất phát từ Trung Quốc.

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm, Nhất sinh đê thủ bái mai hoa (十載侖交求古劍,一生低首拜梅花). Nhà thơ Phạm Tiến Duật dịch: "Mười năm lặn lội tìm kiếm cổ, Một đời chỉ biết lạy hoa mai".

Trước hết, xin bàn về từ mai (梅) trong mai hoa. Nhiều người nghĩ rằng đó là hoa mai như Phạm Tiến Duật đã viết, song chúng tôi cho rằng đó là hoa mơ. Vì sao? Theo bách khoa thư Baidu, từ mai (梅) được ghi nhận trong thiên Nội tắc của Lễ ký (thời Chiến Quốc) và Thư kinh (thời Đông Tấn). Mai (梅) là một loài cây có hoa, tên khoa học là Prunus mume Siebold & Zucc. Ngày nay, do phát triển đa dạng nên cây mai Trung Quốc còn được phân thành nhiều thứ trong loài Armeniaca mume. Như vậy, cây mai Trung Quốc, dù thuộc loài Prunus mume hay Armeniaca mume, thì cũng có nghĩa là cây mơ theo cách gọi của người Việt. Điều này có thể chứng minh bằng chữ Nôm. Từ 梅 có 2 âm Nôm: mai , cả 2 đều chỉ cây mơ, ví dụ câu Am trúc hiên mai (梅) ngày tháng qua của Nguyễn Trãi hoặc Có cây mơ (梅) rụng trái (Thi kinh giải âm, 1714). Tóm lại, dịch mai hoa (梅花) là hoa mơ sẽ chính xác hơn.

Có quan điểm cho rằng hai câu trên không phải của Cao Bá Quát mà là của quan Tri phủ Hán Dương Ngải Tuấn Mỹ tặng cho Nguyễn Tư Giản vào ngày 9 tháng 12 năm Nhâm Thìn (1868) khi vị đại thần nhà Nguyễn này đi sứ sang Trung Quốc (bài Tìm thấy bản gốc câu thơ "Nhất sinh đê thủ bái mai hoa" của Trần Nhuận Minh, tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên, 22.4.2021).

Tuy nhiên, thật kỳ lạ, khi tìm kiếm trên mạng, chúng tôi không tìm thấy câu 十載侖交求古劍 (Thập tải luân giao cầu cổ kiếm) trong các văn bản chữ Hán từ nguồn Trung Quốc, chỉ thấy những câu tương tự. Ví dụ: Trên trang bán đấu giá trực tuyến thư pháp Trung Quốc năm 2022, lô 583 là tờ thư pháp viết theo lối hành thư của Đào Thụ (陶澍, 1779—1839), trong đó có 2 câu gần như giống hệt câu được cho là của Cao Bá Quát (hoặc Ngải Tuấn Mỹ), chỉ khác 3 chữ đầu "Tứ hải năng" (四海能) so với "Thập tải luân". Xét về thời gian, dĩ nhiên Đào Thụ viết hai câu thư pháp này trước năm ông mất (1839), song đến năm 1868 Ngải Tuấn Mỹ mới tặng hai câu tương tự cho Nguyễn Tư Giản.

Như vậy, có thể khẳng định rằng hai câu được cho là của Cao Bá Quát có nguồn gốc từ Trung Quốc, trễ nhất cũng từ thời Đào Thụ viết thư pháp. Về sau, Ngải Tuấn Mỹ mới chỉnh 3 chữ đầu "Tứ hải năng" thành "Thập tải luân" rồi tặng cho Nguyễn Tư Giản.

Trong quyển Liễu hồ (ghi chú lịch sử triều đại nhà Thanh) của Đinh Nhu Khắc (NXB Trung Hoa thư cục, 2002) và quyển Tiểu tuyết của Băng Tâm (Văn Lợi xuất bản xã, 1960) đều có 2 câu cũng gần như giống hệt, chỉ khác 3 chữ đầu là "Tứ hải luân" (四 海 論) so với "Thập tải luân". Riêng câu 一生低首拜梅花 (Nhất sinh đê thủ bái mai hoa) thì xuất hiện rất nhiều trong sách báo Trung văn, tương truyền là do nhà thơ Lâm Bô (林逋) đời Bắc Tống sáng tác, đã được học giả Tang Thế Xương thời nhà Minh ghi lại trong Lâm Bô truyện (林逋傳).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.