Lấy dây kẽm cắm vào ổ điện, bé 5 tuổi bị điện giật phỏng nặng

16/03/2017 14:05 GMT+7

Bé Phước nhặt lấy dây kẽm, bắc ghế leo lên ổ điện cắm vào, bị điện giật té ngất xỉu dưới đất. Ông ngoại vào nhà, thấy cháu nằm dưới nền nhà, tưởng đang ngủ nên đến ôm cháu thì cũng bị giật văng ra ngoài.

Sáng nay (16.3), thạc sĩ - bác sĩ Diệp Quế Trinh (Khoa Phỏng - Tạo hình, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) cho biết: Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng phỏng điện cháy sâu hai bàn tay và vùng mặt, mắt. Đặc biệt ngón 4 và 5 của hai bàn tay hoại tử hoàn toàn.
Do tình trạng phỏng của bé khá nặng nên bé phải bị cắt các ngón tay.
Đó là trường hợp đau lòng của bé trai Trần Tiến Phước (5 tuổi, ngụ tại Kiên Giang).
Được biết, ba mẹ li hôn nên bé Phước ở với ông bà ngoại.
Bà Lê Thị Mừng (56 tuổi, bà ngoại bé Phước) kể: “Hôm đó, khoảng 9 giờ sáng, tôi đi qua sông một chút để nhờ người ta đặt vé xe đi xuống lấy thuốc trị bệnh thần kinh tọa. Cháu ở nhà với ông ngoại. Ông ngoại cột sào đồ ở phía sau. Còn cháu nhặt lấy dây kẽm mà ông ngoại không hay. Rồi cháu bắc ghế leo lên ổ điện cắm vào. Bị điện giật, cháu té ngất xỉu dưới đất”.
“Đến khi ông ngoại vào nhà cũng không hề biết bé bị điện giật. Thấy cháu nằm bất tỉnh dưới nền nhà, ông ngoại tưởng cháu đang ngủ nên đến ôm cháu thì bất ngờ cũng bị điện phóng giật văng ra ngoài. Hốt hoảng ổng mới cắt cầu dao rồi tất tả ẵm cháu chạy đi nhờ hàng xóm đưa qua sông để đến bệnh viện”, bà Mừng nghẹn ngào kể tiếp.
Theo bà Mừng, lúc ẵm cháu đi thì cháu bất tỉnh, ngưng thở rồi. Đến được bệnh viện huyện thì cháu bất ngờ tỉnh lại. Cháu được sơ cứu rồi đưa lên bệnh viện tỉnh rồi được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, vào sáng nay, bé phải lên bàn phẫu thuật đoạn chi ngón 4, 5 của bàn tay. “Các ngón còn lại chúng tôi sẽ cố gắng bảo tồn hết sức có thể. Tuy nhiên do di chứng để lại nên khả năng vận động sau này phục hồi sẽ rất khó khăn”, bác sĩ Trinh cho biết.
Theo bác sĩ Trinh, riêng vùng mặt của bé bị phỏng độ 3, di chứng để lại sẹo rất sâu, một bên mắt của bé cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, các bác sĩ của Khoa Phỏng - Tạo hình và Đơn vị Mắt đang cố gắng điều trị cho bé.
Gia cảnh khó khăn
Chăm cháu ngoại trong bệnh viện, bà Mừng lau nước mắt cho biết: “Xảy ra chuyện, tôi tất tả đi bệnh viện. Rồi ra tiệm vàng gần nhà mượn được 10 triệu để lo viện phí, xe cộ, ăn uống chuyển cháu lên Bệnh viện Nhi đồng 1. Tôi chỉ mong trời phật thương, cho cháu tôi qua được nạn này. Tội nghiệp thằng bé, mồ côi mồ cút từ hồi 8 - 9 tháng tuổi, giờ gặp nạn này đau xót quá!” 
Bà Mừng tâm sự thêm, khi lên bệnh viện, thấy hoàn cảnh khó khăn, chị của một bác sĩ cũng có hỗ trợ cho bà một triệu đồng để trang trải ăn uống.
Được biết, khi bé Phước mới 8 - 9 tháng thì ba mẹ li dị vì không hợp nhau. Từ đó, mẹ của bé để con cho ông bà ngoại nuôi rồi đi làm thuê làm mướn kiếm sống.
“Mẹ nó mới đây xin được việc làm ở Bình Dương trong một xưởng gỗ, lương cũng được cỡ 4 triệu đồng/tháng. Chưa kịp mừng vì có thể có tiền mang về phụ giúp để lo cho cháu chuẩn bị đi học thì giờ lại xảy ra việc", bà Mừng khóc.
Được biết, ông ngoại của bé năm nay 58 tuổi, lại bị bệnh tim. Ông hiện phải thuê đất của người ta để làm nông nuôi gia đình.
Thạc sĩ - bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết: “Bé có BHYT trả phần nào viện phí. Tuy nhiên, gia đình của bé rất khó khăn. Việc điều trị phỏng thì phải kéo dài hàng tháng, chi phí tốn kém, di chứng để lại cũng nặng nề. Ngoài điều trị về thể chất cho bé, bệnh viện cũng có phương án điều trị về mặt tâm lý”.
Qua trường hợp này, bác sĩ Thạc cũng khuyến cáo phụ huynh: Có trẻ nhỏ trong nhà cần hết sức chú ý, cẩn thận với các ổ điện trong nhà. Phụ huynh nên thường xuyên kiểm tra ổ điện, dây điện xem có bong tróc không để kịp thời sửa chữa. Các ổ cắm điện, vật dụng dẫn điện phải tuyệt đối để xa tầm với trẻ em, tốt nhất nên có nút bịt các ổ cắm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.