Trên kênh Dân ca và nhạc cổ truyền, khán giả có thể nghe Truyện Kiều được thể hiện bằng hình thức ngâm, vốn được sinh ra gắn liền với Truyện Kiều mà các nghệ sĩ âm nhạc dân tộc vẫn gọi là lẩy Kiều. Giọng ngâm của NSND Thanh Hoài vang lên trên nền nhạc đàn tranh (nghệ sĩ Trần Quế Hương), đàn nguyệt (Phạm Đức Bình) và sáo (Lê Hữu Trung). Chỉ sau 3 tuần phát hành trên YouTube, clip phần ngâm Kiều thăm mộ Đạm Tiên của các nghệ sĩ đã có hơn 66.000 lượt xem. Cũng trong khoảng đó thời gian, clip phần Kiều bán mình chuộc cha do NSƯT Quốc Khanh ngâm cũng đạt hơn 69.000 lượt xem... “Tôi bất ngờ với lượt người xem lớn như vậy. Lúc làm tôi chỉ mong có vài nghìn lượt xem là quá tốt rồi, bởi âm nhạc mang tính kinh điển của dân tộc không phải lúc nào cũng dễ dàng được công chúng bây giờ tiếp nhận”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, cũng là người khởi xướng dự án Ngâm Kiều toàn truyện, nói.
Cùng với dự án Ngâm Kiều toàn truyện, trên kênh Dân ca và nhạc cổ truyền, khán giả còn có thể nghe hát ru, quan họ, chèo... Một kênh YouTube khác của nhóm Xẩm Hà Thành giới thiệu tới công chúng những MV với những bài xẩm mới hay xẩm xưa. Những thành viên của nhóm Xẩm Hà Thành đã góp công trong việc “hồi sinh” cũng như phát triển loại hình âm nhạc truyền thống này. Trong khi đó, TS Nguyễn Nhã, năm nay đã hơn 80 tuổi, cũng đưa lên Facebook và YouTube dự án hát thơ được ông khởi xướng từ năm 2002. “Cho học trò hát dân ca những bài thơ trong sách giúp các em tiếp thu nhanh hơn. Mà giới trẻ hát ru hay hát dân ca cũng là giữ hồn dân tộc”, TS Nguyễn Nhã chia sẻ.
Khó khăn về kinh phí
TS Nguyễn Nhã đã đến nhiều trường học thuyết phục, mời nghệ sĩ đi dạy hát cho học sinh. Ông còn thực hiện CD, DVD nghệ sĩ hát thơ, hát dân ca những bài thơ trong sách giáo khoa lớp 1, lớp 2. Nhiều việc ông phải tự bỏ tiền túi để làm. Ông luôn mong có thể tiếp tục thực hiện dự án với các lớp tiếp theo hay dự án Thương ca văn hóa trong đó hát những câu thơ lục bát, có thể được triển khai ở mỗi tỉnh, thành. Nhưng đó chỉ là mong mỏi vì vẫn chưa có kinh phí.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng ấp ủ dự án Ngâm Kiều toàn truyện từ lâu, nhưng vừa qua mới có thể thực hiện. “Lúc đầu tôi muốn làm theo hình thức biểu diễn trực tiếp, nhưng như vậy rất tốn kém. Vì thế, tôi nghĩ đến việc đưa lên YouTube. Dù vậy, cũng phải tốn khoản tiền không nhỏ. May mắn là có một quỹ hỗ trợ gần 40 triệu đồng, nếu không có sự hỗ trợ ban đầu này, tôi đã không làm được”, ông Long nói và cho biết ông muốn tiếp tục được giới thiệu trên kênh Dân ca và nhạc cổ truyền nhiều di sản quý của dân tộc như trọn bộ 24 bài xoan cổ của hát xoan Phú Thọ, hay những di sản sống như nghệ nhân hát văn Hoàng Trọng Kha nay đã gần 100 tuổi, cặp danh cầm từng được mệnh danh là “sóng thần” của làng tài tử ở Nam bộ là NSND Văn Giỏi và NSND Thanh Hải… Vì không có kinh phí nên ông Long vẫn chưa thực hiện được.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, mạng xã hội là phương tiện hữu ích trong việc quảng bá nghệ thuật truyền thống. “Khán giả ở nước ngoài cũng có thể dễ dàng tiếp cận. Nghệ thuật truyền thống có thể được giới thiệu tới những khán giả quan tâm, cũng như được lan tỏa giúp mở rộng thêm khán giả ở mọi khoảng cách địa lý”, ông Long nhìn nhận. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều kênh quảng bá nghệ thuật truyền thống nghiêm túc trên mạng xã hội. “Trong khi, có không ít kênh lấy sản phẩm của nghệ sĩ, ngang nhiên vi phạm bản quyền”, ông Long cho hay. “Trong khoảng mấy năm trở lại đây, đã có những nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống cập nhật với mạng xã hội. Tuy vậy, cũng không nhất thiết mỗi nghệ sĩ cần có một kênh riêng, mà có thể có nơi nào đó, hoặc ai đó đứng ra tập hợp sản phẩm của nghệ sĩ. Và quan trọng là người tạo kênh cần đưa đến những sản phẩm nghiêm túc tới công chúng, chứ không phải những thứ lăng nhăng để tìm cách kiếm tiền”, ông Long bày tỏ.
Bình luận (0)