Lấy ý kiến chọn mẫu tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát 'Nối vòng tay lớn'

Lê Hoài Nhân
Lê Hoài Nhân
23/11/2022 23:13 GMT+7

11 mẫu tượng phác thảo về chủ đề nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát Nối vòng tay lớn đang được trưng bày tại TP.Huế, phục vụ công chúng quan tâm đến bỏ phiếu, lấy ý kiến để tiến hành tạc tượng đồng.

Chiều 23.11, tại địa chỉ 23 - 25 Lê Lợi (TP.Huế), Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao TP.Huế đã phối hợp cùng Hội Nghiên cứu – Phát triển Di sản văn hóa Huế (Thừa Thiên – Huế) tổ chức triển lãm trưng bày 11 mẫu tượng phác thảo chủ đề “Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đứng hát bài hát Nối vòng tay lớn”.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế cùng các đại biểu nghe Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thuyết trình, giới thiệu các mẫu tượng phác thảo.

LÊ HOÀI NHÂN

Theo đó, các mẫu tượng phác thảo này là sản phẩm từ 9 nhà điêu khắc tên tuổi, tham gia chương trình sáng tác chủ đề “Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đứng hát bài hát Nối vòng tay lớn” do Hội Nghiên cứu – Phát triển Di sản văn hóa Huế phát động hồi tháng 3.2021.

Sau quá trình chọn lọc, triển lãm lần này là dịp lấy ý kiến bỏ phiếu từ các chuyên gia, những người yêu nhạc Trịnh để chọn ra một tác phẩm tiêu biểu, phục vụ việc tạc tượng bằng đồng trưng bày tại công viên TP.Huế.

Các mẫu tượng phác thảo được trưng bày tại triển lãm

LÊ HOÀI NHÂN

Chia sẻ về việc chọn chủ đề "Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đứng hát bài hát Nối vòng tay lớn", Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (Chủ tịch Hội Nghiên cứu – Phát triển Di sản văn hóa Huế) cho rằng, ca khúc Nối vòng tay lớn mang ý nghĩa đặc biệt đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhân dân ta trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Theo nhà nghiên cứu, ca khúc này xuất thân trong phong trào đấu tranh yêu nước của Tuổi trẻ đô thị Huế (1970) sau đó đã lan tỏa ra toàn các đô thị miền Nam. Bài hát đã thay cho lời kêu gọi các tầng lớp dân chúng đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm giành độc lập thống nhất đất nước, trọn vẹn lãnh thổ. Mang ý nghĩa quan trọng, cổ vũ tinh thần đoàn kết dân tộc không phân biệt vùng miền, nông thôn hay thành thị, đặc biệt gắn liền với nhiệt huyết của tuổi trẻ trong mọi hoàn cảnh... bài hát sẽ đồng hành trong quá trình xây dựng đất nước hôm nay và mai sau.

Một mẫu phác thảo

LÊ HOÀI NHÂN

“Bây giờ trong thời bình, tinh thần đó của bài hát vẫn rất cần thiết, để đời đời dân tộc sau này tiếp tục ước mong thương yêu để xây dựng đất nước. Đây là nhiệm vụ rất lớn, nhất là trên quê hương của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi mong muốn, qua hoạt động này sẽ chọn được bức tượng đẹp, thể hiện đúng tinh thần của chủ đề Nối vòng tay lớn”, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nói.

Một số bản thảo tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát Nối vòng tay lớn tại triển lãm

LÊ HOÀI NHÂN

Ngoài trưng bày để cộng đồng quan tâm trực tiếp đến xem, bỏ phiếu lấy ý kiến, các bức tượng phác thảo sẽ được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để bình chọn.

Sau đó, Hội đồng nghệ thuật gồm các nghệ sĩ uy tín, cơ quan T.Ư và địa phương cùng người thân của cố nhạc sĩ sẽ dựa trên các số liệu để chọn ra 3 tác phẩm tiêu biểu. Sau đó, 3 tác phẩm này tiếp tục nâng lên 1m rồi mới đưa ra một lựa chọn chính thức.

Nhiều mẫu thiết kế ấn tượng

LÊ HOÀI NHÂN

Theo ban tổ chức, sau khi hoàn thành tượng Trịnh Công Sơn sẽ bằng chất liệu đồng, cao khoảng 2 m, được dựng tại Công viên bên bờ sông Hương trên đường Trịnh Công Sơn (TP.Huế).

Bức tượng với chủ đề "Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đứng hát bài hát Nối vòng tay lớn" sẽ nêu lên khát vọng của ca khúc, với mong muốn để cộng đồng đứng hát cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tạo sự gần gũi gắn bó với người đến chiêm ngưỡng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.